Hội chứng gan thận: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

Hội chứng gan thận: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh
16 giờ trướcBài gốc
1. Nguyên nhân gây hội chứng gan thận
Hội chứng gan thận - hepatic renal syntrome - HRS là tình trạng suy thận chức năng do hậu quả của sự rối loạn chức năng tuần hoàn và hoạt động quá mức của hệ thần kinh giao cảm và hệ renin-angiotensin. Mặc dù là tổn thương thận chức năng, hội chứng gan thận lại có tiên lượng rất tồi và điều trị hiệu quả duy nhất là ghép gan.
Nội dung
1. Nguyên nhân gây hội chứng gan thận
2. Triệu chứng hội chứng gan thận
3. Hội chứng gan thận có lây không?
4. Phòng ngừa hội chứng gan thận
5. Điều trị hội chứng gan thận
Các yếu tố thúc đẩy hội chứng gan thận cụ thể như sau:
Nhiễm trùng dịch cổ trướng (là nguyên nhân của 20% trường hợp hội chứng gan thận type 1).
Rút quá nhiều dịch cổ trướng mà không truyền bù plasma (15% trường hợp hội chứng gan thận type 1).
Các cuộc phẫu thuật lớn.
Xuất huyết tiêu hóa.
Sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm, lợi tiểu quá liều.
Hội chứng gan thận có nguy cơ cao xảy ra đối với các đối tượng là:
Người suy gan nặng hoặc có cổ trướng trước đó.
Người suy dinh dưỡng.
Người suy thận nhẹ trước đó.
Người có natri máu thấp, kali máu tăng, giảm áp lực keo máu hoặc tăng áp lực thẩm thấu niệu.
Bị giãn tĩnh mạch thực quản.
Hội chứng gan thận là tình trạng suy thận chức năng do hậu quả của sự rối loạn chức năng tuần hoàn và hoạt động quá mức của hệ thần kinh giao cảm.
2. Triệu chứng hội chứng gan thận
Triệu chứng hội chứng gan thận chủ yếu là tình trạng suy gan tiến triển với các biểu hiện vàng da, rối loạn đông máu, suy dinh dưỡng và hôn mê gan. Bị thiểu niệu, vô niệu, nước tiểu ít hơn 500ml/24h không cải thiện khi dùng lợi tiểu hoặc bù albumim.
Bệnh suy thận chức năng và thực thể sẽ không có biểu hiện cụ thể. Huyết áp động mạch giảm dẫn đến tình trạng suy tuần hoàn.
Khi xét nghiệm sinh hóa sẽ có biểu hiện suy chức năng gan. Biểu hiện suy thận cấp trước thận khi bị creatin máu tăng,... Các xét nghiệm loại trừ nguyên nhân gây suy thận khác.
Hội chứng gan thận có 2 type:
Đối với hội chứng gan thận type 1 đặc trưng bởi tình trạng suy thận tiến triển nhanh, nghĩa là tăng gấp đôi nồng độ creatinin huyết thanh ban đầu lên mức trên 226mcmol/l trong vòng 2 tuần. Hội chứng gan thận type 1 có thể xuất hiện tự phát, nhưng thường sau các yếu tố thúc đẩy, đặc biệt là nhiễm trùng dịch cổ trướng.
Đối với hội chứng gan thận type 2 đặc trưng bởi tình trạng suy thận tiến triển ờ mức độ trung bình, nồng độ creatinin huyết thanh từ 133 - 226mcmol/l, thường tiến triển tự phát nhưng cũng có thể xuất hiện sau các yếu tố thúc đẩy. Hội chứng gan thận type 2 điển hình thường kèm cổ trướng dai dẳng.
Tuy nhiên, tiên lượng của hội chứng gan thận type 1 là rất nặng, còn đối với bệnh nhân hội chứng gan thận type 2 thường ngắn hơn bệnh nhân xơ gan không có suy thận nhưng tốt hơn hội chứng gan thận type 1.
Để xác định hội chứng gan thận dựa vào các kết quả xét nghiệm sau: Xơ gan có cổ trướng; Không có tình trạng sốc; Gần đây hoặc hiện tại không sử dụng các thuốc độc với thận; Không có bệnh lý nhu mô thận (biểu hiện protein niệu > 0,5g/ngày, đái máu vi thể (> 50 hồng cầu trên 1 vi trường) hoặc có bất thường thận trên siêu âm).
3. Hội chứng gan thận có lây không?
Nguyên nhân khiến cho hội chứng gan thận là do tình trạng nhiễm trùng dịch cổ trướng, xuất huyết tiêu hóa, do thuốc…. không phải là bệnh lây nhiễm nên không lây.
4. Phòng ngừa hội chứng gan thận
Để giảm nguy cơ mắc hội chứng gan thận cần hạn chế uống rượu bia. Chế độ ăn uống lành mạnh tránh ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo, đường và chất bảo quản.
Tiêm phòng viêm gan A và B vì nhiễm có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng. Tránh dùng thuốc gây độc cho thận, không lạm dụng thuốc, đặc biệt là acetaminophen. Duy trì cân nặng ổn định, tập thể dục thể thao thường xuyên.
Ngoài ra, cần khám sức khỏe định kỳ để sàng lọc bệnh béo phì, tình trạng cholesterol cao, huyết áp cao, tiểu đường…Theo dõi chức năng thận thường xuyên.
5. Điều trị hội chứng gan thận
Tùy từng bệnh nhân mắc hội chứng gan thận cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp.
Đối với hội chứng gan thận type 1: Biện pháp triệt để nhất để điều trị hội chứng gan thận là ghép gan. Điều trị duy trì bằng cách truyền albumin và sử dụng thuốc co mạch trong khi chờ ghép gan.
Có thể làm TIPS nếu bệnh nhân không có suy gan nặng và thất bại với điều trị thuốc co mạch.Hội chứng gan thận type 1 không sử dụng thuốc lợi tiểu. Chạy thận nhân tạo nếu có phù phổi cấp, tăng kali máu nặng hoặc toan chuyển hóa không đáp ứng điều trị.
Đối với hội chứng gan thận type 2: Ghép gan, hạn chế muối, chỉ điều trị cổ trướng bằng lợi tiểu khi natri niệu > 30 mEq/l. Kết hợp chọc tháo dịch cổ trướng và truyền albumin khi có cổ trướng lớn. Hạn chế dịch trong hạ natri máu. Thuốc co mạch hoặc TIPS có thể cân nhắc sử dụng khi chờ ghép gan
Để hạn chế hội chứng phát triển nặng hơn, những biện pháp được áp dụng gồm có:
Sử dụng thuốc kháng sinh và được chỉ định truyền albumin đối với những bệnh nhân bị xơ gan và bị nhiễm trùng dịch cổ trướng.
Áp dụng bồi hoàn thể tích đối với những tình trạng bị mất dịch ví dụ như ỉa chảy hay bị xuất huyết tiêu hóa.
Hạn chế sử dụng các loại thuốc có công dụng lợi tiểu quá mức để tránh làm mất dịch.
Không sử dụng những loại thuốc mang tính độc hại đối với thận ví dụ như NSAIDs hay aminoglycosides.
BS Nguyễn Văn Long
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/hoi-chung-gan-than-nguyen-nhan-bieu-hien-cach-dieu-tri-va-phong-benh-169250323102516109.htm