Thông tin về việc Cơ quan CSĐT - Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên để điều tra về hành vi "Lừa dối khách hàng" không làm dư luận bất ngờ. Chỉ tiếc cho một người nổi tiếng, có nhiều hoạt động thiện nguyện bị vướng vào vòng lao lý khi tuổi đời còn khá trẻ.
Trước đó, hai nhân vật cũng nổi đình đám là Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng "Du mục") và Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs) đã bị Cơ quan CSĐT - Bộ Công an khởi tố về các hành vi "Sản xuất hàng giả là thực phẩm" và "Lừa dối khách hàng".
Việc Cơ quan CSĐT - Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam các cá nhân có liên quan trong vụ việc quảng cáo không đúng sự thật về công dụng của kẹo rau củ Kera do Công ty CP Asia Life và Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt (CER) sản xuất là hết sức cần thiết, kịp thời.
Hiện nay, trên không gian mạng xã hội tràn ngập quảng cáo "có cánh" về các sản phẩm từ thực phẩm chức năng, thuốc "chữa bách bệnh"… của những nghệ sĩ, người nổi tiếng.
Không phải những người này không biết việc quảng cáo của mình là không đúng sự thật, phóng đại công dụng của sản phẩm mà vì lợi ích được nhà sản xuất, phân phối trao cho họ quá nhiều nên bất chấp. Theo xác minh ban đầu, nhờ quảng cáo của những người này mà Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt bán được hơn 135.000 hộp kẹo Kera, thu về gần 18 tỉ đồng, trong đó riêng Nguyễn Thúc Thùy Tiên được trả hoa hồng gần 7 tỉ đồng.
Lẽ ra, càng là người nổi tiếng, những người này càng phải tuân thủ pháp luật, vì lợi ích cộng đồng và xã hội nhưng họ làm điều ngược lại vì lợi ích cá nhân. Không thể chấp nhận lý giải việc làm của họ là vì thiếu hiểu biết, không nhận thức hết hậu quả mà phải nói thẳng là chỉ vì tiền, họ cố ý thực hiện hành vi trái pháp luật.
Để xảy ra việc này, cần nhìn thẳng vào sự thật là trong một thời gian dài, các cơ quan chức năng đã chưa sát sao, chưa kịp thời ngăn chặn. Việc Cơ quan CSĐT - Bộ Công an khởi tố vụ án liên quan đến kẹo rau củ Kera là một khởi đầu cho việc lập lại trật tự, xóa bỏ quảng cáo bát nháo trên không gian mạng.
Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo dự kiến được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV. Tại điều 1 dự thảo luật có bổ sung khái niệm "Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo" và "Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng" là chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể, có hành vi trực tiếp quảng cáo, khuyến nghị, xác nhận các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên mạng hoặc trực tiếp quảng cáo bằng hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ, sử dụng có mục đích sinh lợi hoặc các hình thức khác theo quy định của Chính phủ.
Trong dự thảo luật lần này còn bổ sung một điều luật mới là điều 15a, về "Quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo". Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để ràng buộc trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Hy vọng rằng với sự nghiêm minh của pháp luật, sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng sẽ dẹp loạn nạn quảng cáo láo, bất chấp pháp luật, bất chấp lợi ích cộng đồng của người nổi tiếng.
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM)