Đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, thí sinh phải trải qua 2 môn thi bắt buộc, gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Trước việc số môn tăng, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy chế bỏ yêu cầu chương trình đào tạo, mỗi ngành, mỗi chương trình có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển. Thay vào đó, sẽ không giới hạn số tổ hợp xét tuyển, nhưng phải bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp, trong đó phải có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số tính điểm xét không dưới 25%.
Với số môn trên sẽ tạo ra 36 tổ hợp chọn 4 môn thi tốt nghiệp và sinh ra 81 tổ hợp 3 môn xét tuyển đại học.
Tạo cơ hội cho thí sinh hay "tận thu" nguồn tuyển?
Để đảm bảo thuận lợi, mở rộng "cánh cửa" học tập cho thí sinh, các trường đại học đã sử dụng đa dạng tổ hợp xét tuyển. Mặc dù vậy, nhiều tổ hợp được xây dựng đặt ra nhiều băn khoăn về tính phù hợp và chất lượng đầu vào.
Đơn cử, ở khối ngành Sư phạm, theo Đề án tuyển sinh đại học năm 2024 của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, với ngành Sư phạm Lịch sử nhà trường này vẫn sử dụng tổ hợp xét tuyển có môn Lịch sử đó là: C00 (Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý), C19 (Ngữ Văn, Lịch sử, GDCD) và D14 (Ngữ Văn, Lịch sử, tiếng Anh).
Nhưng sang đến năm 2025, trong 4 tổ hợp xét tuyển được nhà trường công bố, thì có 2 tổ hợp D01 (Ngữ Văn, Toán, tiếng Anh) và C20 (Ngữ Văn, Địa lý, GDKTPL) không có môn Lịch sử.
Tổ hợp xét tuyển ngành Sư phạm Lịch sử của Trường Đại học Thủ đô năm 2025.
Điều này cũng tương tự với Trường Đại học Thủ đô, năm 2025, với ngành Sư phạm Lịch sử, nhà trường này tuyển sinh các tổ hợp D01 (Ngữ Văn, Toán, tiếng Anh), C03 (Ngữ Văn, Toán, Lịch sử), C04 (Ngữ Văn, Toán, Địa lý), C14 (Ngữ Văn, Toán, GDKTPL) – như vậy chỉ duy nhất mã C03 là xét tuyển có môn Lịch sử.
Mặc dù, ở kỳ tuyển sinh năm 2024, trường đại học này sử dụng các tổ hợp D09 (Toán, Lịch sử, tiếng Anh), D14 (Ngữ Văn, Lịch sử, tiếng Anh), D78 (Văn, KHXH, tiếng Anh), D96 (Toán, KHXN, tiếng Anh).
Tại Trường Đại học Đồng Tháp, đối với ngành Sư phạm Vật lý cũng có 2 trên 6 tổ hợp xét tuyển, được nhà trường công bố không có môn Vật lý, thay vào đó là tổ hợp D01 (Toán, Ngữ Văn, tiếng Anh) và C02 (Toán, Ngữ văn, Hóa).
Ở ngành Sức khỏe, cũng có nhiều ngành học không tuyển sinh tổ hợp có môn Sinh và Hóa.
Tổ hợp xét tuyển ngành Bác sĩ đa khoa năm 2025 của GS.TS Nguyễn Anh Trí – Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội khóa XV.
Tại GS.TS Nguyễn Anh Trí – Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội khóa XVhàng loạt các ngành Bác sĩ đa khoa, Bác sĩ Răng – Hàm -Mặt, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Điều dưỡng nha khoa, Điều dưỡng đa khoa, đều tuyển sinh tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh).
Còn Trường Đại học Y tế công cộng cũng lựa chọn tổ hợp A01 cho ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học cộng đồng. Trường Y dược – Đại học Đà Nẵng cũng có ngành Hóa dược nhưng lại tuyển sinh khối A01.
Trước nhiều băn khoăn về tổ hợp xét tuyển năm nay, Người Đưa Tin, đại diện của Trường Đại học Thủ đô cho biết: "Việc xây dựng đề án không vi phạm quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Các phương thức tuyển sinh nhằm tạo điều kiện cho thí sinh trúng tuyển".
Tuyển sinh trái ngành, lo ngại chất lượng đào tạo
Là người có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy Vật lý ở bậc đại học, TS. Đặng Văn Sơn – Nghiên cứu viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ sự nghi ngại về chất lượng đào tạo sinh viên khi xét tuyển không liên quan như hiện nay.
Lý giải nguyên nhân có các tổ hợp không nằm trong truyền thống xét tuyển như trước kia, ông Sơn cho biết với Chương trình GDPT 2018, học sinh không nhất thiết phải học tất cả các môn học như giống như chương trình cũ, mà được lựa chọn theo định hướng năng lực bản thân.
"Điều này xảy ra trường hợp, học sinh có thể chỉ phải học một môn nhóm Khoa học tự nhiên như Hóa, Lý, Sinh, các môn còn lại lại chọn môn trong nhóm Khoa học xã hội.
Đến khi xét tuyển đại học, các trường cũng xây dựng các tổ hợp không liên quan đến chuyên ngành học khiến nguy cơ mất gốc kiến thức cơ bản là chắc chắn sẽ xảy ra", ông Đặng Văn Sơn cho biết.
