Hội An - nơi thời gian thong dong…

Hội An - nơi thời gian thong dong…
6 giờ trướcBài gốc
Phố Hội không rộng, không cao, không hoa lệ. Nhưng mỗi viên gạch, mỗi mảng tường, từng giàn hoa giấy quyến rũ bên hàng hiên đều biết kể chuyện. Những câu chuyện ấy cứ thì thầm – như một người già ngồi bên cửa, thong thả kể lại những tháng năm đã qua bằng nụ cười hiền hậu, bằng ánh mắt dịu dàng của chứng nhân từng đi qua bao mùa giông bão mà vẫn giữ được sự an yên trong lòng.
Ở giữa lòng phố cổ, Chùa Cầu hiện lên như một dấu chấm lặng giữa câu văn dài. Cây cầu mái vòm cổ kính nối hai dãy phố qua nhánh nhỏ của dòng sông Hoài - là chứng nhân sống động cho một thời kỳ Hội An đóng vai trò thương cảng quốc tế sôi động, nơi các cộng đồng cư dân sinh sống và giao lưu văn hóa. Nét kiến trúc Nhật Bản pha trộn với tinh hoa văn hóa Việt khiến cây cầu vừa lạ vừa quen, như linh hồn canh giữ giấc mơ cho Hội An qua bao thế kỷ. Khi hoàng hôn buông xuống, bóng Chùa Cầu soi nghiêng, nhuộm màu cổ tích mơ hồ, khiến ta ngỡ mình đang lạc giữa miền xưa cũ.
Lúc còn nhỏ, tôi từng nghe các ông bà kể về truyền thuyết nói rằng Chùa Cầu được xây dựng để trấn áp một con quái vật khổng lồ sống dưới lòng đất, mỗi khi nó trở mình sẽ gây động đất, thiên tai ở tại nhiều vùng khác nhau. Việc người xưa xây cầu trên “lưng” để “trấn yểm” sự hung dữ con quái vật thể hiện ý nguyện kiểm soát thiên tai, cầu cho bình yên, quốc dân thịnh vượng.
Men theo đường Bạch Đằng, thấp thoáng ven sông, dáng những bà cụ ngồi bán tò he, thỉnh thoảng lại thổi phát thành tiếng “tò he... to hè” để thu hút sự hiếu kỳ của người lữ khách. Món đồ chơi này được làm từ những bàn tay gầy guộc nhưng mềm mại như gió trên sông Hoài, thành từng con tò he bé xíu mang hình thù của con rồng, con cá, cô tiên, chú bộ đội… Những sắc màu ngộ nghĩnh bày biện trên mẹt tre - hiện lên cả miền tuổi thơ ngọt lịm được gói trong lòng bàn tay của bà. Tò he không chỉ là món đồ chơi, nó là ký ức, tiếng ru của thời gian được nhào nặn.
Rời phố chính, men theo những con đường rợp bóng hoa giấy, ghé thăm những ngôi chùa cổ. Chùa Phúc Kiến với mái ngói cong vút, sơn son thếp vàng, khói hương nghi ngút như dẫn lối về miền tâm linh thanh tịnh. Chùa Vạn Đức tĩnh lặng nằm nép mình giữa phố đông, như trái tim lặng lẽ nhưng luôn ấm áp. Những mái chùa ấy không chỉ là nơi để cầu nguyện, mà là nơi giữ gìn những giá trị xa xưa, hàng bao thế kỷ – về đạo, về đời, về lòng hướng thiện và sự an lành.
Đến Hội An mà không thưởng thức món ăn nơi đây thì coi như chưa đến. Cao lầu là một món ăn chẳng nơi nào bắt chước được. Những sợi mỳ dai mềm được làm từ gạo và nước giếng Bá Lễ đặc biệt, hòa quyện cùng xá xíu thơm, rau sống tươi, thịt phít (thịt ba chỉ chiên) và nước dùng đậm đà – tất cả như khúc biến tấu của đồng quê và tinh hoa phố thị. Còn có cơm gà Hội An, giản dị nhưng chuẩn vị, với từng miếng gà xé tơi, thấm gia vị, ăn cùng cơm dẻo gạo thơm và đĩa rau xanh như vừa hái sau vườn. Nem lụi nướng vàng hơi xém khói than hồng, thơm nức mùi sả, khi chấm với nước lèo sánh, cay, béo – cứ như bữa tiệc nhỏ của khứu giác và vị giác.
