Cuộc họp diễn ra theo yêu cầu của Pakistan, một nước ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Theo Đại sứ Pakistan tại Liên Hợp Quốc Asim Iftikhar, nước này sẽ thông báo với Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc về những diễn biến căng thẳng trong quan hệ với Ấn Độ, mà cụ thể là quyết định của Ấn Độ tạm ngừng hiệp ước chia sẻ nguồn nước. Phía Pakistan coi đây là “một hành động bất hợp pháp”, gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh khu vực.
“Một động thái như vậy gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với người dân Pakistan và sẽ không được dung thứ. Trên thực tế, nếu không được cộng đồng quốc tế kiểm soát, những hành động như vậy có nguy cơ tạo ra tiền lệ nguy hiểm có thể làm suy yếu các quyền hợp pháp của các quốc gia ven sông hạ lưu, có khả năng gây ra các cuộc xung đột toàn cầu mới về tài nguyên nước chung”, Đại sứ Iftikhar nói.
Lực lượng an ninh Ấn Độ hộ tống xe cứu thương chở thi thể các du khách thiệt mạng trong một vụ tấn công nghi do phiến quân thực hiện gần khu vực Pahalgam ở Kashmir. Ảnh: Reuters
Vụ tấn công khủng bố hôm 22/4 khiến 25 công dân Ấn Độ và một công dân Nepal thiệt mạng, cùng nhiều người khác bị thương đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á và đẩy quan hệ hai nước xuống mức thấp nhất kể từ năm 2019. Đây cũng là vụ tấn công đẫm máu nhất tại Ấn Độ kể từ vụ tấn công khủng bố Mumbai năm 2008. Ấn Độ cáo buộc Pakistan đứng sau vụ tấn công, điều mà Pakistan kiên quyết phủ nhận. Cả hai nước đã hạ cấp quan hệ ngoại giao, đe dọa đình chỉ các hiệp ước song phương, trục xuất công dân và mới đây nhất là đóng cửa không phận đối với các máy bay cả dân sự và quân sự của nhau. Các cuộc đấu súng nhỏ lẻ cũng đã được ghi nhận dọc Đường Ranh giới kiểm soát (LoC) trong những ngày qua.
Quân đội Pakistan đã đặt các lực lượng vào tình trạng báo động cao, song khẳng định sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân “nếu có mối đe dọa trực tiếp tới sự tồn tại của đất nước”. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi tuần trước cũng đã triệu tập cuộc họp với lãnh đạo cấp cao quân đội và lực lượng an ninh, khẳng định quyết tâm không khoan nhượng trong cuộc chiến chống khủng bố và cho phép quân đội được "tự do hành động" để đáp trả vụ tấn công khủng bố ở Kashmir.
“Tinh thần của Ấn Độ sẽ không bao giờ bị phá vỡ bởi chủ nghĩa khủng bố. Chủ nghĩa khủng bố sẽ không thoát khỏi sự trừng phạt. Mọi nỗ lực sẽ được thực hiện để đảm bảo công lý được thực thi. Toàn thể quốc gia kiên định với quyết tâm này”, Thủ tướng Modi nhấn mạnh.
Với lịch sử đối đầu quân sự dai dẳng, một khu vực tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ và cáo buộc về sự hỗ trợ khủng bố xuyên biên giới, nguy cơ bùng nổ xung đột toàn diện giữa Ấn Độ và Pakistan đang hiện hữu hơn bao giờ hết. Liên Hợp Quốc, Mỹ, Nga, Trung Quốc và chính phủ nhiều nước đang tích cực liên hệ với các bên nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua đã lần lượt có các cuộc điện đàm với các nhà ngoại giao hàng đầu Ấn Độ và Pakistan, khẳng định Nga sẵn sàng đóng vai trò trong việc hạ nhiệt căng thẳng giữa 2 quốc gia láng giềng Nam Á.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn Fox News, phó Tổng thống Mỹ JD Vance cho biết: “Chúng tôi vẫn đang liên lạc chặt chẽ với cả Ấn Độ và Pakistan. Chúng tôi hi vọng Ấn Độ sẽ phản ứng với cuộc tấn công khủng bố này theo cách không dẫn đến một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn, cũng như hi vọng Pakistan trong phạm vi có trách nhiệm của mình sẽ hợp tác với Ấn Độ để đảm bảo rằng những kẻ khủng bố đôi khi hoạt động trên lãnh thổ của họ bị truy đuổi và xử lý”.
Ấn Độ và Pakistan đều sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng chủ yếu nhằm mục đích răn đe. Bất chấp căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ, Ấn Độ và Pakistan vẫn duy trì một hiệp ước quan trọng cấm tấn công các cơ sở hạt nhân của nhau và hàng năm vẫn tiến hành trao đổi danh sách các cơ sở hạt nhân. Tuy nhiên, không quốc gia nào là bên ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu nhằm ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân và công nghệ vũ khí.
Thu Hoài/VOV1