Lý do nào khiến Ukraine chưa đàm phán với Nga?

Lý do nào khiến Ukraine chưa đàm phán với Nga?
4 giờ trướcBài gốc
Trả lời câu hỏi liệu Ukraine có đàm phán với Nga hay không trong cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Suspilne, Chánh văn phòng Andriy Yermak nhấn mạnh: “Chưa phải là hôm nay. Chúng tôi không có đủ vũ khí, không có vị thế và cũng chưa nhận được các đảm bảo an ninh rõ ràng. Điều này là cần thiết để đảm bảo rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không quay trở lại trong hai hoặc ba năm nữa”.
Trước đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky nêu rõ, Kiev chỉ sẵn sàng đàm phán khi đảm bảo được lợi ích chiến lược và an ninh quốc gia. Trong các phát biểu công khai gần đây, ông nhấn mạnh rằng, Ukraine cần được mời gia nhập NATO với những đảm bảo an ninh cụ thể, ngay cả khi quy chế của Liên minh chỉ áp dụng trên các khu vực do Kiev kiểm soát. Ông cũng khẳng định, các cuộc đàm phán với Nga có thể diễn ra ngay cả khi Moscow vẫn quản lý các vùng lãnh thổ của Ukraine. Trong khi đó, Nga tiếp tục khẳng định lập trường cứng rắn.
Ngày 10/12, Điện Kremlin tuyên bố rằng, cuộc chiến sẽ kéo dài cho đến khi các mục tiêu của Tổng thống Vladimir Putin được hoàn thành, dù thông qua chiến tranh hay đàm phán.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa. Ảnh: Reuters
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ kết thúc khi tất cả các mục tiêu do tổng thống và tổng tư lệnh đề ra đều đạt được”. Ông cũng nhấn mạnh, hiện tại không có cuộc đàm phán nào đang diễn ra vì Kiev từ chối mọi đề xuất từ Moscow. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga kiêm Chủ tịch đảng Nước Nga Thống nhất, ông Dmitry Medvedev, tuyên bố “Nga sẵn sàng nối lại đàm phán với Ukraine, nhưng chỉ khi Kiev công nhận thực tế và các đề xuất mà Tổng thống Vladimir Putin đưa ra trong bài phát biểu tại Bộ Ngoại giao năm nay”.
Nga từ lâu đã yêu cầu Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và chấp nhận chủ quyền của Nga tại bốn khu vực mà nước này tuyên bố sáp nhập, bao gồm Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia. Tuy nhiên, Kiev bác bỏ các điều khoản này, coi đó là hành động đầu hàng.
Về phía NATO, trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp với người đồng cấp Ukraine Andriy Sybiha tại Berlin hôm 12/12 (giờ địa phương), Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Italy và Ba Lan nhấn mạnh: “Mục tiêu về một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài cho Ukraine và an ninh bền vững cho châu Âu là không thể tách rời. Ukraine phải chiến thắng”. Các quốc gia cũng cam kết ủng hộ việc chấm dứt xung đột theo “sự tôn trọng hoàn toàn đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”. “Chúng tôi tái khẳng định cam kết của mình đối với Công thức hòa bình của Tổng thống Volodymyr Zelensky, như một con đường đáng tin cậy hướng tới một nền hòa bình công bằng và lâu dài”, tuyên bố nêu rõ. Những nước ủng hộ Kiev tuyên bố sẽ ủng hộ Ukraine trên con đường không thể đảo ngược của nước này hướng tới sự hội nhập hoàn toàn vào Hội đồng Đối tác Euro - Đại Tây Dương, bao gồm cả tư cách thành viên NATO, cũng như con đường hướng tới việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Những tuyên bố này một lần nữa cho thấy, điều tốt nhất mà Ukraine nhận được chỉ là những cụm từ quen thuộc về “con đường NATO không thể đảo ngược” và “cây cầu dẫn đến tư cách thành viên”, ám chỉ đến các hiệp ước an ninh mà từng thành viên đã ký kết với Kiev cùng với sứ mệnh đào tạo binh lính Ukraine.
