Đề xuất của Bộ Y tế với Chính phủ về việc nghiên cứu hỗ trợ 100% học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên ngành Y giống với ngành Sư phạm đang gây ra nhiều tranh luận. Theo đó, Bộ Y tế cho rằng đề xuất này nhằm khắc phục những khó khăn của ngành Y như đang thiếu về số lượng và chất lượng, đồng thời mất cân đối về nhân lực y tế cả trong phân bố và cơ cấu cán bộ chuyên môn.
Cần phải xem xét đến chế độ đãi ngộ, thu nhập để thu hút nhân lực Y tế
Bàn về đề xuất miễn học phí cho sinh viên Y, Dược nêu trên với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Văn Chi - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế cho rằng, đề xuất này là không phù hợp với thực tiễn.
Bởi, trên thực tế, không giống với các ngành đào tạo Sư phạm, chi phí đào tạo ngành Y, Dược là quá lớn do thời gian học dài, nguồn ngân sách Nhà nước không đủ để đáp ứng. Học phí cần phụ thuộc vào các trang thiết bị máy móc hiện đại, cần liên tục cập nhật cho phù hợp với thực tiễn.
Do đó, hầu như học phí giữa các trường đại học đào tạo khối ngành Khoa học sức khỏe là không giống nhau và tùy vào tình hình thực tế ở địa bàn, khu vực của mỗi nhà trường. Đơn cử, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế đang là đơn vị tự chủ nhóm 2 nên có thể thu mức học phí gấp đôi với những trường đại học khác, tuy nhiên mức học phí Nhà trường đưa ra phải tính toán sao cho phù hợp với tình hình tài chính của người dân.
Ảnh minh họa. Nguồn: Website Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế.
Cũng theo thầy Chi, hiện nay tỷ lệ tuyển sinh vào các trường đào tạo khối ngành Y, Dược hầu như không bao giờ bị thiếu, thậm chí một số trường còn tuyển sinh các ngành như Y khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền bị vượt chỉ tiêu, dẫn tới bị phạt theo quy định hiện hành. Tỷ lệ thí sinh cạnh tranh vào trường hàng năm của Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế cũng tương đối cao, thuộc những trường tốp đầu đào tạo khối ngành Y, Dược trên cả nước
Từ trước đến nay, Nhà trường cũng chưa từng có trường hợp sinh viên nào phải bỏ học do vấn đề về học phí. Vì đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, bên cạnh việc trích 8% từ nguồn thu học phí để cấp học bổng, Nhà trường còn huy động quỹ học bổng từ nguồn cựu sinh viên, nhà hảo tâm, doanh nghiệp. Mỗi năm, có khoảng 5-7 tỷ đồng cho các loại học bổng từ nguồn xã hội hóa này với những tiêu chí đa dạng, cụ thể cho sinh viên.
Thầy Chi thông tin, hiện nước ta có rất nhiều cơ sở giáo dục đại học đào tạo khối ngành Y, Dược nhưng nguồn nhân lực vẫn chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu của xã hội bởi nhiều nguyên nhân.
Trên thực tế, việc thiếu bác sĩ tại hệ thống y tế công lập, tình trạng nhiều y bác sĩ bỏ công lập sang tư thục xảy ra rất nhiều chủ yếu do vấn đề về thu nhập. Họ đã bỏ rất nhiều chi phí để học tập, tất yếu khi ra trường cũng mong muốn tìm được công việc sao cho phù hợp với kinh phí mình đã chi trả.
Vậy nên, ngoài chú trọng đến những chính sách thu hút đầu vào, cần quan tâm, xem xét đến mức thu nhập của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng sau khi tốt nghiệp ra trường.
Nếu miễn học phí cho sinh viên Y phải có kế hoạch sử dụng lực lượng này hiệu quả
Cùng bàn về vấn đề trên, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nếu làm được điều này thì rất tốt. Nếu thực hiện, Nhà nước cần hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức cơ sở đào tạo chứ không nên cào bằng một mức chung mới đảm bảo được chất lượng đào tạo.