Sau khi vào đại học, sẽ gần như phải học lại chương trình ở bậc phổ thông, bởi kiến thức ở đại học là nối tiếp và chuyên sâu hơn, nhưng các em lại không có kiến thức gốc.
"Nếu ngay từ phần tuyển sinh đầu vào đã có rất nhiều vấn đề, thì tôi rất băn khoăn về chất lượng đầu ra của các em sinh viên tốt nghiệp. Tất nhiên, sẽ có em có khả năng tự học tốt. Nhưng, ở bình diện chung hiện nay tại Việt Nam, việc tự học của sinh viên còn yếu.
Hơn nữa, chúng ta cũng cần phải đặt câu hỏi cho chất lượng của những cơ sở đào tạo phải "tận thu" tuyển sinh nhiều tổ hợp như vậy để làm gì?", ông Sơn nhận định.
Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của nguồn nhân lực sau này. Theo chuyên gia, đối với các ngành phục vụ khối tư nhân, có sự cạnh tranh thị trường những lao động kém sẽ bị đào thải.
Tuy nhiên, đối với ngành Sư phạm, trong bối cảnh vẫn còn thiếu giáo viên, việc cạnh tranh tuyển dụng của các trường không quá quyết liệt. Nếu các cơ sở đại học không thắt chặt chất lượng đầu ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiều thế hệ học sinh.
GS.TS Nguyễn Anh Trí – Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội khóa XV.
Trao đổi với Người Đưa Tin, GS.TS Nguyễn Anh Trí – Ủy viên Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội khóa XV đánh giá tuyển sinh môn Hóa học và Sinh học đối với ngành Y khoa là rất cần thiết. Bởi, các môn thi này đã nằm trong tổ hợp xét tuyển từ hàng chục năm qua và khẳng định được vai trò trong đào tạo nhóm ngành này.
Cùng với đó, kiến thức của 2 môn học trên không chỉ dừng lại ở một cuộc thi, với bác sĩ nó còn theo sát trong quá trình học tập đại học, sau đại học, nghiên cứu và hành nghề.
Vì vậy, Đại biểu nhận thấy việc loại các môn học này, để thay thế môn khác là rất sai lầm. Cơ quan quản lý cần lên tiếng để ngăn chặn hiện tượng tuyển sinh không phù hợp như vậy.
"Mặc dù môn Ngữ văn là rất cần thiết cho tất cả các lĩnh vực, riêng đối với bác sĩ cũng đòi hỏi ứng xử có văn hóa, am hiểu văn học. Nhưng để lựa chọn thay thế tuyển sinh đại trà cho toàn bộ các ngành Sức khỏe là chưa phù hợp", ông Nguyễn Anh Trí chia sẻ.
Đối với việc xét tuyển môn tiếng Anh, cũng cần có sự cân nhắc hợp lý. Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh Ngoại ngữ là công cụ quan trọng và cần thiết trong nhiều lĩnh vực, từ nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, đến khám chữa bệnh và công tác xã hội. Tuy nhiên, không nên xem đây là tiêu chí duy nhất hay thay thế hoàn toàn các môn học nền tảng, mà chỉ nên là tiêu chí phụ để đánh giá thí sinh.
Chuyên gia đề xuất, đối với việc tuyển sinh vào lĩnh vực y khoa, tổ hợp Toán, Hóa, Sinh là tổ hợp phù hợp nhất. Nếu có điều chỉnh, có thể tuyển bằng tổ hợp Văn, Hóa, Sinh thay cho môn Toán cho một số ngành như Y học cộng đồng, Công tác xã hội trong ngành y,…
Theo Bộ GD&ĐT từ năm 2024 trở về trước, khi triển khai Chương trình GDPT 2006, thí sinh học tất cả các môn trong chương trình trung học phổ thông. Khi thi tốt nghiệp, các em thi 6 môn trong số các môn đã được học trong chương trình. Như vậy, dù không thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng thí sinh có kiến thức nền ở tất cả các môn học.
Hiện nay, khi triển khai Chương trình GDPT 2018, thí sinh chỉ có một số môn học bắt buộc, còn lại được lựa chọn môn học. Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, thí sinh cũng chỉ thi 2 môn bắt buộc, 2 môn còn lại tự chọn trong số các môn được học trong chương trình.
Vì vậy, nếu ngành công nghệ sinh học không xét tuyển tổ hợp có môn sinh học thì rất có thể có thí sinh trúng tuyển nhưng không lựa chọn môn sinh học để học ở 3 năm cấp trung học phổ thông. Khi vào học đại học, thí sinh chỉ có kiến thức môn sinh học ở cấp trung học cơ sở, điều này có thể khiến thí sinh rất khó khăn khi học tập ở bậc đại học.
Bộ GD&ĐT đề nghị các nhà trường xem xét, điều chỉnh để việc xét tuyển đại học gắn với giáo dục phổ thông, bảo đảm chất lượng đào tạo. Việc các trường mở rộng tổ hợp xét tuyển chưa chắc tuyển được nhiều thí sinh hơn, nhưng chắc chắn là không hợp lý và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo
Nguyễn Hoa Trà