Trần Lê Thiện Nhân (bìa phải) cùng các thành viên trong đội tuyển. Ảnh: NVCC
Ghi danh trên đấu trường trí tuệ quốc tế
Từ Paris, Trần Lê Thiện Nhân bày tỏ vui mừng ngay sau khoảnh khắc đứng trên sân khấu nhận huy chương: “Khi biết tin mình đoạt HCB, em vừa bất ngờ vừa xúc động. Đó là khoảnh khắc em cảm thấy mọi nỗ lực và cố gắng suốt thời gian dài được đền đáp xứng đáng. Đây là thành tích cao nhất mà em từng đạt được trong một kỳ thi lớn và là động lực để em tiếp tục cố gắng hơn nữa trong tương lai”.
Cùng đi với Thiện Nhân trong chuyến đi này, thầy giáo Nguyễn Văn Hạnh, giáo viên Vật lý, Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế cũng xúc động: “Cảm xúc thật khó diễn tả, như thể một người nghệ sĩ vừa hoàn thành chi tiết cuối cùng của tác phẩm và việc sáng tác không chỉ là đam mê cá nhân mà còn mang nặng tình yêu của nhiều người gửi gắm”.
Cảm xúc vỡ òa của 2 thầy trò là điều dễ hiểu, bởi Olympic Vật lý quốc tế là một trong những kỳ thi uy tín và danh giá nhất dành cho học sinh trung học phổ thông trên toàn thế giới. Năm nay, kỳ thi được tổ chức tại Cộng hòa Pháp từ ngày 17 đến 25/7, quy tụ 406 thí sinh đến từ 94 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có 5 đoàn quan sát viên).
Các thí sinh phải trải qua 2 ngày thi chính thức: Một ngày thi lý thuyết và một ngày thi thực nghiệm, với thời lượng mỗi bài thi kéo dài liên tục 5 tiếng. Không chỉ yêu cầu nền tảng kiến thức vững chắc, kỳ thi còn đòi hỏi khả năng tư duy độc lập, xử lý linh hoạt những vấn đề gắn với thực tiễn, cùng bản lĩnh vững vàng trong môi trường thi đấu quốc tế.
Theo đánh giá của Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), bài thi lý thuyết và thực nghiệm thể hiện sự kết hợp tinh tế giữa vật lý hiện đại và các hiện tượng thực tiễn gần gũi, từ cấu trúc nguyên tử hydro đến cấu trúc thiên hà, từ dao động của nam châm đến sự hình thành hố thiên thạch. Bài toán về sự tạo bọt khí trong ly sâm panh không chỉ mang ý nghĩa vật lý sâu sắc mà còn là điểm nhấn văn hóa độc đáo, đưa truyền thống ẩm thực Pháp vào đề thi IPhO.
Năm nay, đội tuyển Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có kết quả cao nhất tại IPhO 2025 khi cả 5 học sinh trong đội tuyển đều đoạt huy chương, gồm 1 Huy chương Vàng và 4 HCB. Kết quả này tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông cũng như hướng đi đúng đắn trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh năng khiếu, học sinh giỏi.
Thêm một dấu son
Sau nhiều năm, tấm huy chương của Thiện Nhân như một dấu mốc quan trọng, khẳng định sự trở lại ấn tượng của bộ môn vật lý tại Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế trên đấu trường quốc tế. Đó không chỉ là phần thưởng cho nỗ lực cá nhân mà còn là kết tinh của chiến lược bồi dưỡng học sinh giỏi bài bản, bền bỉ của nhà trường và Sở GD&ĐT.
Theo thầy giáo Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng nhà trường, thành tích này là sự đầu tư có chiến lược: “Ngay từ năm lớp 9, nhà trường đã theo dõi học sinh qua các kỳ thi học sinh giỏi thành phố, rồi căn cứ kết quả tuyển sinh lớp 10 để phát hiện các nhân tố tiềm năng. Từ đó, các em được đưa vào nhóm bồi dưỡng, học chương trình nâng cao, được cọ xát qua các kỳ thi khu vực và quốc gia. Đó là một hành trình dài hơi và có chiến lược”.
Với tính chất quan trọng của kỳ thi quốc tế, Trần Lê Thiện Nhân đã dành nhiều thời gian để ôn luyện, đặc biệt là vào giai đoạn cận kề kỳ thi. Em thường xuyên tự học thêm ngoài giờ, luyện giải đề và thảo luận chuyên sâu với thầy cô cũng như các bạn trong đội tuyển. Ngoài ra, em cũng phải học cách quản lý thời gian, giữ tinh thần ổn định để không bị áp lực.
Thiện Nhân chia sẻ: “Kỳ thi quốc tế là một thử thách thực sự lớn, không chỉ về kiến thức mà cả về tâm lý và khả năng thích nghi. Trong suốt quá trình thi, em cố gắng giữ bình tĩnh, phân bổ thời gian hợp lý và tận dụng tối đa kiến thức đã học. Em cũng học hỏi được rất nhiều từ các thí sinh quốc tế, không chỉ về học thuật mà cả về cách họ xử lý áp lực. Đây là một trải nghiệm quý giá, giúp em trưởng thành hơn”.
Theo thầy giáo Nguyễn Văn Hạnh, Trần Lê Thiện Nhân là một trong những học sinh xuất sắc nhất trong hơn 20 năm ông giảng dạy môn vật lý cho học sinh giỏi tại Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế. Em là học sinh chăm chỉ và có niềm đam mê sâu sắc với môn vật lý. Với tư duy linh hoạt và sự tỉ mỉ, em đã đạt được nhiều thành tích tại các cuộc thi cấp tỉnh, khu vực và quốc gia.
Thầy Hạnh nhận xét: “Nhân luôn tiếp cận vấn đề với tư duy tích cực, thường tìm kiếm lời khuyên từ các thầy, cô giáo khi gặp khó khăn. Nhiều lần, chúng tôi đã dành thời gian cùng nhau phân tích nguyên nhân dẫn đến những sai lầm trong các cuộc thi và tìm hướng đi phù hợp để cải thiện. Sau những buổi thảo luận này, em luôn ra về với thái độ tích cực và hiểu rõ những bước tiếp theo cần thực hiện để đạt được mục tiêu của mình”.
MINH HIỀN