Bởi, thực tế hiện nay, mỗi trường đào tạo Y khoa có chất lượng, đầu tư, đội ngũ và học phí khác nhau. Do đó, nếu không làm như vậy sẽ dẫn đến giảm chất lượng đào tạo nhân lực Y khoa.
Ảnh minh họa. Nguồn: Website Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, việc miễn học phí cho sinh viên khối ngành Y, Dược của Nhà nước cũng cần có kế hoạch sử dụng hiệu quả lực lượng này sau khi ra trường để mang lại lợi ích cho hệ thống y tế nước nhà. Vì đây là dạng đầu tư công, do đó cần phải mang lại hiệu quả đầu tư. “Nếu chưa có kế hoạch sử dụng cụ thể, thực thi hiệu quả thì chưa nên miễn học phí”, thầy Tuấn nói.
Mặt khác, theo Giáo sư Trần Diệp Tuấn, trong trường hợp chưa thể miễn học phí cho toàn bộ các ngành khoa học sức khỏe, Nhà nước có thể ưu tiên tài trợ học phí cho sinh viên các ngành Điều dưỡng, Hộ sinh, Y tế công cộng. Bởi, đây là nhóm ngành rất cần được hỗ trợ do chế độ đãi ngộ, thu nhập sau khi ra trường còn hạn chế.
Bên cạnh đó, đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng học giỏi, có năng lực và có nguyện vọng theo học các ngành Khoa học sức khỏe cũng nên miễn học phí cho các em.
Trong khi đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, đề xuất này sẽ thuận lợi hơn cho các trường đào tạo khối ngành Y, Dược trong các trong công tác tuyển sinh. Đặc biệt là đối với một số ngành hiện nay đang rất khó tuyển sinh do sức hút nghề nghiệp chưa cao như ngành Điều dưỡng, ngành Hộ sinh mà Nhà trường đang đào tạo.
Khi được miễn học phí, cấp sinh hoạt phí, tất yếu số lượng sinh viên tham gia vào học những ngành này sẽ đông hơn, đáp ứng đủ chỉ tiêu tuyển sinh.
Thầy Tùng cho rằng, trong bối cảnh tự chủ hiện nay, chi phí đào tạo, học phí của mỗi trường tất nhiên cũng khác nhau. Đối với những trường tự chủ hoàn toàn, khi chi phí đào tạo chủ yếu xuất phát từ học phí dẫn tới học phí cao, đơn cử có ngành Y khoa của một trường đại học hiện nay đang có mức học phí lên tới 60-70 triệu đồng/năm.
Với những lý do trên, khi đề xuất trên được thực thi, bên cạnh việc đảm bảo chi phí đào tạo, Nhà trường sẽ có nguồn kinh phí để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, học liệu giúp công tác giảng dạy, đào tạo được tốt hơn. Nhờ vậy, chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của hệ thống y tế cũng tăng lên. Đồng thời, giảm bớt gánh nặng tài chính cho người học.
Mặt khác, Phó Giáo sư Lê Thanh Tùng cho hay, trước mắt, nếu nguồn lực chưa đủ có thể ưu tiên cho miễn học phí cho sinh viên những ngành Khoa học sức khỏe đang khó tuyển sinh.
Cũng theo Phó Giáo sư Lê Thanh Tùng, việc thiếu nhân lực y tế hiện nay chủ yếu do chế độ làm việc, môi trường làm việc và chính sách để sử dụng nguồn nhân lực. Đơn cử, đối với đội ngũ điều dưỡng viên, sau dịch COVID-19, do môi trường làm việc quá vất vả, chế độ đãi ngộ chưa phù hợp so với những lao động phổ thông không qua đào tạo nên đã có khá nhiều số điều dưỡng viên nghỉ việc.
Chính vì vậy, ngoài thu hút từ đầu vào qua chính sách miễn học phí, sinh hoạt phí, cần có những thay đổi, tăng cường trong chế độ đãi ngộ cho đội ngũ nhân lực y tế khi làm việc, công tác.
Tường San