Hồi chuông báo động từ những khu nhà tạm bợ

Hồi chuông báo động từ những khu nhà tạm bợ
20 giờ trướcBài gốc
Chiều 2-4, Công an TP HCM tiếp tục phong tỏa xung quanh các căn nhà bị cháy ở đường Mạc Vân, phường Xóm Củi, quận 8. Đây là những căn nhà được dựng lên bằng vách gỗ, mái lợp tôn.
Những cái chết thương tâm
Theo đại diện Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn - cứu hộ (PC07) Công an TP HCM, vào lúc 2 giờ 23 phút cùng ngày, một vụ hỏa hoạn đã bùng phát dữ dội tại căn nhà số 66B và lan sang căn nhà số 66C đường Mạc Vân. Ngay khi phát hiện cháy, người dân xung quanh đã nỗ lực dập lửa nhưng không thành.
Nhận được tin báo, PC07 đã nhanh chóng điều động 3 xe chữa cháy cùng 18 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường chỉ sau 3 phút. Đến khoảng 2 giờ 40 phút, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn.
Lực lượng chức năng xác định tại căn nhà số 66B có 7 người đang ngủ vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn. Bà Trần Thị Chánh (67 tuổi, ở căn nhà 66B) trên đường đi làm về phát hiện đám cháy và hô hoán. Rất may, 4 người trong gia đình đã kịp thoát ra ngoài. Sau khi dập lửa, công an vào bên trong và phát hiện 3 người đã tử vong, gồm: ông Hồ Anh Dũng (46 tuổi), chị Lê Trần Bích Trang (27 tuổi) và bé Võ Đăng Khoa (6 tuổi, con của chị Trang).
Theo lời kể của bà Hà, một người hàng xóm, chị Trang ngủ ở tầng trên cùng với 2 con nhỏ. Khi phát hiện cháy, chị đã bồng đứa con nhỏ chạy thoát ra ngoài an toàn. Tuy nhiên, chị đã quay trở lại để cứu đứa con 6 tuổi nhưng không may khói lửa đã chặn mất lối thoát của hai mẹ con. Bà Hà nghẹn ngào cho biết khi công an phá cửa, chị Trang vẫn đang ôm chặt con vào lòng. Ngoài ra, ông Dũng (con trai đầu của chủ nhà) ngủ ở tầng trệt và không kịp thoát ra ngoài.
Anh Trần Ngọc Sinh (36 tuổi, sống trong căn nhà bị cháy) chia sẻ gia đình anh đang ngủ thì nghe tiếng hô hoán. Lúc đó ngọn lửa đã bùng lên dữ dội. Anh cùng vợ đã nhảy từ tầng trên xuống đất để thoát thân và may mắn không bị thương. Anh nghi ngờ nguyên nhân vụ cháy có thể do chập điện.
Được biết, căn nhà số 66B là nhà tạm nằm trong dự án mở rộng đường Mạc Vân, có diện tích 12 m2 ở tầng trệt và 10 m2 gác lửng, được ngăn thành 3 phòng ngủ cho các thành viên trong gia đình. Vào thời điểm xảy ra cháy, tầng trệt có 3 xe máy và 1 xe đạp điện.
Đến 8 giờ 20 phút cùng ngày, đoàn lãnh đạo UBND - Ủy ban MTTQ TP HCM do ông Nguyễn Văn Được - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM - làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra hiện trường vụ hỏa hoạn tại Xóm Củi. Tại đây, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được đã thăm hỏi, động viên và trao 55 triệu đồng hỗ trợ gia đình các nạn nhân (50 triệu đồng cho hộ có người mất ở căn nhà 66B và 5 triệu đồng cho hộ bị ảnh hưởng ở căn nhà 66C). Số tiền này được trích từ Quỹ Cứu trợ TP HCM. Đồng thời, ông Nguyễn Văn Được cũng yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy, khắc phục hậu quả và hỗ trợ tối đa cho gia đình các nạn nhân.
Hiện trường vụ cháy ở Xóm CuỉẢnh: ANH VŨ
Còn đó những nỗi lo
Nguy cơ hỏa hoạn rình rập trong những căn nhà thiếu an toàn tại TP HCM, mà vụ cháy thương tâm ở phường Xóm Củi là một lời cảnh báo đau lòng. Thế nhưng thực tế, nhiều người vẫn phải chấp nhận rủi ro để bám trụ, mưu sinh. Điều này thể hiện rõ ở khu vực kênh Đôi (quận 8) - nơi tập trung hàng ngàn căn nhà tạm bợ, được xây dựng sơ sài.
Tại đây, nhiều hộ gia đình phải sống trong cảnh chen chúc, có khi 3-4 thế hệ dưới một mái nhà. Phần lớn nhà cửa được dựng lên bằng những vật liệu kém chất lượng như ván ép, tôn gỉ sét, dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Do thuộc diện giải tỏa nên các căn nhà này hầu như không được sửa chữa, cải tạo trong thời gian dài.
Bà Huỳnh Thị Năm - 67 tuổi, ngụ đường Phạm Thế Hiển, đã gắn bó với khu vực ven kênh Đôi hơn 45 năm - chia sẻ về cuộc sống khó khăn của gia đình 3 thế hệ. Dù luôn lo sợ hỏa hoạn nhưng hoàn cảnh khó khăn buộc bà "đành chịu" và đặt hy vọng vào chính sách hỗ trợ của thành phố để có nơi ở mới ổn định hơn.