Cuộc họp tại Berlin diễn ra trong bối cảnh không chắc liệu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có tiếp tục viện trợ quân sự và tài chính vô điều kiện như chính quyền trước cho Kiev hay không. Ông Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2025, cam kết sẽ làm hết sức để nhanh chóng chấm dứt xung đột bằng con đường ngoại giao. Trả lời phỏng vấn Tạp chí Time sau khi được tạp chí này bình chọn là “Nhân vật của năm”, Tổng thống đắc cử Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc về thương vong ở cả hai phía và chỉ trích mạnh mẽ việc Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, nhấn mạnh đây là sai lầm nghiêm trọng, khiến chiến tranh leo thang không cần thiết. Ông cam kết sẽ đàm phán để đạt được thỏa thuận hòa bình bền vững. Khi được hỏi liệu ông có “bỏ rơi” Ukraine hay không, ông tuyên bố: “Tôi muốn đạt được một thỏa thuận, và cách duy nhất để đạt được thỏa thuận là không bỏ rơi”. Ông cũng giải thích lý do tại sao ông không nêu ra bất cứ chi tiết nào về kế hoạch hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Với tư cách là một nhà đàm phán, khi tôi ngồi xuống và bắt đầu trao đổi, tôi nghĩ rằng mình có một kế hoạch rất tốt, nhưng khi tôi bắt đầu tiết lộ kế hoạch đó, nó sẽ trở thành một thứ gần như vô giá trị”, ông nói, ám chỉ tầm quan trọng của yếu tố bí mật trong chiến lược thương lượng. “Tôi không đồng ý với toàn bộ mọi thứ vì lẽ ra nó không bao giờ nên xảy ra”, ông nói và nhấn mạnh rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ không leo thang nếu ông tiếp tục là Tổng thống Mỹ sau nhiệm kỳ đầu tiên.
Trước đó, các nguồn tin gần gũi với tờ Nhật báo phố Wall cho biết, trong các cuộc thảo luận tại Paris hôm 7/12 với Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Donald Trump được cho là đã tuyên bố rằng ông không ủng hộ việc Kiev gia nhập NATO; đồng thời, nhấn mạnh rằng, ông muốn thấy một “Ukraine mạnh mẽ và được trang bị vũ khí tốt” sau khi chấm dứt các hành động thù địch. Bên cạnh đó, Tổng thống đắc cử Mỹ còn nhấn mạnh rằng châu Âu nên đóng vai trò dẫn đầu trong việc bảo vệ, hỗ trợ Ukraine và bày tỏ ủng hộ việc triển khai quân đội châu Âu để giám sát lệnh ngừng bắn tại Ukraine, nhưng loại trừ khả năng lực lượng Mỹ hiện diện tại nước này. Ngoài ra, tờ Nhật báo phố Wall lưu ý rằng, Tổng thống đắc cử Mỹ đã kêu gọi các nước châu Âu gia tăng áp lực lên Trung Quốc nhằm thúc đẩy Nga chấm dứt cuộc chiến toàn diện ở Ukraine. Các nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về khả năng sử dụng thuế quan đối với Bắc Kinh trong bối cảnh này. Nhóm của ông Donald Trump nói với tờ Nhật báo phố Wall rằng Tổng thống đắc cử Mỹ hiện chưa có kế hoạch cụ thể cho Ukraine. Các quyết định quan trọng sẽ được đưa ra sau khi thành lập đội ngũ an ninh quốc gia và tiến hành các cuộc đàm phán sâu hơn với các đồng minh - và có thể cả với Tổng thống Liên bang Nga, ông Vladimir Putin.
Trong bối cảnh Kiev đang đối mặt với những bất ổn trong việc nhận hỗ trợ từ phương Tây và sự gia tăng tấn công từ Nga, tại cuộc họp Ngoại trưởng NATO tại Brussels hồi tuần trước, Tổng Thư ký NATO Mark Rutte đã cảnh báo “đây có thể là mùa đông khó khăn nhất của Ukraine kể từ năm 2022”. Ngoại trưởng Andriy Sybiha cũng chia sẻ rằng, tình hình hiện tại “thực sự rất thách thức”.
Khổng Hà (tổng hợp)
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/the-gioi-24h/ly-do-nao-khien-ukraine-chua-dam-phan-voi-nga--i753293/