Video: Hối hả thi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giữa rừng núi hiểm trở
Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang là dự án trọng điểm quốc gia, được kỳ vọng sẽ giúp thay đổi diện mạo vùng phía Bắc tỉnh Tuyên Quang và toàn bộ tỉnh Hà Giang. Dự án có tổng chiều dài gần 105 km, trong đó có 27,5 km thuộc tỉnh Hà Giang, chủ yếu đi qua vùng núi hiểm trở.
27,5 km cao tốc trên địa phận tỉnh Hà Giang được chia thành nhiều đoạn thi công cùng lúc. Tại công trường đoạn cao tốc đi qua xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, dù là ngày nghỉ Chủ nhật (10/11), rất đông các phương tiện, máy móc vẫn đang tập trung thi công.
Theo ông Lê Mạnh Dũng, quyền Giám đốc BQLDA ĐTXD Công trình giao thông tỉnh Hà Giang, hiện có hơn 300 phương tiện, máy móc cùng hàng nghìn nhân lực đang thi công trên hàng chục công trường cao tốc thuộc địa phận Hà Giang.
Kỹ sư, máy xúc, xe tải đang làm việc trong ngày nghỉ Chủ nhật (10/11). BQLDA ĐTXD Công trình giao thông tỉnh Hà Giang cho biết, toàn bộ các công trường đều duy trì chế độ làm việc "3 ca 4 kíp", làm cả ban ngày và buổi tối, không có ngày nghỉ.
Ngoài địa hình rừng núi hiểm trở, việc thi công dự án còn có khó khăn vì lý do thời tiết. Phần lớn trong số 27,5 km cao tốc qua Hà Giang nằm trên địa bàn huyện Bắc Quang - vùng đất được mệnh danh là "rốn mưa", số ngày mưa trung bình lên tới 200 ngày/năm, cao nhất cả nước.
Dịp này, tranh thủ thời tiết khô hanh, chính quyền tỉnh Hà Giang phát động cao điểm thi công với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đạt mốc thời gian cuối năm 2025 sẽ hoàn thành, đưa cao tốc vào sử dụng.
Tại công trường một đoạn cao tốc giữa rừng núi của huyện Bắc Quang, rất đông xe tải, máy xúc đang hối hả thi công tạo dựng mặt bằng nền đường.
Công nhân đang thi công một cầu cạn thuộc cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Hôm 31/10, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang đã Nghị quyết điều chỉnh quy mô dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang từ 2 lên 4 làn xe nhằm bảo đảm phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Như vậy, sau khi Hà Giang điều chỉnh, toàn tuyến cao tốc có 4 làn xe, có dải phân cấp và làn dừng khẩn cấp.
Cùng với việc điều chỉnh nâng số làn xe, quy mô đầu tư cũng được điều chỉnh theo cấp đường cao tốc có tốc độ tính toán là 80 km/h. Nội dung điều chỉnh thiết kế bao gồm quy mô mặt cắt ngang đường cao tốc, công trình cầu, hệ thống ITS.
Theo BQLDA ĐTXD Công trình giao thông tỉnh Hà Giang, dự án nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Các lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND liên tục xuống hiện trường để nắm bắt tiến độ, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đôn đốc BQL cũng như các nhà thầu thi công đảm bảo đúng tiến độ, đúng yêu cầu chất lượng.
Để có mặt bằng thi công cao tốc, hàng trăm hộ gia đình đã di chuyển chỗ ở, nhường đất cho dự án. Về cơ bản, dự án nhận được sự hưởng ứng lớn từ đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang, phản ánh sự mong mỏi của người dân nơi đây về một con đường giao thông thuận tiện, sau nhiều thập kỷ chỉ có Quốc lộ 2 là tuyến kết nối độc đạo.
Một đoạn cao tốc đang thành hình trên vùng đất phong cảnh nước non hữu tình.
Ngoài thi công ban ngày, các công trường đều duy trì chế độ làm buổi tối đến khoảng 22h.
Một trong những công trình lớn nhất của cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang là công trình cầu bắc qua sông Lô tại xã Tân Quang (huyện Bắc Quang). Tới nay, công trình đã thi công xong các trụ cầu.
Video: Cảnh rừng núi kỳ vĩ quanh công trường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang