Nhiều trường ĐH tổ chức kỳ thi riêng, thí sinh khu vực khó khăn thiệt thòi

Nhiều trường ĐH tổ chức kỳ thi riêng, thí sinh khu vực khó khăn thiệt thòi
20 giờ trướcBài gốc
Tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy là một trong những cách các thí sinh lựa chọn để tăng cơ hội vào đại học. Tuy nhiên, đối với những khu vực ở vùng sâu, vùng xa, vẫn chưa có nhiều thí sinh tham gia do điều kiện kinh tế còn hạn chế, bất tiện trong việc di chuyển, chưa có các lớp ôn luyện riêng cho từng kỳ thi và nhiều lý do khác.
Học sinh nhiều vùng khó tiếp cận kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Bùi Văn Chuyển - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) cho biết: “Năm học 2023-2024, nhà trường không có học sinh nào tham gia vào kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.
Năm nay, nhà trường đã thông tin đầy đủ đến học sinh khối 12 về các phương thức xét tuyển, trong đó có phương thức sử dụng kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, nhưng chưa có em nào đăng ký tham gia dự thi.
Hiện tại, Trường Trung học phổ thông Mù Cang Chải có 20 lớp, nhưng chỉ có tổng số 34 cán bộ, giáo viên. Với tình hình thiếu giáo viên như vậy, nhà trường không đủ khả năng để tổ chức các lớp ôn luyện riêng cho những học sinh tham gia các kỳ thi như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy này. Nhà trường chỉ tổ chức ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Hầu hết các em học sinh có nguyện vọng tham gia vào kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, sẽ phải tự ôn luyện.
Ngoài ra, nhà trường cũng khuyến khích các em tham gia một số lớp học online do thầy cô ở Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành (thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái) tổ chức ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông miễn phí cho học sinh toàn tỉnh Yên Bái”.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). Ảnh NVCC.
Thầy Chuyển cũng chỉ ra một số trở ngại đối với các thí sinh vùng khó khi tham gia kỳ thi riêng của các trường đại học: “Việc di chuyển từ huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) đến Hà Nội khá xa, đường đi đèo dốc là một trong những cản trở khi học sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Ngoài ra, với những em học sinh thuộc hộ nghèo, điều kiện kinh tế vốn đã gặp nhiều khó khăn, lại phải lo tiền vé xe, tiền ăn uống, nghỉ ngơi… ở nơi tổ chức thi, cũng rất tốn kém”.
Cùng bàn về vấn đề này, thầy Bùi Văn Xuân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) chia sẻ: “Hiện tại, nhà trường không có lớp ôn luyện riêng cho những em học sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, trong các buổi ôn thi tốt nghiệp, nhà trường đã lồng ghép thêm một số nội dung, bài thi gần nhất với kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, nhằm giúp các em học sinh có thêm một số kỹ năng làm đề.
Còn lại, phần lớn kiến thức, các em học sinh tự tìm hiểu thông tin trên mạng Internet và học. Một số khác, các em mua những khóa học online để tham gia ôn luyện.
Việc di chuyển từ tỉnh Yên Bái đến các điểm thi tại Hà Nội hay các tỉnh, thành phố khác cũng là trở ngại của học sinh nhà trường. Chính vì vậy, các em không mấy “mặn mà” và số lượng học sinh lớp 12 đăng ký tham gia dự thi cũng không nhiều”.
Thầy Bùi Văn Xuân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái). Ảnh: NVCC.
Theo thầy Dương Hồng Chí - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), năm 2024, nhà trường không có học sinh nào tham gia vào kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Năm nay, nhà trường đã thông tin đầy đủ và tư vấn cho học sinh lớp 12, để các em có định hướng nghề nghiệp phù hợp cũng đăng ký tham dự các kỳ thi riêng, song, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có học sinh nào đăng ký.
Thầy Chí cũng chia sẻ thêm, vì là trường phổ thông dân tộc nội trú, nên hầu hết phụ huynh học sinh đã tin tưởng, gửi gắm con em và đặt niềm tin cho nhà trường.
“Nếu có học sinh tham gia thi các kỳ thi riêng, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Hoàng Su Phì sẽ phải phối hợp với phụ huynh để lên phương án tổ chức đưa đón, ăn uống, ngủ nghỉ cho học sinh…
Tuy nhiên, điều kiện để tổ chức cho các em học sinh xuống các vùng thuận lợi tham gia vào kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy còn rất khó khăn. Một phần do học sinh chưa thực sự tự tin vào năng lực của bản thân, nhưng cũng do điều kiện đường sá xa xôi, đi lại gặp nhiều khó khăn; trong khi đó, mỗi thí sinh có thể đăng ký thi vào một đợt khác nhau, tại các địa điểm khác nhau, rất khó để nhà trường và thầy cô bố trí, sắp xếp.
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên để ôn luyện cho học sinh cũng đang thiếu. Có những môn học chỉ có 1 giáo viên, nhiều thầy cô dạy thừa giờ và phải nhận thêm các công việc kiêm nhiệm vô cùng vất vả. Để mở lớp ôn luyện, nhà trường cần tính toán, sắp xếp hợp lý, nhằm đảm bảo quyền lợi cho giáo viên cũng như giúp học sinh có được kết quả cao trong những kỳ thi này” - thầy Chí cho hay.
Theo thầy Dương Hồng Chí, đối với các trường ở vùng núi, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, di chuyển khó khăn, nhiều học sinh không thể tham gia vào kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, nhà trường sẽ tập trung ôn luyện để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, giúp các em có tỉ lệ đỗ đại học cao nhất.
