Học sinh sử dụng điện thoại di động: Cân bằng kiểm soát

Học sinh sử dụng điện thoại di động: Cân bằng kiểm soát
4 giờ trướcBài gốc
Thầy trò Trường THPT Tây Ninh (TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) tra cứu thông tin trên điện thoại di động. Ảnh minh họa: INT
Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Rất cần giải pháp kiểm soát học sinh sử dụng điện thoại di động để không ảnh hưởng đến việc học, nhưng vẫn phát huy được lợi thế của thiết bị.
Siết quy định
Hiện, số lượng học sinh sử dụng điện thoại di động không nhỏ, đặc biệt ở cấp THCS, THPT. Việc học sinh lén lút sử dụng điện thoại vào việc riêng trong giờ học là nỗi lo của giáo viên, nhà trường vì không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học mà cả những hệ lụy liên quan đến an toàn trên không gian mạng.
Việc quản lý khó khăn và càng khó khăn hơn với những lớp có sĩ số học sinh đông. Chính vì vậy, nhiều nhà trường, địa phương đã có giải pháp “mạnh tay” để siết chặt quản lý, bảo đảm học sinh chỉ dùng điện thoại phục vụ học tập khi ở trường.
Thầy Nguyễn Ngọc Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Lợi (Long Biên Hà Nội) cho biết, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản nhằm nâng cao hiệu quả quản lý việc sử dụng điện thoại di động và các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường.
Bên cạnh ra thông báo đến cha mẹ và phổ biến cho 100% học sinh về nội dung này, Ban giám hiệu Trường THCS Phúc Lợi yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp gửi thông tin cho cha mẹ học sinh đăng ký cho trẻ mang điện thoại đến trường học; tổ chức quản lý điện thoại di động và các thiết bị thu, phát sóng của học sinh trước khi vào tiết học đầu tiên (mỗi lớp bố trí 1 thùng, có khóa bảo vệ, đặt tại tủ lớp học). Học sinh được gửi lại điện thoại, thiết bị thu, phát sóng khi tan trường, tan lớp.
Trong các tiết học cần sử dụng điện thoại di động và được giáo viên bộ môn cho phép, thông báo đến giáo viên chủ nhiệm phối hợp thì học sinh được phép mang điện thoại di động. Khi hết tiết học, giáo viên bộ môn có trách nhiệm chỉ đạo thu cất nguyên trạng như ban đầu theo đúng quy định.
“Nhà trường tiếp tục tuyên truyền, giáo dục để học sinh thực hiện nghiêm quy định không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp, không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”, chia sẻ điều này, thầy Sơn đồng thời cho biết, trường sẽ tuyên truyền, phổ biến để phụ huynh đồng hành cùng nhà trường, thầy, cô giáo trong chăm lo, động viên, nhắc nhở, quản lý học sinh sử dụng điện thoại di động, các thiết bị thu, phát sóng đúng mục đích, quy định tại nhà trường, lớp học.
Tại trường, tổng phụ trách, ban thiếu nhi sẽ kiểm tra đột xuất ít nhất 1 tháng/lần, khớp thông tin trong danh sách cha mẹ học sinh đăng ký và thực tế để kịp thời nhắc nhở đánh giá thi đua, nền nếp của lớp học.
Tại Bắc Giang, sở GD&ĐT cũng có văn bản hướng dẫn các nhà trường quản lý học sinh sử dụng điện thoại thông minh, máy tính cầm tay trong học tập. Theo đó, người học mang điện thoại đến trường phải để chế độ im lặng, cất vào tủ đựng chung của cả lớp trong suốt buổi học, kể cả giờ ra chơi; chỉ được dùng điện thoại khi giáo viên cho phép và yêu cầu sử dụng điện thoại để tương tác với bài học. Khi có việc khẩn cấp, học sinh được sử dụng điện thoại để liên lạc dưới sự hỗ trợ của giáo viên.
Nhà trường bố trí mỗi lớp 1 tủ đựng để quản lý điện thoại; phối hợp với cha mẹ học sinh, người giám hộ và học sinh để xây dựng nội quy lớp học, quy định cụ thể việc mang và sử dụng điện thoại khi đến lớp. Nội quy cần công khai các hình thức xử lý vi phạm để đảm bảo tính nghiêm minh.
Khay để điện thoại di động có gắn tên là 1 biện pháp quản lý việc học sinh dùng điện thoại trong lớp học. Ảnh minh họa: INT
Làm sao để tránh cực đoan
Không thể phủ nhận những tiện ích nếu biết phát huy các tính năng của điện thoại di động, thiết bị thu phát sóng trong học tập. Do đó, làm sao để hài hòa giữa cấm hoặc cho phép khai thác tính năng của điện thoại thông minh không đi đến cực đoan là điều cần tính toán.
Để kiểm soát tốt và phát huy lợi ích của công cụ này mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc học, thầy Vũ Ngọc Hòa - giáo viên Trường THPT Ngô Quyền (Đồng Nai) cho rằng, trước hết cần xây dựng quy định sử dụng rõ ràng. Trường học ban hành quy định cụ thể về việc sử dụng điện thoại trong giờ học, nêu rõ khi nào được phép sử dụng.
Học sinh chỉ sử dụng điện thoại khi có yêu cầu cụ thể từ giáo viên hoặc trong các bài học có sử dụng công nghệ. Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về việc sử dụng điện thoại di động trong học tập, nhấn mạnh lợi ích và tác hại khi lạm dụng. Giáo dục học sinh tự quản lý thời gian và ý thức khi sử dụng điện thoại.
Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh là vô cùng quan trọng. Phụ huynh cần được thông báo về kế hoạch sử dụng điện thoại trong học tập để cùng giám sát; được hướng dẫn sử dụng các công cụ giám sát và giới hạn thời gian dùng điện thoại của trẻ ngoài giờ học.
Nhà trường có thể áp dụng các phần mềm quản lý học tập (LMS - Learning Management System) để kiểm soát nội dung học sinh truy cập; kết hợp sử dụng các ứng dụng chặn nội dung không phù hợp trong giờ học. Xây dựng môi trường học tập hấp dẫn, đa dạng phương pháp giảng dạy; kết hợp các hoạt động nhóm, trải nghiệm thực tế để học sinh không bị phân tâm vào điện thoại ngoài mục đích học tập. Khuyến khích các hoạt động ngoại khóa, thể thao để học sinh giảm bớt thời gian sử dụng thiết bị công nghệ.
“Cần thường xuyên lấy ý kiến giáo viên và học sinh về hiệu quả sử dụng điện thoại trong học tập. Điều chỉnh quy định, phương pháp giảng dạy phù hợp với thực tế triển khai. Giải pháp cần thực hiện đồng bộ, linh hoạt và dựa trên đặc điểm cụ thể của từng trường, lớp học để đảm bảo vừa phát huy lợi ích của công nghệ, vừa hạn chế tối đa những tác động tiêu cực”, thầy Vũ Ngọc Hòa gợi ý thêm.
Cần có quy định giúp học sinh bảo quản điện thoại tại lớp trong các giờ học cũng là giải pháp được thầy Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị nhắc đến. Ví dụ, tạo các hộp nhỏ theo tổ gắn trên tường để học sinh gửi điện thoại vào đó trước giờ học.
Về phía phụ huynh, phải tin tưởng, đồng thuận, ủng hộ nhà trường, giáo viên về các biện pháp giáo dục giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của sử dụng điện thoại đối với trẻ. Cơ quan quản lý cần có biện pháp quản lý cung cấp dịch vụ thông tin theo từng lứa tuổi. Ví dụ, xây dựng rào cản kỹ thuật không cho học sinh tiếp cận với các thông tin xấu, độc trên các trang mạng xã hội.
Điều lệ trường trung học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ GD&ĐT quy định “học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Như vậy, sử dụng điện thoại trong lớp học về cơ bản vẫn là hành vi bị cấm. Học sinh chỉ được sử dụng khi được sự đồng ý của giáo viên và phục vụ mục đích học tập dưới sự quản lý, giám sát của giáo viên, nhà trường và gia đình.
Hải Bình
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/hoc-sinh-su-dung-dien-thoai-di-dong-can-bang-kiem-soat-post715414.html