Tương tự, ông Hứa An Bình - 65 tuổi, nhà trên đường Nguyễn Duy, cũng thuộc diện di dời - bày tỏ sự vui mừng trước dự án cải tạo kênh của thành phố, đồng thời cũng không khỏi trăn trở khi gia đình ông đã sinh sống ở đây qua 4 thế hệ, nên việc rời đi mang theo nhiều tiếc nuối về những kỷ niệm gắn bó. Tuy nhiên, việc ở lại cũng không phải là lựa chọn an toàn, khi kênh rạch ô nhiễm và nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn, gây lo lắng thường trực.
Ngoài kênh Đôi, những ngôi nhà trong các con hẻm chật hẹp trên đường Trần Đình Xu và Yersin, quận 1 cũng là nỗi lo thường trực.
Con hẻm chỉ rộng khoảng 1,5 m, các căn nhà ở đây san sát nhau, với diện tích chỉ 8-12 m² nhưng lại là nơi sinh sống của 6-8 người. Đa số các dãy nhà đã xuống cấp trầm trọng sau hàng chục năm sử dụng. Phòng ốc cũ kỹ, mái tôn thấp nóng bức, tường loang lổ, nứt nẻ. Lối đi vốn đã hẹp nay càng thêm chật chội bởi xe máy chen chúc, đồ đạc sinh hoạt ngổn ngang cùng bàn ghế nhựa cũ, chậu cây, thùng nước và quần áo phơi phóng. Bạt che nắng tạm bợ càng làm tăng thêm sự tù túng, thiếu sáng. Dây điện chằng chịt, trơ cả lõi.
Các ngôi nhà thường có bếp nấu ăn ngay trong phòng, cùng với đồ đạc sinh hoạt chất đầy, gây khó khăn cho việc di chuyển, đặc biệt nguy hiểm khi hỏa hoạn xảy ra. Nhiều nơi người dân còn rào kín cửa sổ, hàn chuồng cọp vì sợ trộm, vô tình bịt kín luôn lối thoát hiểm cho chính mình.
Ông Lê Văn Sang - 56 tuổi, quận 1, đã sống ở đây hơn 50 năm - chia sẻ rằng nhà quá nhỏ nên ông phải để xe bên ngoài. Ông cho biết người dân ở đây đều có ý thức phòng tránh hỏa hoạn nhưng thực tế thì khó có thể lường hết được.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình vừa ký Công điện số 27/CĐ-TTg (ngày 2-4-2025) của Thủ tướng Chính phủ về vụ cháy nhà dân tại số 66B và 66C Mạc Vân, phường Xóm Củi, quận 8, TP HCM.
Thay mặt Chính phủ và Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn.
Chính phủ yêu cầu chính quyền TP HCM chỉ đạo tổ chức thăm hỏi chu đáo, kịp thời động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần, tạo mọi điều kiện tốt nhất giúp sớm ổn định nơi ở, cuộc sống cho gia đình người bị nạn.
Nguy cơ cháy, nổ từ điện đến xe điện
Để phòng tránh hỏa hoạn, PC07 khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng điện và lửa. Khi ra khỏi nhà, cần kiểm tra kỹ lưỡng, khóa van gas và ngắt cầu dao điện. Trong sinh hoạt hằng ngày, tuyệt đối không đốt vàng mã, bao bì trong nhà và khu vực xung quanh; không tự ý câu mắc điện; cần thay mới hoặc sửa chữa các thiết bị, hệ thống điện đã xuống cấp, hư hỏng; đồng thời trang bị bình chữa cháy xách tay. Đối với các khu vực sản xuất, cần trang bị và bảo dưỡng đầy đủ thiết bị chữa cháy và thoát nạn; hạn chế tích trữ các chất dễ cháy, nổ như gas, xăng dầu, hóa chất trong khu dân cư. Ngoài ra, việc sử dụng điện tiết kiệm, tắt các thiết bị khi không sử dụng là một biện pháp hiệu quả để tránh tình trạng quá tải, gây nóng và chạm, chập.
Công an các địa phương đang tăng cường kiểm tra các phương án chữa cháy, tình trạng hoạt động của lực lượng và phương tiện chữa cháy tại chỗ, đặc biệt là tại các khu, cụm công nghiệp và cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, nhằm có kế hoạch xử lý kịp thời. Song song đó, việc xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy với các mô hình hiệu quả như tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng cũng được đẩy mạnh.
Đáng chú ý, một nguy cơ cháy, nổ đang ngày càng gia tăng là từ các phương tiện xe điện. KTS Trương Nam Thuận, Công ty CP Tư vấn Đầu tư Thiên Nam Anh, nhận định số vụ cháy, nổ liên quan xe điện đang tăng mạnh do sự cố pin, quá nhiệt khi sạc hoặc hỏng hóc hệ thống điện. Ông cho rằng các quy định về phòng cháy, chữa cháy hiện nay chưa theo kịp sự phát triển của loại phương tiện này và nếu không có giải pháp quản lý phù hợp, rủi ro sẽ ngày càng lớn. Để giảm thiểu nguy cơ này, ông đề xuất cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng xe điện, đặc biệt là pin và hệ thống sạc, đồng thời trang bị loại bình chữa cháy chuyên dụng có khả năng kiểm soát đám cháy từ pin lithium-ion.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/hoi-chuong-bao-dong-tu-nhung-khu-nha-tam-bo-196250402214237879.htm