Lãnh đạo và hội viên Hội Chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Lạng Sơn ôn lại những kỷ niệm trong những năm tháng chiến đấu bảo vệ thành cổ
Thành cổ Quảng Trị là di tích quốc gia đặc biệt thuộc tỉnh Quảng Trị, là nơi diễn ra trận chiến vô cùng ác liệt trong suốt 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972) của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hơn 4.000 Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong trận chiến này. Tham gia chiến đấu tại đây có trên 120 thanh niên là những người con của tỉnh Lạng Sơn; trong đó, nhiều người hy sinh nằm lại thành cổ; hơn 50 người mang thương tật hoặc nhiễm chất độc hóa học.
Ông Long Ngọc Nam, Chủ tịch Hội Chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Lạng Sơn cho biết: Với mục đích tập hợp, đoàn kết những người sinh ra, lớn lên hoặc sinh sống tại Lạng Sơn đã từng tham gia chiến đấu và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, tháng 7/2014, hội đã được thành lập. Tham gia hội, các hội viên không chỉ được gặp gỡ, cùng nhau ôn lại những trận đánh ác liệt trong gần 3 tháng bảo vệ thành cổ mà còn cùng nhau chia sẻ những khó khăn, động viên và hỗ trợ nhau trong cuộc sống.
Thời điểm mới thành lập, hội có trên 150 hội viên, đến nay còn 89 hội viên từ 71 tuổi đến 83 tuổi đang sinh hoạt tại 8 chi hội. Hằng năm, hội tổ chức sinh hoạt định kỳ 6 tháng/lần và thường xuyên tổ chức gặp mặt hội viên vào các dịp kỷ niệm sự kiện chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Ngày giải phóng Lạng Sơn (17/10/1950) và Ngày khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940)... Qua tổ chức hội, các chiến sĩ năm xưa được gặp gỡ, ôn lại những câu chuyện, ký ức hào hùng, nhớ về những trận đánh ác liệt và những cuộc tấn công giằng co từng tấc đất với quân địch, nhớ về sự hy sinh anh dũng của đồng đội. Nhiều hội viên của hội vẫn còn lưu giữ, trân trọng những kỷ vật như: thư tay, nhật ký, những tấm ảnh đen trắng, chiếc bút, mũ tai mèo, bình tông đựng nước… để luôn nhớ về những dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc.
Cùng đồng đội xem lại những tấm ảnh ghi lại một số trận đánh tại Thành cổ Quảng Trị, ông Phạm Xuân Thanh, khối Cửa Đông, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn bày tỏ: Tham gia tổ chức hội, chúng tôi được gặp lại những đồng đội từng vào sinh ra tử năm xưa; được chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn và những ký ức hào hùng năm xưa. Hằng năm, tôi và các đồng đội được hội tạo điều kiện cho đi thăm lại chiến trường xưa và một số di tích lịch sử cách mạng ở trong và ngoài tỉnh... Qua những hoạt động này giúp chúng tôi có thêm nguồn động viên để sống vui, sống khỏe, tích cực giáo dục thế hệ trẻ phát huy tốt truyền thống cách mạng.
Không chỉ là nơi để các hội viên gặp gỡ, ôn lại những ký ức từ thời chiến tranh, từ khi thành lập đến nay, Hội Chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Lạng Sơn còn triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, góp phần phát huy truyền thống cách mạng, giúp đỡ hội viên trong cuộc sống, lao động và sản xuất. Từ khi thành lập đến nay, hội đã tổ chức nhiều hoạt động nghĩa tình đồng đội, tri ân liệt sĩ, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, thăm lại chiến trường xưa (riêng 5 năm qua, hội đã tổ chức 8 đợt cho 246 lượt hội viên cùng người thân thăm chiến trường xưa)... Từ khi thành lập đến nay, hội cũng đã hỗ trợ 5 gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn xây mới, sửa chữa nhà ở (hỗ trợ từ 25 - 50 triệu đồng/hội viên). Trong 5 năm gần đây, hội đã hỗ trợ 35 triệu đồng cho 2 hội viên vay phát triển kinh tế; thăm hỏi hội viên ốm đau, tặng quà hội viên có hoàn cảnh khó khăn trong các dịp lễ, tết được 141 lượt; tổ chức mừng thọ 73 hội viên; tổ chức cho 45 hội viên đi khám bệnh miễn phí tại các bệnh viện trung ương… với tổng số tiền khoảng 100 triệu đồng.
Ông Hoàng Văn Trường, thôn Chè Lân, xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc xúc động: Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, nhà ở chật hẹp và dột nát. Nhờ được hội quan tâm hỗ trợ 50 triệu đồng, gia đình tôi đã xây mới được căn nhà cấp 4 rộng 60 m2. Có nhà mới để ở giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống, yên tâm lao động và sản xuất. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo.
Theo thời gian, những người lính tham gia cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm xưa đã tuổi cao, sức yếu nhưng trong trí nhớ của họ vẫn luôn khắc sâu hình ảnh của những người đồng đội đã cùng vào sinh ra tử và những ngày đêm gian khổ trong chiến đấu. Để tổ chức hội luôn là ngôi nhà chung của mỗi hội viên, thời gian tới, Hội Chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tổ chức thêm nhiều hoạt động có ý nghĩa; quan tâm động viên nhiều hơn nữa cả về tinh thần và vật chất đến hội viên; không ngừng phát huy truyền thống cách mạng; tích cực giáo dục các thành viên trong gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và các quy định tại địa phương.
MINH ĐỨC