Học ngành Công nghệ Vật liệu, SV được thực hành tại phòng thí nghiệm hiện đại

Học ngành Công nghệ Vật liệu, SV được thực hành tại phòng thí nghiệm hiện đại
5 giờ trướcBài gốc
Ngành Công nghệ Vật liệu giữ vai trò then chốt trong sự phát triển của khoa học – kỹ thuật hiện đại. Đây là lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế và chế tạo các vật liệu mới có tính năng vượt trội, phục vụ cho hầu hết các ngành công nghiệp trọng điểm như điện tử, xây dựng, giao thông vận tải, hàng không vũ trụ, y sinh học và năng lượng tái tạo.
Tại Việt Nam, ngành Công nghệ Vật liệu đã được nhiều cơ sở giáo dục đại học đưa vào chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho nền công nghiệp hiện đại. Theo đó, chương trình đào tạo ở mỗi trường có sự khác biệt nhất định tùy theo định hướng chuyên môn và thế mạnh của từng đơn vị.
Chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng hiện đại
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Thanh Vân - Trưởng khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: ngành Công nghệ Vật liệu đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế và công nghệ của mỗi quốc gia. Đây là ngành học có khả năng tạo ra những vật liệu mới với tính năng vượt trội, phục vụ cho sự phát triển các sản phẩm công nghệ cao, như linh kiện điện tử (vật liệu bán dẫn, vật liệu nano…), vật liệu polymer và composite, pin năng lượng mặt trời, linh kiện lưu trữ năng lượng, và vật liệu cho ngành ô tô, hàng không. Đồng thời phát triển các vật liệu thân thiện với môi trường, bao gồm vật liệu tái chế và các công nghệ giúp giảm thiểu ô nhiễm.
Theo chia sẻ của cô Vân, sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ Vật liệu có cơ hội làm việc trong nhiều lĩnh vực đa dạng và giàu tiềm năng phát triển. Với nền tảng kiến thức vững chắc và kỹ năng chuyên môn được trang bị trong quá trình đào tạo, cử nhân ngành này có thể đảm nhiệm các vị trí tại các viện/trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước như: Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano Phân tử, Trung tâm R&D tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Sinica, Học viện Toyota... hay làm việc tại các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ, sản xuất vật liệu lớn tại các bộ phận nghiên cứu, phát triển sản phẩm hoặc kiểm soát chất lượng.
Với lĩnh vực y tế, người học có thể tham gia vào các công ty chuyên nghiên cứu và sản xuất thiết bị y tế từ vật liệu polymer, kim loại y sinh, hoặc làm việc cho các tập đoàn, doanh nghiệp về lĩnh vực năng lượng tái tạo…
Tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường đang tập trung đổi mới và phát triển chương trình đào tạo ngành Công nghệ Vật liệu theo hướng hiện đại, bắt kịp xu thế toàn cầu. Bên cạnh các chuyên ngành truyền thống như Vật liệu màng mỏng và bán dẫn, Vật liệu polymer và composite, Vật liệu y sinh, chương trình đào tạo còn được cập nhật với những tiến bộ mới trong ngành, bao gồm xu hướng tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào nghiên cứu vật liệu, phát triển vật liệu xanh, và ứng dụng trong năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các trường đại học và viện nghiên cứu uy tín tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp... nhằm tăng cường trao đổi sinh viên, giảng viên và mở rộng cơ hội tiếp cận tri thức toàn cầu. Chú trọng đào tạo liên ngành qua việc kết hợp Công nghệ Vật liệu với các lĩnh vực như Khoa học Máy tính và Công nghệ Sinh học.
Đồng thời, nhà trường không ngừng khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên, đặc biệt là hỗ trợ phát triển các ý tưởng nghiên cứu và ứng dụng vật liệu mới có tiềm năng thương mại hóa trong tương lai.
Sinh viên khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu làm thí nghiệm tại Phòng thí nghiệm Vật liệu Đa chức năng. Ảnh: NVCC
Để sinh viên ngành Công nghệ Vật liệu đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn, cô Vân cho biết nhà trường đặc biệt chú trọng đẩy mạnh đào tạo thực hành. Sinh viên được thực hành tại phòng thí nghiệm của Khoa và các đơn vị đối tác, sử dụng các thiết bị hiện đại như SEM, XRD, FTIR, DSC-TGA, UV-VIS... để thực hiện thí nghiệm từ cơ bản đến nâng cao, rèn luyện kỹ năng phân tích, tổng hợp số liệu và viết báo cáo khoa học.
Ngoài ra, sinh viên còn thực hành tại phòng thí nghiệm pilot – nơi mô phỏng quy trình sản xuất công nghiệp thu nhỏ. Tại đây, sinh viên được tiếp cận thực tế với công nghệ sản xuất các loại vật liệu như composite, gốm sứ, polymer, kim loại… học cách vận hành máy móc, kiểm soát chất lượng và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Bên cạnh đó, hoạt động kiến tập và thực tập doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh. Sinh viên được tham quan nhà máy, giao lưu với kỹ sư, chuyên gia trong ngành để hiểu rõ yêu cầu công việc, quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm. Nhà trường còn tạo điều kiện cho sinh viên thực tập 3 tháng hoặc làm khóa luận tại doanh nghiệp, cũng như tham gia chương trình thực tập sinh (internship) ở nước ngoài hằng năm.
Sinh viên khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu thực hành tại phòng pilot sản xuất bao bì và vật dụng dùng một lần từ hạt nhựa phân hủy sinh học. Ảnh: NVCC
Trong khi đó, đại diện khoa Khoa học ứng dụng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá rằng, ngành Công nghệ Vật liệu đang có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhờ nhu cầu ngày càng cao trong các lĩnh vực chip bán dẫn, vật liệu xanh, năng lượng tái tạo, y sinh học và trí tuệ nhân tạo. Chưa kể, vật liệu cấu trúc nano được ứng dụng trong memristor, vật liệu in 3D, pin thể rắn,vật liệu polymer và composite tiên tiến, các vật liệu tiên tiến phục vụ nông nghiệp như phân bón có kiểm soát, bao bì bảo quản thông minh, vật liệu tự hủy sinh học,… đang mở ra nhiều đột phá trong thiết bị điện tử, lưu trữ năng lượng và công nghệ sinh học.
Với sự đầu tư mạnh mẽ từ Chính phủ cũng như yêu cầu từ doanh nghiệp về vật liệu mới đã giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và ứng dụng của ngành học này. Khi đó, ngành Công nghệ Vật liệu không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn định hình tương lai của nhiều ngành công nghiệp.
Hiện nay, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh định hướng đào tạo ngành Công nghệ Vật liệu theo hướng hiện đại, gắn liền với công nghệ cao và nhu cầu thực tiễn. Theo đó, chương trình giảng dạy cập nhật các xu hướng mới như vật liệu bán dẫn, nano, polymer và composite, kết hợp nghiên cứu ứng dụng trong điện tử, năng lượng và y sinh học. Đồng thời, sinh viên được trang bị kỹ năng thực hành, đổi mới sáng tạo và hợp tác doanh nghiệp, giúp họ thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi của thời cuộc.
Bên cạnh việc bồi dưỡng kiến thức, nhà trường cũng rất chú trọng phát triển tư duy và kỹ năng thực hành cho sinh viên ngành Công nghệ Vật liệu thông qua các học phần thực hành và thực tập chuyên sâu.
Đại diện khoa Khoa học ứng dụng cho biết, chương trình đào tạo Công nghệ vật liệu được thiết kế với các phòng thí nghiệm hiện đại, cho phép sinh viên tiếp cận trực tiếp với quy trình chế tạo, phân tích và đánh giá vật liệu tiên tiến như bán dẫn, polymer và composite. Bên cạnh đó, các kỳ thực tập tại doanh nghiệp và viện nghiên cứu giúp sinh viên ứng dụng kiến thức vào thực tế, nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và tiếp cận công nghệ sản xuất hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo và cơ hội nghề nghiệp.