Cụ thể, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Hoàng Su Phì sẽ kết hợp cùng các trường trung học phổ thông khác trên địa bàn tỉnh để tổ chức cho học sinh thi thử theo đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Nếu điều kiện cho phép, sau thời gian nghỉ Tết, nhà trường sẽ tổ chức khoảng 2 lần thi thử để giúp các em rèn luyện kỹ năng giải đề và biết được khả năng học của bản thân.
Với sự tư vấn tận tâm của các thầy cô, các thí sinh không cần quá lo lắng khi bản thân chưa có điều kiện tham dự các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Bởi, chỉ cần các em cố gắng ôn luyện, nắm vững kiến thức cơ bản, sẽ vẫn có cơ hội đỗ vào các trường cao đẳng, đại học theo nguyện vọng của mình” - thầy Chí nhấn mạnh.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) trong một buổi tìm hiểu về kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Ảnh NVCC.
Thí sinh gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tài liệu ôn tập
Nam sinh Nguyễn Phi Hùng - học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông thị xã Nghĩa Lộ (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) chia sẻ: “Em đã tham khảo một số thông tin trên Internet và muốn tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để tăng khả năng trúng tuyển. Những ngành em lựa chọn đều lấy điểm chuẩn khá cao.
Ngay từ đầu năm học 2024-2025, em đã tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội gồm những thí sinh cũng đang có dự định tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, để tham khảo kinh nghiệm và chia sẻ với nhau.
Do nhà trường không tổ chức ôn tập cho kỳ thi đánh giá năng lực, nên em phải mua sách về nhà tự ôn luyện thêm. Mỗi tối, em dành khoảng hơn 2 tiếng để học, tuy nhiên, do kiến thức không có trong tổ hợp lựa chọn, nên có nhiều lúc, em vừa tự luyện, vừa không rõ mình đã làm đúng hay chưa.
Với học sinh các trường ở miền núi như em, việc tìm kiếm tài liệu khá khó khăn. Ngoài cấu trúc đề đã công bố, em không tiếp cận được thêm nguồn tài liệu nào hữu ích để tham khảo”.
Không chỉ gặp “rào cản” trong quá trình ôn luyện, việc sắp xếp thời gian và di chuyển đến địa điểm tổ chức thi của các kỳ thi riêng cũng không hề dễ dàng, bởi, hầu hết các địa điểm đều có khoảng cách địa lý khá xa.
“Em đăng ký tham gia vào kỳ thi đánh giá tư duy đợt 1 của Đại học Bách khoa Hà Nội, tổ chức thi vào ngày 18-19/01/2025. Để đến được điểm thi tại Hà Nội, em sẽ phải di chuyển khoảng 200km. Do khoảng cách địa lý khá xa cũng như chi phí đi lại, ăn ở tốn kém nên bố mẹ không thể đưa em đi cùng, mà em sẽ xuống Hà Nội một mình.
Theo em, đây là một trong những lý do khiến nhiều bạn học sinh cùng trường cũng như các trường trung học phổ thông ở miền núi gặp thiệt thòi khi muốn tăng cơ hội trúng tuyển- Phi Hùng tâm sự.
Học sinh Trường Trung học phổ thông thị xã Nghĩa Lộ cùng nhau ôn tập trước những kỳ thi quan trọng cuối cấp. Ảnh NVCC.
Chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025, nữ sinh Nguyễn Quỳnh Chi - học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông thị xã Nghĩa Lộ cũng cho biết: “Em dự định đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trong suốt 3 năm học từ lớp 10 đến 12, lực học của em không quá nổi trội, nên em muốn tham gia thêm các kỳ thi khác để tìm kiếm cơ hội cho bản thân mình. Theo thông tin em tìm hiểu được, các trường đại học có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Nếu em tham gia thi đánh giá năng lực, em sẽ có thêm lựa chọn về ngành trong tương lai, cũng như giảm áp lực vào kỳ thi tốt nghiệp tốt nghiệp trung học phổ thông
Tuy nhiên, Trường Trung học phổ thông thị xã Nghĩa Lộ hiện không có lớp học ôn thi riêng cho kỳ thi đánh giá năng lực, nên em phải tự tìm hiểu qua các khóa học online. Sau quá trình tham khảo, em đã quyết định mua khóa học tự ôn luyện trị giá 3,5 triệu đồng.
Đó là các bài giảng đã được quay sẵn qua video, khi học, em sẽ mở và nghe đi nghe lại nhiều lần để hiểu và tự giải đề. Đôi khi, có những bài không hiểu, em không biết hỏi ai, nên phải chờ đến ngày hôm sau lên lớp, nhờ thầy cô xem giúp”.
Nữ sinh chia sẻ thêm: “Em chọn địa điểm dự thi tại Hà Nội là một trong những điểm thi gần và dễ dàng trong việc di chuyển nhất đối với em. Trong đợt thi tới đây, mẹ sẽ đưa em đi để đảm bảo quá trình đi lại, ăn uống và giúp em tham dự kỳ thi tốt nhất. Tuy nhiên, cả hai mẹ con đều phải sắp xếp thời gian hợp lý, tìm địa điểm nghỉ ngơi gần điểm thi để không lo về các sự cố tắc đường, trễ giờ... Theo em, đây cũng là một trong những việc gây ra nhiều khó khăn cho các thí sinh”.
Khánh Hòa
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/nhieu-truong-dh-to-chuc-ky-thi-rieng-thi-sinh-khu-vuc-kho-khan-thiet-thoi-post248147.gd