1. Nguyên nhân gây hội chứng Mallory Weiss
Hội chứng Mallory Weiss là tình trạng bệnh lý xuất huyết tiêu hóa, biểu hiện bằng nôn máu tươi hay tiêu phân đen. Hội chứng này được 2 tác giả người Mĩ là Mallory và Weiss báo cáo lần đầu vào năm 1929 trên bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa vùng tâm vị kèm theo thoát vị hoành do nôn ói nhiều lần sau uống rượu.
Hội chứng Mallory Weiss chiếm khoảng 8 - 15% trong tổng số trường hợp xuất huyết tiêu hóa trên. Trong đa số các trường hợp, chảy máu có thể tự cầm. Tuy nhiên, chảy máu dữ dội có thể xảy ra ở khoảng 10% số bệnh nhân mắc hội chứng này.
Các nguyên nhân chủ yếu gây ra là do nôn mửa, ho, co giật, chấn thương bụng, căng thẳng, đại tiện khó, hồi sinh tim phổi. Cùng với đó các yếu tố nguy cơ góp phần thúc đẩy tình trạng này như: Uống rượu, thoát vị dạ dày gián đoạn, ăn uống vô độ thiếu kiểm soát, chứng đái dầm, hay hội chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Trong đó uống rượu nặng được coi là một trong những yếu tố gây nguy cơ quan trọng nhất, vì khoảng 50% đến 70% bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng Mallory Weiss đều có tiền sử uống rượu.
2. Triệu chứng của hội chứng Mallory Weiss
Triệu chứng điển hình nhất của Mallory Weiss là nôn ra máu và đi tiêu ra máu. Một số triệu chứng khác cũng có thể gặp là:
NỘI DUNG:
1. Nguyên nhân gây hội chứng Mallory Weiss
2. Triệu chứng của hội chứng Mallory Weiss
3. Hội chứng Mallory Weiss có lây không?
4. Phòng ngừa hội chứng Mallory Weiss
5. Điều trị hội chứng Mallory Weiss
Đau bụng.
Đau vùng xương ức.
Ăn uống khó tiêu.
Ngất.
Nhịp tim tăng nhanh.
Huyết áp tụt.
Sốc vì mất máu.
Nôn ra máu là triệu chứng thường gặp nhất của vết rách Mallory Weiss. Những chất nôn đầu tiên có thể không có máu, nhưng sau đó chất nôn có thể lẫn máu. Ban đầu nôn ra máu có thể không phải là do vết rách Mallory Weiss, nhưng có thể là nguyên nhân gây ra vết rách. Thông thường máu nôn ra có màu đỏ tươi, bởi vì máu không bị trộn lẫn với các enzymes và acid dạ dày.
Phân lẫn máu cũng có thể gặp nhưng ít gặp hơn nôn ra máu. Thông thường máu chảy ra từ vết rách, xuống ống tiêu hóa và đại tràng. Nếu như lượng máu chảy ra quá nhiều sẽ khiến phân có màu đen và đặc lại. Khi chảy máu nhiều và nhu động ruột tăng cao, chẳng hạn như trong tiêu chảy, máu có thể xuống đại tràng nhanh chóng hơn. Lúc này phân có màu đỏ tươi.
Tất cả các nguyên nhân làm tăng áp lực trong dạ dày, nôn và nấc kéo dài, đều có thể gây ra hội chứng Mallory-Weiss.
3. Hội chứng Mallory Weiss có lây không?
Hội chứng Mallory Weiss không phải là bệnh lây nhiễm nên không lây.
4. Phòng ngừa hội chứng Mallory Weiss
Để dự phòng xuất huyết tiêu hóa nói chung và hội chứng Mallory Weiss nói riêng thì thói quen sống, sinh hoạt, chế độ ăn uống lành mạnh là vô cùng quan trọng, bao gồm:
Ăn uống khoa học, trong đo ưu tiên chế độ ăn giàu chất xơ, vitamin.
Hạn chế uống rượu bia, đồ ăn nhanh (gà rán, thịt đông lạnh…); hạn chế ăn cay, nóng, chua, mặn gây hại cho dạ dày, ruột hoặc các thực phẩm gây kích thích dạ dày khác.
Duy trì chế độ vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ giúp nhu động ruột hoạt động thuận lợi.
Không ăn quá no hoặc để bụng quá đói, không vận động mạnh hoặc nằm ngay sau khi ăn để tránh nguy cơ đau dạ dày, trào ngược dạ dày - thực quản.
Giữ thói quen chăm sóc hệ tiêu hóa để nâng cao miễn dịch bằng cách tẩy giun theo định kỳ, bổ sung men tiêu hóa, collagen và các loại vitamin…
Khi có các triệu chứng nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa, cần tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời:
Phân lẫn máu hoặc lau giấy có dính máu, phân màu đen bóng.
Nôn ra máu.
Xanh xao, chóng mặt, mệt mỏi.
Đau ngực.
Đau bụng.
Vã mồ hôi, chân tay yếu.
Tụt huyết áp, ngất xỉu nếu xuất huyết trầm trọng.
5. Điều trị hội chứng Mallory Weiss
Hội chứng Mallory Weiss là một cấp cứu tiêu hóa, nên việc ổn định huyết động bằng truyền dịch hoặc truyền máu là mục tiêu đầu tiên và bắt buộc.
Bên cạnh đó EGD (Esophagogastroduodenoscopy - Nội soi đường tiêu hóa trên) được sử dụng trong chẩn đoán hội chứng Mallory Weiss và điều trị hội chứng này.
Điều trị bằng thuốc (ví dụ, liệu pháp chống nôn, ức chế axit) nên được bắt đầu ở tất cả bệnh nhân mắc hội chứng Mallory Weiss.
Các thuốc sử dụng đều không đặc hiệu cho vết rách Mallory Weiss.
Các loại thuốc ức chế tiết acid như thuốc ức chế bơm proton (PPI) và thụ thể H2 giúp giảm acid trong dạ dày.
Thuốc chống nôn để ngăn chặn buồn nôn và ói mửa.
Bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu hoặc làm tăng mức độ nghiêm trọng của mất máu như chất làm loãng máu có thể cần phải được dừng lại ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân cần sử dụng các loại thuốc đó để điều trị một loại bệnh mạn tính nào đó, thì phải dung dưới sự giám sát của bác sĩ.
Phẫu thuật ít khi cần thiết trong trường hợp vết rách Mallory Weiss, vì vết thương tự lành trong vài ngày. Phương pháp đốt điện, YAG laser và liệu pháp xơ hóa có thể ngăn chặn chảy máu nghiêm trọng và kéo dài liên tục.
Tuy nhiên, nếu bệnh không tự lành và vẫn tiếp tục chảy máu, cần phải sử dụng các liệu pháp cầm máu để bù lại lượng máu đã mất. Chỉ khi các phương pháp nội soi và liệu pháp cầm máu không mang lại kết quả mong muốn, lúc đó có thể tiến hành may vết rách.
Một người đã mất một lượng máu đáng kể cần nhịn ăn trước khi có hướng dẫn của bác sĩ. Bởi vì nội soi chẩn đoán yêu cầu bệnh nhân phải nhịn ăn. Sau đó mới bù lượng dịch đã mất sau. Thông thường không có một chế độ ăn uống nào cụ thể trong trường hợp bệnh nhân có vết rách Mallory Weiss, trừ trường hợp bệnh nhân bị viêm dạ dày – ruột.
BS Nguyễn Văn Long