Hodgkin: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

Hodgkin: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh
3 ngày trướcBài gốc
1. Nguyên nhân gây Hodgkin
Hodgkin (ung thư bạch huyết – U lympo ác tính) là bệnh ác tính huyết học, trong đó các tế bào đơn nhân và đa nhân đặc trưng, loạn sản được bao quanh bởi các hỗn hợp biến đổi của các tế bào trưởng thành, không phải viêm và xơ.
Tế bào lympho là một phần của hệ thống miễn dịch ở một người, giữ chức năng bảo vệ cơ thể chống lại tình trạng nhiễm trùng hoặc sự xâm lấn của các sinh vật hoặc tổ chức lạ. Tuy nhiên, khi tế bào lympho bị tổn thương do các nguyên nhân khác nhau thì sẽ gây nên bệnh u lympho.
Trong bệnh u lympho, tế bào lympho có thể phát triển rất nhanh không kiểm soát, cũng như có thể sống rất lâu dài. Những tế bào lympho bất thường này không hoạt động như bình thường và có thể lấn át những tế bào khỏe mạnh khác.
Tại Việt Nam bệnh u lympho xếp thứ 14 trong các loại ung thư hay gặp, tỷ lệ mắc hàng năm là 0,2/100.000 dân. Ngày nay những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh u lympho đã giúp kéo dài thời gian sống cho người bệnh và chất lượng cuộc sống tiếp tục được cải thiện.
Tuy vậy trên thực tế nhiều người bị bệnh u lympho Hodgkin không được chẩn đoán kịp thời, hoặc bị bệnh nhưng chưa hiểu rõ về cơ chế phát sinh, phát triển của bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng, tuy nhiên nhiều nghiên cứu đưa ra một số yếu tố nguy cơ cao như:
Nhiễm virus Epstein-Barr.
Suy giảm miễn dịch (sau ghép tạng, HIV…).
Bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, sarcoidosis…).
Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó nhóm tuổi có tỷ lệ mắc nhiều nhất là khoảng trên dưới 20 tuổi và trên dưới 50 tuổi. Nam có xu hướng mắc bệnh nhiều hơn nữ.
Yếu tố gia đình.
Hodgkin hay còn gọi là bệnh ung thư Hodgkin là một dạng u lympho ác tính.
2. Triệu chứng của Hodgkin
Nhiều triệu chứng ban đầu của bệnh nhân u lympho Hodgkin cũng giống như triệu chứng của các bệnh khác. Bệnh nhân thường nghĩ đang bị cảm lạnh chưa khỏi. Nhiều khi chỉ có triệu chứng duy nhất là mệt mỏi. Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp bao gồm:
Nổi hạch ở nhiều nơi mà không đau, đặc biệt hạch ở vùng cổ, nách hoặc bẹn.
Sốt không rõ nguyên nhân.
Đổ mồ hôi ban đêm.
Sụt cân không rõ nguyên nhân.
Ngứa.
Mệt mỏi, khó chịu không rõ nguyên nhân.
Ho.
Xét nghiệm tế bào máu thấy có bất thường.
Những triệu chứng này có thể được gây ra bởi nhiều vấn đề khác. Điều quan trọng là bạn phải gặp bác sĩ ngay khi có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng diễn biến lâu dài một cách bất thường.
Để chẩn đoán thì các bác sĩ sẽ khám khám toàn diện và đặc biệt chú ý các hạch bạch huyết.
Các xét nghiệm thường dùng để chẩn đoán u lympho Hodgkin bao gồm:
Xét nghiệm máu để xem số lượng và các thành phần khác nhau của tế bào máu, đánh giá chức năng các cơ quan như gan.
Xét nghiệm tủy đồ và sinh thiết tủy xương để đánh giá tổ chức tạo máu trong xương, nơi hầu hết các tế bào máu được sinh ra, xem xét khả năng tế bào u thâm nhiễm vào tủy xương.
Sinh thiết hạch hoặc khối u được tiến hành để khẳng định chẩn đoán.
Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) để đánh giá các lát cắt khác nhau của các phần trong cơ thể. Bạn có thể khảo sát vùng cổ, ngực, bụng và khung chậu. Chụp cắt lớp giúp thấy được những cơ quan có thể bị tổn thương bởi u lympho Hodgkin.
Chụp PET: Là biện pháp sử dụng một máy quét kết hợp với đầu dò phóng xạ. Máy quét sẽ xác định những vùng cơ thể có tín hiệu bình thường và bất thường. Vùng nào bị tổn thương bởi u lympho Hodgkin sẽ thể hiện ở việc tăng tín hiệu bất thường trên máy quét.
3. Hodgkin có lây không?
Hodgkin không phải bệnh lây nhiễm nên không thể lây.
4. Phòng ngừa Hodgkin
Hiện nay bệnh Hodgkin chưa có phòng bệnh đặc hiệu nhưng có thể thực hiện một số biện pháp để giảm nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
Tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại: Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại như benzen và thuốc trừ sâu. Đây là những chất có liên quan đến tăng nguy cơ mắc ung thư hạch.
Duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh: Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc để giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt nhất. Hệ miễn dịch mạnh mẽ có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh lý, bao gồm cả ung thư hạch.
Tránh hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư hạch. Việc bỏ hút thuốc lá hoặc không bắt đầu hút thuốc là một bước quan trọng để giảm nguy cơ này.
Uống ít rượu bia: Uống quá nhiều rượu bia có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư hạch. Việc uống rượu nên được kiểm soát và hạn chế để bảo vệ sức khỏe tổng thể.
Khám sức khỏe định kỳ: Khám sức khỏe định kỳ có thể giúp phát hiện sớm ung thư hạch và các bệnh ung thư khác. Việc đi khám sớm và thường xuyên sẽ giúp bác sĩ có cơ hội chẩn đoán và điều trị bệnh, tăng cơ hội điều trị thành công và cải thiện tiên lượng.
Cần phát hiện và điều trị trường hợp nhiễm bệnh HIV, EBV.
Những biện pháp này không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc ung thư mà còn bảo vệ và nâng cao sức khỏe tổng thể.
5. Điều trị Hodgkin
Việc điều trị u lympho Hodgkin phụ thuộc vào giai đoạn lâm sàng và mô bệnh học của bệnh, vào triệu chứng và tình trạng sức khỏe của bạn. Bác sĩ sẽ làm việc với bạn để xây dựng kế hoạch điều trị cho phù hợp.
Điều trị bằng hóa chất (hóa trị liệu)
Điều trị bằng hóa chất là biện pháp điều trị bằng thuốc/hóa chất. Các loại hóa chất có tác dụng gây độc đối với các tế bào ung thư dẫn đến chết tế bào. Tuy nhiên, các hóa chất này cũng có thể gây độc một phần cho các tế bào bình thường của cơ thể, gây nên các tác dụng phụ như nôn, rụng tóc, tổn thương gan, thận… Các loại thuốc và các biện pháp phối hợp thuốc khác nhau sẽ được áp dụng tùy tình trạng bệnh. Các phác đồ thường được chỉ định theo các đợt và sau mỗi đợt có một khoảng nghỉ. Số lượng đợt điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, loại thuốc áp dụng, đáp ứng điều trị và tác dụng phụ.
Điều trị bằng tia xạ
Điều trị bằng tia xạ (xạ trị) là sử dụng tia X để diệt tế bào ung thư và làm tiêu biến khối u. Xạ trị chỉ ảnh hưởng đến các tế bào ở khu vực chiếu tia (điều trị tại chỗ) nên không ảnh hưởng đến các tế bào khác. Xạ trị có thể sử dụng kết hợp với điều trị hóa chất.
Kết hợp điều trị bằng hóa chất và tia xạ
Ghép tế bào gốc tạo máu
Ghép tế bào gốc tự thân cũng là một lựa chọn điều trị cho những bệnh nhân tái phát sau điều trị ban đầu bằng hóa chất. Tế bào gốc được lấy từ máu của bệnh nhân, sau đó được truyền trở lại để giúp phục hồi các tế bào máu bình thường bị ảnh hưởng do điều trị hóa chất liều cao.
Điều trị thuốc đích kháng CD30 (Brentuximab Vendotin) và các liệu pháp miễn dịch.
Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể kết hợp nhiều biện pháp điều trị để đạt hiệu quả tốt nhất. Hãy trao đổi với bác sĩ về hướng điều trị tốt nhất dành cho bạn.
TS. BS Đỗ Huyền Nga
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/hodgkin-nguyen-nhan-bieu-hien-cach-dieu-tri-va-phong-benh-169250322200057652.htm