Hàng năm, toàn thành phố có hơn 100.000 thí sinh tham gia dự thi nhưng chỉ khoảng 60% trong số đó đỗ vào trường công lập. Do đó, trong khi chờ đợi Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố công bố chính thức môn thi thứ ba thì các trường THCS tại Hà Nội giảng dạy bám sát chương trình, đồng thời thiết kế, dựng đề kiểm tra theo định dạng đề minh họa của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Trịnh Vũ Phương Linh (lớp 9A2, Trường THCS Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) đạt số điểm Toán 8, Ngữ văn 8,5 và Tiếng Anh 8 ở kỳ thi kiểm tra cuối học kỳ I vừa qua. Đề thi của trường em do Phòng giáo dục quận Hai Bà Trưng ra đề và được sử dụng để đánh giá cho toàn bộ học sinh lớp 9 của quận. Những đề thi này được xây dựng theo cấu trúc, định dạng đề minh họa của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ở 7 môn là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Giáo dục công dân với nhiều dạng câu hỏi mới, tăng tính thực tiễn đòi hỏi việc dạy học, kiểm tra đánh giá cũng phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu thi cử.
Trịnh Vũ Phương Linh chia sẻ: “Em thấy đề thi lần này rất sát đề minh họa của Sở Giáo dục đã đưa ra và em không quá bỡ ngỡ khi làm bài thi. Còn việc các thầy cô ôn tập cho bọn em thì rất sát và kỹ. Các thầy cô đã ôn cho chúng em đúng theo những gì đề minh họa cho ra".
Điểm số mà Linh đạt được là khá cao so với mặt bằng chung của bạn học sinh trong trường, khi mức trung bình chỉ dừng ở Toán, Ngữ văn là 6,89 và 6,73 ở môn Tiếng Anh.
Tại quận Hoàn Kiếm, các trường THCS tự ra đề kiểm tra đánh giá học kỳ I theo cấu trúc định dạng của 7 đề minh họa thi vào 10 được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành hồi tháng 8 năm 2024 để học sinh làm quen với các dạng đề. Thời gian làm bài của môn Văn là 120 phút, Toán 90, môn thứ ba 60 hoặc 90 phút, bài thi tổ hợp 90 hoặc 120 phút.
Học sinh Nguyễn Minh Anh, lớp 9A, Trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm, cho hay: “Em thấy đề thi và đề thi minh họa khá là sát nhau. Với các môn thi trắc nghiệm bao gồm tiếng Anh, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Giáo dục công dân, Tin học thì cấu trúc và biểu điểm khá tương đồng nhau".
Học kỳ II đã bắt đầu khi chưa có quyết định chính thức môn thi thứ ba là môn nào, thế nên, hiện các trường học ở Hà Nội vẫn tập trung dạy học sinh đồng đều ở các môn, để học sinh học tốt nhất, có thể đạt kết quả cao nhất nếu môn thứ ba rơi vào bất cứ môn học nào.
Bà Trần Thị Kim Liên, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm, cho biết: “Triển khai việc học đều tất cả các môn ở khối 9 để làm sao các con không chỉ quá tập trung vào hai môn Toán, Văn mà vẫn đảm bảo khả năng, năng lực để học đều và có sự chuẩn bị cho môn thứ ba".
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khuyến khích các phòng giáo dục và đào tạo, nhà trường xây dựng đề minh họa dùng chung để chia sẻ cho nhau trong quá trình ôn tập, kiểm tra, đánh giá, bám sát các nội dung cơ bản của từng môn học cho học sinh làm quen.
Tuyết Nhung
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/hoc-sinh-lop-9-lam-quen-voi-cach-danh-gia-moi-294598.htm