Học giả Nguyễn Đình Đầu: Người tận hiến cho dân tộc và lịch sử nước nhà

Học giả Nguyễn Đình Đầu: Người tận hiến cho dân tộc và lịch sử nước nhà
6 giờ trướcBài gốc
Dấn thân vì độc lập và hòa hợp dân tộc
Ngay từ những năm đầu của Cách mạng Tháng Tám 1945, chàng thanh niên Nguyễn Đình Đầu khi đó mới ở tuổi 25 đã tham gia vào Bộ Quốc dân Kinh tế của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, góp phần vào việc vận chuyển gạo từ Nam ra Bắc để cứu đói.
Sau đó, trong thời gian du học tại Pháp, ông cùng các trí thức như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà vận động Chính phủ Pháp đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh.
Với tinh thần hòa hợp dân tộc, ngày 29/4/1975, ông được Tổng thống chính quyền Sài Gòn lúc đó là Dương Văn Minh cử làm thành viên của phái đoàn đến Trại Davis để góp phần giảm thiểu đổ máu trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến.
Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh và học giả Nguyễn Đình Đầu. Ảnh: Cấn Dũng
Sinh ra trong giai đoạn đất nước chìm trong biến động, Nguyễn Đình Đầu sớm nhận ra giá trị của lịch sử trong việc xây dựng ý thức dân tộc. Ông dành cả đời nghiên cứu những vùng đất, từ Sài Gòn - Gia Định đến Đồng bằng sông Cửu Long.
Bằng cách phân tích các bản đồ cổ, tư liệu địa chính và ghi chép của người Pháp, ông chứng minh sự gắn kết máu thịt giữa các vùng miền, góp phần xóa nhòa định kiến về chia rẽ Bắc - Nam.
Những tác phẩm được sinh ra từ ngòi bút của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu như những minh chứng sống động cho lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.
Cống hiến trọn đời cho đất nước
Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu thuộc thế hệ trí thức yêu nước, những con người sống trọn với lý tưởng phụng sự dân tộc qua nghiên cứu, học thuật và hành động cụ thể.
Không ồn ào, không phô trương, ông âm thầm cống hiến bằng sự nhẫn nại hiếm có, kiên trì đào sâu vào các lĩnh vực như địa bạ, bản đồ cổ, tư liệu địa lý - lịch sử liên quan đến chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Học giả Nguyễn Đình Đầu cùng những bức ảnh đi cùng năm tháng
Từ sau năm 1975, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và công bố các công trình nghiên cứu về sử, địa, đặc biệt trong đó có công trình nghiên cứu về vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Trong gia tài đồ sộ của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu có gần 100 công trình nghiên cứu, bộ sách lịch sử, địa lý, văn hóa; lưu giữ gần 4.000 bản đồ cổ Việt Nam…
Những tác phẩm tiêu biểu của ông gồm: 23 cuốn Địa bạ, Quân điền Bình Định, ba tập Tạp ghi Việt Sử Địa, Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức, Việt Nam quốc hiệu và cương vực, Hoàng Sa - Trường Sa,…
Ông từng nhấn mạnh: “Hình hài đất nước Việt Nam từ xa xưa cho đến bây giờ và mãi mãi về sau không thể nào thiếu Hoàng Sa và Trường Sa”. Đến những ngày cuối đời, ông vẫn đau đáu với dự án phục dựng bản đồ cổ Việt Nam, coi đó là bằng chứng khẳng định chủ quyền quốc gia.
Tấm gương sáng về nhân cách và trí tuệ
Điều đáng quý ở Nguyễn Đình Đầu là ông chưa từng coi công việc của mình là một phương tiện mưu sinh hay danh vọng. Với ông, nghiên cứu lịch sử là sứ mệnh, là nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc.
Tuổi cao sức yếu, ông vẫn miệt mài làm việc, vẫn cặm cụi bên những tấm bản đồ cổ, bên những tư liệu cũ kỹ, như thể thời gian chưa từng chạm đến lòng say mê cháy bỏng của ông.
Kho tư liệu quý của học giả Nguyễn Đình Đầu
Đến tận cuối đời, ông vẫn không rời khỏi những bản thảo, vẫn suy tư về vận mệnh dân tộc và giá trị trường tồn của lịch sử. Ông từng chia sẻ: “Không ai thúc ép tôi phải viết, không ai trả tiền để tôi phải nghiên cứu, không vì tước vị, học vị. Làm nghiên cứu là bởi tôi yêu công việc này”.
Cái nhìn của Nguyễn Đình Đầu về lịch sử không chỉ là sự ghi chép lại quá khứ, mà còn là quá trình soi chiếu hiện tại, định hướng tương lai. Ông luôn nhấn mạnh việc nhận thức rõ bản sắc dân tộc là nền tảng để giữ vững chủ quyền, phát triển bền vững. Tư duy ấy, cộng với đức hạnh liêm chính và lối sống thanh bạch, đã khiến ông trở thành người được kính trọng bởi cả giới nghiên cứu và xã hội nói chung.
Làm việc nghiên cứu cho đến tận cuối đời, cuộc đời của ông là lời nhắc nhở về giá trị của lòng yêu nước, của sự tận tụy vô danh, của tinh thần sống cống hiến không mệt mỏi. Ông từng nói: "Làm sử không phải để kiếm tiền, mà để trả nợ cho tiền nhân”.
Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu ra đi để lại cho hậu thế không chỉ những công trình nghiên cứu quý giá, mà còn là một tấm gương sáng về nhân cách, trí tuệ và lòng trung thành không đổi với lịch sử, với quê hương.
Quang Lộc
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/hoc-gia-nguyen-dinh-dau-nguoi-tan-hien-cho-dan-toc-va-lich-su-nuoc-nha-385439.html