Tại hội nghị, ông Brandon N Sinkovic (Mỹ), Giám đốc học thuật một trung tâm Anh ngữ có 9 năm giảng dạy học sinh tại các trung tâm và trường công lập nói rằng, vấn đề lớn nhất ngăn cản học sinh tiếp thu tiếng Anh, đó là các em dường như bị buộc phải tiếp cận tiếng Anh như một môn học, không phải ngôn ngữ. Học sinh học tiếng Anh trong lớp nhưng hầu như không có bất kỳ cơ hội nào để giao tiếp.
“Cách tiếp cận này có thể được ví như một cầu thủ bóng đá học cách chơi bóng chỉ qua việc xem trận đấu trên tivi, nhưng lại không bao giờ bước ra sân cỏ. Làm sao một người có thể học ngôn ngữ mà không bao giờ sử dụng nó?”, ông nói.
Ông Brandon N Sinkovic cũng dẫn số liệu của Cambridge về thang CEFR cho các giáo viên dạy ngôn ngữ, học sinh cần khoảng 200 giờ học có hướng dẫn bằng ngôn ngữ mục tiêu để nâng cao 1 cấp độ CEFR. Thực tế, trường học ở Việt Nam đang cung cấp giờ học tiếng Anh với số giờ có hạn cùng với sự thiếu hụt môi trường ngôn ngữ ông khẳng định các em chưa đủ thời gian để tiến bộ.
Chuyên gia cho rằng, học sinh Việt Nam học tiếng Anh nhưng có quá ít cơ hội để nói.
Ngoài ra, ông cũng chỉ ra học sinh Việt Nam có quá ít cơ hội để nói tiếng Anh và thường quá ngại ngùng khi phải giao tiếp trước các bạn cùng lớp. Trong một lớp học có 40 hoặc thậm chí 50 học sinh, việc luyện nói trở thành một bài diễn thuyết, đây là nỗi sợ lớn nhất của hầu hết mọi người trên thế giới. “Với điều kiện như vậy, không có gì ngạc nhiên khi học sinh Việt Nam thường yếu nhất ở kỹ năng nói”, ông Brandon N Sinkovic chia sẻ.
Học sinh được cha mẹ đầu tư cho học các khóa học tiếng Anh nhưng điều bất cập là lớp học đông, học sinh có trình độ khác nhau học chung cùng một chương trình. Điều này khiến học sinh trình độ cao cảm thấy chán nản và bị đình trệ, trong khi học sinh yếu hơn lại cảm thấy quá tải và nản chí.
Nỗ lực để học sinh "nói tiếng Anh"
Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì chia sẻ thực tế khó khăn trong dạy học, nâng cao chất lượng ngoại ngữ cho cả thầy và trò. Từ năm 2019, Ba Vì triển khai đề án thúc đẩy chất lượng dạy học ngoại ngữ với sự hợp tác, hỗ trợ của Trường đại học Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội); các trường trong nội thành giúp đào tạo đội ngũ, chia sẻ phương pháp dạy học, tổ chức các chương trình tạo môi trường để học sinh nói tiếng Anh, đầu tư phòng học chuẩn. Với quyết tâm học sinh học tiếng Anh để sử dụng, ông Oanh đề xuất Sở GD&ĐT Hà Nội có cơ chế đặc thù cho giáo viên đi bồi dưỡng ở nước ngoài, đẩy mạnh ứng dụng AI vào dạy học…
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội ông Phạm Quốc Toản cho biết, kết quả thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ của Hà Nội nhiều năm qua thể hiện qua đồ thị hình yên ngựa với hai đỉnh cho thấy hai nhóm năng lực khác nhau. Trong đó, một đỉnh của đồ thị nằm ở mốc điểm 8, điểm 9 và một đỉnh xấp xỉ 5 điểm.
Cũng theo ông Toản, 2 đỉnh trong đồ thị cho thấy khoảng cách lớn trong việc học tiếng Anh của học sinh nội thành và ngoại thành. Để kéo gần khoảng cách đó, ngành nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc đổi mới phương pháp giảng dạy, triển khai các phần mềm học tập tiên tiến, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ tự học, tổ chức các lớp học trực tuyến với giáo viên bản ngữ, khuyến khích học sinh tự học ngoại ngữ qua nền tảng công nghệ...
Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ phát động phong trào “Tháng tự học”; triển khai thí điểm mô hình cặp trường kết nghĩa, các lớp học mẫu và phong trào tự học ngoại ngữ. Từ tháng 6/2025, Sở này sẽ nhân rộng mô hình trên các trường học toàn thành phố, đảm bảo học sinh ngoại thành có cơ hội tiếp cận chất lượng giáo dục tương đương với học sinh nội thành.
Hà Linh