Kỳ họp giữa năm 2025 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An xem xét, quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng.
Tại phiên họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An sẽ xem xét, thông qua 20 nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội; trong đó có nhiều nghị quyết có nội dung liên quan đến việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, như: Nghị quyết về việc giao điều chỉnh kế hoạch trung hạn giai đoạn năm 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2025 (bao gồm kế hoạch đầu tư công năm 2025 được cấp có thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2025) của ngân sách cấp huyện vào ngân sách cấp tỉnh hoặc xã.
Nghị quyết điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2025 sau khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình .
Nghị quyết về Chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An năm 2026. Hội đồng nhân dân tỉnh tiến hành giám sát chuyên đề về việc tổ chức vận hành chính quyền địa phương hai cấp; công tác quản lý tài sản công; bố trí và giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ việc sau sắp xếp. Thời gian tổ chức giám sát vào 6 tháng cuối năm 2026.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu khai mạc kỳ họp.
Liên quan đến nội dung chất vấn, các đại biểu sẽ tập trung vào 2 nội dung đang được cử tri đặc biệt quan tâm, đó là: “Việc thực hiện cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; khắc phục các hạn chế và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” và “Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn trên địa bàn tỉnh”.
Trình bày Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, ông Bùi Thanh An, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2025, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh ước đạt 8,24% (xếp thứ 12/34 tỉnh, thành phố), cao hơn cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2024 (6,76%). Thu ngân sách nhà nước 13.909 tỷ đồng, đạt 78,5% dự toán, tăng 14,7% so cùng kỳ năm 2024.
Nhiều dự án mới được đi vào hoạt động, ổn định công suất góp phần tăng năng lực sản xuất, nhất là các nhà máy trong khu kinh tế, khu công nghiệp.
Có 35 dự án cấp mới và 98 lượt dự án điều chỉnh; tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 15.021,5 tỷ đồng.
Về đầu tư xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công: Các công trình, dự án, nhất là các công trình trọng điểm được tập trung chỉ đạo quyết liệt; trong đó Dự án Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An đã đi vào hoạt động từ tháng 6/2025; Dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn-Cửa Lò đang được đẩy nhanh tiến độ để khánh thành dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh 2/9.
Tính đến ngày 30/6/2025, tổng nguồn vốn đầu tư công đã giải ngân hơn 3.907 tỷ đồng, đạt 43,09% so kế hoạch vốn đã giao chi tiết và đạt 39,06% so tổng kế hoạch.
Các đại biểu tham dự kỳ họp.
Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cũng cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần phải tập trung giải quyết trong thời gian tới, như: Tốc độ tăng trưởng khá nhưng chưa đạt kịch bản 6 tháng đề ra, tạo áp lực lên việc thực hiện kịch bản tăng trưởng các quý còn lại và mục tiêu tăng trưởng 10,5% vẫn còn nhiều thách thức.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, có 231 doanh nghiệp giải thể, tăng so cùng kỳ năm 2024; có 447 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.
Cùng với đó là tiến độ thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn còn gặp khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, như: Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 7, dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 46 đoạn Vinh-Nam Đàn, đường ven biển, hồ chứa nước Bản Mồng...). Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn nước ngoài, Chương trình mục tiêu quốc gia ... còn chậm.
Kỳ họp thứ 31 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An diễn ra từ ngày 9 đến 10/7.
TRẦN TRUNG HIẾU