“Hiện nay, nhà trường đang hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu như ON Semiconductor (linh kiện bán dẫn), Sailun (sản xuất đa dạng các loại lốp xe), Tetrapak (Sản xuất các loại bao bì thực phẩm), Công ty Sơn Hoa Việt (sơn và vật liệu phủ), Jabil (chế tạo linh kiện điện tử) và Bosch (công nghệ ô tô, tự động hóa)….
Hàng năm, nhà trường tạo nhiều cơ hội để sinh viên được thực tập, thực tế, tiếp cận công nghệ tiên tiến và mở rộng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp tại chính những đơn vị đối tác này”, đại diện trường thông tin.
Tích hợp công nghệ mới, đổi mới chương trình đào tạo để phù hợp với thực tiễn
Với đặc thù là ngành học giao thoa giữa khoa học cơ bản và kỹ thuật – công nghệ, Công nghệ Vật liệu đòi hỏi người học không chỉ có nền tảng tốt về các môn khoa học tự nhiên mà còn cần khả năng tư duy logic để phân tích, giải quyết các vấn đề liên quan đến cấu trúc, tính chất và ứng dụng của vật liệu.
Theo đại diện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, để chinh phục ngành học này, sinh viên cần có niềm đam mê nghiên cứu, tinh thần ham học hỏi và sự sáng tạo, từ đó có thể thiết kế và phát triển các loại vật liệu mới với tính năng ưu việt, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như điện tử, năng lượng, y sinh, xây dựng…
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, ngành Công nghệ Vật liệu còn đặt ra yêu cầu cao về kỹ năng thực hành. Do đó, người học cần có tính kiên trì, tỉ mỉ trong thao tác thí nghiệm, khả năng làm việc nhóm hiệu quả và kỹ năng giao tiếp tốt để thích nghi với môi trường làm việc đa ngành, đa lĩnh vực.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhận thức của học sinh phổ thông và phụ huynh về ngành Công nghệ Vật liệu vẫn còn hạn chế. Việc lựa chọn ngành nghề đôi khi chưa dựa trên sự hiểu biết đầy đủ về tiềm năng phát triển cũng như cơ hội nghề nghiệp mà ngành mang lại. Vì vậy, cần đẩy mạnh truyền thông, tư vấn hướng nghiệp nhằm giúp học sinh và phụ huynh có cái nhìn rõ ràng hơn, từ đó thu hút thêm nhiều học sinh giỏi lựa chọn lĩnh vực đầy triển vọng này.
Ngoài ra, hiện nay một số cơ sở đào tạo vẫn còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị thí nghiệm, gây ảnh hưởng đến hiệu quả học tập và nghiên cứu. Cơ hội thực hành, thực tập của sinh viên cũng chưa được mở rộng đầy đủ cả về quy mô lẫn chất lượng, khiến quá trình tiếp cận thực tiễn còn hạn chế. Do đó, các trường cần thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo để phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và đáp ứng sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để góp phần tạo ra môi trường học tập hiện đại, thực tiễn và hiệu quả hơn cho sinh viên ngành Công nghệ Vật liệu trong thời gian tới.
Giảng viên và sinh viên khoa Khoa học ứng dụng tham quan và học tập tại Nhà máy Tập đoàn Tetra Pak tại Việt Nam. Ảnh: NTCC
Đồng tình với quan điểm trên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Thanh Vân cũng cho rằng việc đào tạo các ngành khoa học – kỹ thuật, đặc biệt là những ngành đòi hỏi cường độ thực hành cao như Công nghệ Vật liệu cần có sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất. Điều này đặt ra áp lực không nhỏ đối với các cơ sở đào tạo trong việc xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm đạt chuẩn với đầy đủ trang thiết bị hiện đại.
Là một đơn vị thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã được đầu tư hệ thống trang thiết bị cơ bản phục vụ giảng dạy thực hành cho sinh viên ngành Công nghệ Vật liệu. Bên cạnh đó, trường còn tận dụng lợi thế từ hệ thống các đơn vị thành viên trong Đại học Quốc gia để chia sẻ, khai thác thiết bị, hỗ trợ hiệu quả hơn cho công tác đào tạo cả ở bậc đại học và sau đại học.
Cô Vân cho hay, thách thức lớn hiện nay đối với ngành học chính là thu hẹp khoảng cách giữa chương trình đào tạo và yêu cầu thực tế từ doanh nghiệp. Do đó, nhà trường đã triển khai các học phần gắn với thực tiễn như “Học tập với doanh nghiệp”, “Thực tập doanh nghiệp”, tổ chức tham quan, kiến tập và mời doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình học. Đồng thời, định hướng nghiên cứu cũng được đẩy mạnh theo hướng ứng dụng để giải quyết các vấn đề thực tế.
“Nhiều năm qua, nhà trường chú trọng hợp tác doanh nghiệp trong nghiên cứu và đầu tư phòng thí nghiệm pilot để giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng thực hành. Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh, đặc biệt là AI và học máy, đơn vị cũng tích cực khuyến khích tích hợp công nghệ vào nghiên cứu để phát triển vật liệu tiên tiến, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập”, cô Vân chia sẻ.
Sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tham quan Công ty On-Semi. Ảnh: NVCC
Anh Lê Đức Tính, cựu sinh viên khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh - hiện đang là kỹ sư kiểm soát chất lượng tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhựa Long Thành nhận định rằng: "Ngành Công nghệ Vật liệu là một lĩnh vực có nhu cầu nhân lực rất cao, nhất là trong bối cảnh công nghệ ngày càng thâm nhập sâu vào các ngành như năng lượng, y sinh, điện tử, ô tô, hàng không, xây dựng… Sự phát triển của các vật liệu tiên tiến như vật liệu nano, vật liệu thông minh, tái chế và vật liệu xanh càng làm tăng nhu cầu nhân lực có trình độ chuyên môn cao".
Theo anh Tính, sinh viên ngành Công nghệ Vật liệu sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực điện tử, nhựa, năng lượng, xây dựng hoặc ở các viện nghiên cứu, trung tâm kiểm định chất lượng. Mức thu nhập cũng rất cạnh tranh, từ 8–15 triệu đồng/tháng với sinh viên mới ra trường, và có thể lên tới 30 triệu đồng/tháng nếu có kinh nghiệm, đặc biệt trong các vị trí R&D tại doanh nghiệp lớn.
Từ thực tế công việc, anh Tính đánh giá chương trình đào tạo tại trường đã trang bị nền tảng tốt cho sinh viên, tuy nhiên để tăng tính thực tiễn và hiệu quả, cần mở rộng học phần thực hành, thực tập và tăng cường kết nối doanh nghiệp qua các buổi hội thảo, tham quan, chương trình thực tập dài hạn. Ngoài ra, việc định hướng nghề nghiệp từ sớm cũng giúp sinh viên xác định rõ lộ trình phát triển.
Theo đó, anh Tính đề xuất các cơ sở đào tạo ngành Công nghệ Vật liệu nên tổ chức thêm các hoạt động như workshop, job fair, đồng thời phối hợp với trung tâm đào tạo để mở lớp cấp chứng chỉ nghề nghiệp như ISO, quản lý chất lượng, an toàn lao động… Đây sẽ là hành trang quan trọng để sinh viên tăng sức cạnh tranh trên thị trường lao động.
“Về phía sinh viên, cần chủ động trau dồi ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành), kỹ năng mềm (giao tiếp, làm việc nhóm, xử lý tình huống…) và thành thạo các phần mềm chuyên dụng trong lĩnh vực vật liệu.
Ngoài ra, việc tham gia các khóa học kỹ năng ngắn hạn, lấy chứng chỉ nghề nghiệp liên quan sẽ giúp sinh viên có thêm lợi thế khi ứng tuyển”, anh Tính nhắn nhủ,
ĐÀO HIỀN
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/hoc-nganh-cong-nghe-vat-lieu-sv-duoc-thuc-hanh-tai-phong-thi-nghiem-hien-dai-post251304.gd