Hội An là nơi khiến ta sống chậm, yêu lâu và nhớ mãi
Dọc những con hẻm quanh co, mùi thơm của những hàng quán nhỏ quyện trong gió chiều. Có chị bán mỳ Quảng gánh hàng bằng đôi quang tre, lặng lẽ dọn ra mấy chiếc ghế nhựa, vài bát men cũ, một nồi nước nhân còn nghi ngút khói. Có mấy cô bán bánh tráng nướng, nem lụi, xiên que... giữa tiếng cười của lũ trẻ, tiếng xe đạp lạch cạch và tiếng gió khẽ lay những cành hoa giấy bên hiên nhà. Tất cả hòa lại như một bản romantic không lời nhẹ nhàng, lãng mạn, khiến lòng người chợt dịu lại sau bao ồn ào phố thị.
Lâu rồi mới có dịp trở lại, vẫn con đường lát đá cũ kỹ ấy, vẫn góc phố ấy, tôi ghé lại quán chè bắp, hến trộn năm nào. Đĩa hến cay, mặn, thơm mùi rau hành, đậu phộng, đậm đà mùi vị xứ Quảng như ôm trọn cả miền quê nhỏ. Ngay bên kia đường là quán chè bắp – bát chè sánh vàng, thơm ngọt vị bắp Cẩm Nam, ăn vào mát rượi. Chỉ giản đơn thế thôi, nhưng đủ khiến lòng bao bồi hồi.
Rồi phải kể đến rừng dừa Bảy Mẫu, một Hội An rất khác, nơi sông nước và thuyền thúng lên ngôi. Ngồi trên chiếc thuyền thúng tre, trôi giữa rừng dừa xanh ngắt, nghe tiếng mái chèo khua nước hòa cùng tiếng hát đối đáp bài chòi của người lái thuyền, lòng như trút hết mọi lo toan. Những cây dừa nước ở đây đang hát bài ca về những ngày kháng chiến, về sự hào hùng của một vùng đất trong dáng vẻ bình dị.
Và ở làng gốm Thanh Hà, dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân, từng cục đất nâu được nắn thành bát, thành bình, thành tượng... để lưu giữ hồn cốt của đất, của làng quê. Người thợ làm gốm ở đó qua bao năm tháng miệt mài “thổi hồn” vào đất, để đất kể chuyện đời, chuyện người, chuyện của thời gian.
Rời Hội An trong buổi chiều nhạt nắng. Trên dòng sông Hoài, ánh đèn hoa đăng bắt đầu lấp lánh. Những chiếc đèn nhỏ trôi đi mang theo bao lời cầu nguyện bình an, mang theo ước mơ của bao người – trong đó có cả tôi.
Có người từng nói, Hội An là nơi khiến ta sống chậm, yêu lâu và nhớ mãi. Quả thực, dù thời gian có trôi đi, dù phố có đổi thay thành phường, Hội An vẫn còn đó. Vẫn dịu dàng như nốt nhạc trầm, trầm mặc như ánh đèn lồng trong đêm lặng lẽ và ấm áp như nụ cười hiền của cụ bà bán tò he bên sông Hoài.
Biết rồi sẽ quay lại để thăm phố Hội. Sẽ ngồi thật lâu ở một góc quen, uống ly cà phê đen không đường, thả đèn hoa đăng, rồi mỉm cười khi thấy lòng mình vẫn còn nguyên vẹn một Hội An đáng yêu – hiền hòa, chân chất và dịu dàng...
Công Thái
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/hoi-an-noi-thoi-gian-thong-dong-167159.html