Nhằm khuyến khích và lan tỏa lối sống xanh, giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã phát động cuộc thi “Sáng tạo xanh – Sống trong lành: Giảm đốt rơm rạ ngoài trời, tăng an toàn với thuốc bảo vệ thực vật”.
Trải qua vòng sơ khảo, 10 bài dự thi xuất sắc đã cùng nhau tham gia vòng chung kết cuộc thi vào chiều nay (5/11), tại trường Đại Học Tài nguyên và Môi trường (Hà Nội).
Quang cảnh vòng chung kết cuộc thi "Sáng tạo xanh - Sống trong lành: Giảm đốt rơm rạ ngoài trời, tăng an toàn với thuốc bảo vệ thực vật".
Được biết, cuộc thi này nhằm khơi dậy và ươm mầm những ý tưởng sáng tạo trong việc bảo vệ môi trường dành cho học sinh các trường THPT và sinh viên các trường đại học trên cả nước.
Ban tổ chức mong muốn cuộc thi góp phần nâng cao nhận thức về môi trường, giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ và khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách.
Bên cạnh đó, khuyến khích sự sáng tạo và tư duy giải pháp, phát triển kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đất nước.
Người dự thi đề xuất và thực hiện các sáng kiến hoặc giải pháp khoa học có ý nghĩa lý thuyết hoặc ứng dụng thực tiễn, thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của xã hội về tác hại của việc đốt rơm rạ và phương pháp khoa học xử lý rơm rạ.
Các thí sinh trình bày ý tưởng, nội dung về phương pháp khoa học xử lý rơm rạ.
Bài thi có thể trình bày 1 trong 3 hình thức gồm bài viết, bài trình bày, đoạn phim ngắn. Thời gian nhận bài dự thi từ 1/9 - 30/9.
Trải qua vòng sơ khảo, 10 bài dự thi vào đến vòng chung khảo gồm: “Giải pháp giải quyết lượng rơm, rạ dư thừa giúp tăng năng suất muối, cải thiện cuộc sống, bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế truyền thống bền vững ở địa phương” – Nhóm Trường học xanh; “Giấy Rơm dấu ấn tự nhiên cho tương lai” - Nhóm Chuyến đi của Rơm; “Chế phẩm trừ sâu thảo mộc – Giải pháp nông nghiệp tương lai” - Đào Thị Thu Hương; “Làm lương khô từ rơm” - Nhóm D1; “Sản xuất gỗ nhân tạo từ rơm” - Nhóm Straw Wood; “Sử dụng chế phẩm sinh học từ lá Xoan ta để kiểm soát Sâu Tơ hại Bắp cải và Rệp Xám hại Cải xanh” - Nhóm Lyole; “Từ rơm thành giấy” - Nhóm Sắc Lúa; “Viên nén rơm rạ - từ rác thải nông nghiệp thành sản phẩm hiệu quả với môi trường” - Nhóm DTH; “Dự án máy cắt trộn rơm rạ” - Nguyễn Thị Thùy Linh; “Từ rơm vàng đến lụa xanh” - Mai Nguyễn Phương Nhi.
Một sản phẩm từ rơm.
Trong vòng chung kết, các bài dự thi được chấm theo thang điểm 100 với các tiêu chuẩn, tiêu chí và thang điểm. Mỗi đội có 5 phút để thuyết trình về bài thi của mình, sau đó Ban Giám khảo đặt câu hỏi và phản biện ngay trên sân khấu.
Chung cuộc, bài “Sản xuất gỗ nhân tạo từ rơm” - Nhóm Straw Wood đến từ Đại học Trà Vinh đã giành giải nhất. Giải nhì là bài “Giấy Rơm dấu ấn tự nhiên cho tương lai” - Nhóm Chuyến đi của Rơm đến từ Đại học Khoa học Huế.
Có 3 bài thi đồng giải 3 là bài “Chế phẩm trừ sâu thảo mộc – Giải pháp nông nghiệp tương lai” - Đào Thị Thu Hương đến từ Đại học Tài nguyên môi trường Hà Nội; Bài “Làm lương khô từ rơm” - Nhóm D1 đến từ Đại học Hòa Bình; Bài “Sử dụng chế phẩm sinh học từ lá Xoan ta để kiểm soát Sâu Tơ hại Bắp cải và Rệp Xám hại Cải xanh” - Nhóm Lyole đến từ trường THPT Xuân Giang (Sóc Sơn, Hà Nội).
Quang Hùng