NSND Hương Dung mong muốn sớm có bảo tàng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

NSND Hương Dung mong muốn sớm có bảo tàng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
3 giờ trướcBài gốc
Vị tướng tài ba trong lòng dân
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một vị tướng tài ba, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, một Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân từng cầm quân chinh chiến đánh thắng hai đế quốc lớn của thời đại là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng dân tộc giành lại độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc.
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục hơn 80 năm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc mà ông còn sống vô cùng giản dị, gần gũi; tài đức vẹn toàn, Đại tướng đã trở thành tấm gương sáng, là niềm tự hào, kính mến trong trái tim của người dân Việt Nam. Không chỉ vậy, Đại tướng còn được đánh giá là một trong 10 nhân vật quân sự lỗi lạc nhất của mọi thời đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nhận được sự ngưỡng mộ, kính trọng của bạn bè khắp năm châu. Nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách, học giả, nhà báo, nhà văn, nhân dân thế giới viết về Đại tướng bằng tình cảm ấm áp, niềm xúc động, khâm phục tài năng và đức độ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng tài ba của dân tộc Việt Nam
Năm 2013, ngay sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, đã có nhiều ý kiến đề nghị xây dựng bảo tàng. Bảo tàng sẽ là một “địa chỉ đỏ”, một thiết chế văn hóa và trung tâm nghiên cứu để các thế hệ người Việt Nam cùng bạn bè quốc tế đến để học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên, đến nay việc xây dựng bảo tàng vẫn chỉ là mong muốn mà chưa thể thực hiện.
Sự ra đời của Bảo tàng lịch sử quân sự quốc gia ra đời phần nào cũng đã góp phần có thêm những tư liệu quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, tư liệu về Đại tướng là cả một tài sản đồ sộ, nhiều tài liệu quý chưa được công bố. Những ngày tháng Tư lịch sử, hòa chung không khí cả nước hân hoan chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), nhiều người dân khi tìm về các địa chỉ đỏ đã xúc động, mong muốn rằng có một Bảo tàng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Dưới góc nhìn của một giáo viên giảng dạy môn Lịch sử ở trường THPT, cô Trần Thị Hường đánh giá những đóng góp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với Lịch sử cách mạng Việt Nam là rất to lớn. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng đã trở thành đề tài để nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tìm hiểu. Đại tướng trở thành một tấm gương sáng về trí tuệ, đạo đức, phong cách... của thời kì cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và công cuộc đổi mới đất nước. Những cống hiến của Đại tướng hoàn toàn xứng đáng để nhà nước và nhân dân Việt Nam xây dựng một bảo tàng riêng cho Người.
Đại tướng và gia đình lại rất khiêm nhường giản dị, không muốn ồn ào nên việc xây dựng bảo tàng riêng cho Đại tướng cần tham khảo cả ý nguyện của gia đình Đại tướng.
Cô Trần Thị Hường - giáo viên giảng dạy môn Lịch sử trường THPT Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên
“Mong muốn xây dựng một bảo tàng riêng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp của đông đảo nhân dân, cựu chiến binh và của thế hệ trẻ là sự ghi nhận những cống hiến to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng thời cũng thể hiện lòng biết ơn, tình cảm trân trọng của nhân dân đối với vị Đại tướng nổi tiếng của dân tộc”, cô Hường nói.
Cần sớm có Bảo tàng về Đại tướng
Không chỉ là mong muốn của các chuyên gia văn hóa, các nhà sử học, nguyện vọng xây dựng một bảo tàng riêng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã và đang âm ỉ trong lòng nhân dân - những người từng được chứng kiến thời khắc hào hùng của dân tộc.
Trong dịp ghé thăm Điện Biên những ngày tháng Tư lịch sử, NSND - Trung tá Hương Dung, nguyên diễn viên Đoàn Văn công Quân khu 3 và Đoàn Kịch Bộ Công an, xúc động chia sẻ: “Không phải ai cũng có điều kiện đến Điện Biên để chứng kiến những chiến tích hào hùng gắn với Đại tướng. Vậy thì tại sao chúng ta không xây dựng một bảo tàng - nơi lưu giữ những ký vật, những kỷ niệm thiêng liêng về người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt` Nam”.
NSND - Trung tá Hương Dung trong chuyến thăm Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ
Nghệ sĩ cho biết đây là lần thứ tư chị có mặt tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng cảm xúc vẫn luôn vẹn nguyên như lần đầu. “Nhiều người già, những thế hệ đã từng sống cùng thời với chiến thắng, vì sức khỏe hoặc điều kiện không thể đến Điện Biên. Họ xứng đáng có một không gian gần gũi hơn, nơi có thể gợi lại những ký ức về Đại tướng”, chị nói.
Hương Dung đề xuất việc xây dựng một bảo tàng tại Hà Nội - nơi Đại tướng đã sinh sống và làm việc trong suốt hơn nửa đời người, từ khi về nước đến lúc qua đời. Đó không chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật thời chiến, mà còn có thể tái hiện hình ảnh bình dị của một vị tướng vẫn miệt mài làm việc cho đến những ngày cuối đời.
Là một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất lịch sử Điện Biên Phủ, chị Cầm Trang Thơ hiện đang sinh sống tại Hà Nội bày tỏ: “Tôi mong muốn có một Bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội để làm nơi lưu giữ và trưng bày những kỷ vật về Đại tướng. Những kỷ vật đó là những câu chuyện lịch sử gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng cũng như cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân ta - cuộc kháng chiến đã giành thắng lợi vang dội lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu”.
Chị Cầm Trang Thơ dân tộc Thái, quê Điện Biên mong muốn có một Bảo tàng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Theo chị Thơ, có thể là một bảo tàng ngoài công lập thuộc sở hữu của gia đình Đại tướng để gia đình đóng góp nguồn tư liệu quý về lịch sử của quân đội và đất nước để từ đó bảo tàng sẽ trở thành một điểm đến rất ý nghĩa phục vụ nhân dân và bạn bè quốc tế hiểu thêm về lịch sử giữ nước của quân và dân ta và cũng là nơi tuyên truyền về truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam tới các thế hệ học sinh để từ đó các em thêm tự hào về quê hương đất nước, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn, biết ơn công lao các anh hùng, liệt sỹ và những người đã chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Hoàng Bằng
Nguồn VHPT : https://vanhoavaphattrien.vn/nsnd-huong-dung-mong-muon-som-co-bao-tang-ve-dai-tuong-vo-nguyen-giap-a28547.html