Hỏi-đáp pháp luật: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật có quy định việc tạm ứng tiền lương hay không, cụ thể như thế nào?

Hỏi-đáp pháp luật: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật có quy định việc tạm ứng tiền lương hay không, cụ thể như thế nào?
7 giờ trướcBài gốc
Trả lời: Việc tạm ứng tiền lương được quy định tại Điều 101 Bộ luật Lao động năm 2019. Cụ thể như sau:
1. Người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.
2. Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 1 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 1 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.
Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.
3. Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.
* Bạn đọc Giàng Xuân Dính ở xã Năng Khả, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, hỏi: Quyền và nghĩa vụ của công dân khi thực hiện nghĩa vụ quân sự được quy định như thế nào?
Trả lời: Khi được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ quân sự, trở thành hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, công dân có quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 9 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015. Cụ thể như sau:
1. Hạ sĩ quan, binh sĩ được Nhà nước bảo đảm chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất hoạt động của QĐND.
2. Hạ sĩ quan, binh sĩ có nghĩa vụ:
a) Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, với Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao và thực hiện nghĩa vụ quốc tế;
c) Bảo vệ tài sản và lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức; bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật;
d) Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệnh, Điều lệ của QĐND;
đ) Học tập chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ; rèn luyện tính tổ chức, ý thức kỷ luật và thể lực; nâng cao bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu.
QĐND
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/hoi-dap-phap-luat-de-nghi-toa-soan-cho-biet-phap-luat-co-quy-dinh-viec-tam-ung-tien-luong-hay-khong-cu-the-nhu-the-nao-807877