Hội nghị thượng đỉnh Ramstein bị hoãn: Phương Tây thay đổi quan điểm về Ukraine?

Hội nghị thượng đỉnh Ramstein bị hoãn: Phương Tây thay đổi quan điểm về Ukraine?
5 giờ trướcBài gốc
Phần nổi của tảng băng chìm
Nhóm Ramstein, do Mỹ khởi xướng sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022, hiện bao gồm khoảng 50 quốc gia. Các quốc gia này triệu tập thường xuyên để phối hợp thực hiện các yêu cầu của Kiev về thiết bị quân sự với sự đóng góp từ các quốc gia tài trợ.
Theo Dmitry Kochegurov, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Mỹ và Canada thuộc Việt Hàn lâm Khoa học Nga nhận định, hai cơn bão Helen và Milton càn quét các bang miền Đông Nam nước Mỹ trở thành lý do không thể phù hợp hơn để Tổng thống Biden hủy chuyến công du tới Đức, đặc biệt là cuộc gặp Ramstein, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau bão. Thực chất, đây là phần nổi của tảng băng chìm, bởi lẽ nếu muốn thì sẽ không có cơn bão nào có thể ngăn cản ông Biden bay đến, ít nhất trong 1 ngày, hoặc hội đàm trực tuyến. Rõ ràng, thông qua việc hủy cuộc gặp Ramstein, ông Biden muốn tạo áp lực với Tổng thống Zelensky để điều chỉnh kế hoạch của mình theo hướng cần thiết cho phương Tây và không đòi hỏi bất kỳ nguồn lực đầy tham vọng nào.
Trước đó trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 9/2024, Tổng thống Zelensky đã trình bày “kế hoạch chiến thắng”, mà theo Reuters, bao gồm: đảm bảo an ninh cho Ukraine từ phương Tây, “tương tự như hiệp ước phòng thủ chung khi gia nhập NATO”, việc tiếp tục hoạt động của lực lượng vũ trang Ukraine tại các khu vực biên giới, nhất là tại Kursk, hỗ trợ tài chính quốc tế cho Ukraine và cuối cùng là yêu cầu về một số loại vũ khí hiện đại “cụ thể”.
Tuy nhiên, xét đến cục diện chiến sự hiện nay, Mỹ/phương Tây thừa nhận rằng, việc quân đội Ukraine giành chiến thắng hoàn toàn trước quân đội Nga trên chiến trường là điều không thể xảy ra, cho dù Mỹ/phương Tây có tiếp tục viện trợ mạnh mẽ cho Ukraine đi chăng nữa.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy thời gian gần đây phương Tây đang dần giảm bớt sự ủng hộ đối với Ukraine. Ở cấp độ tuyên bố, bài phát biểu của nhiều nhà lãnh đạo, so với năm 2022 hoặc thậm chí năm 2023, thực sự có vẻ ít mang tính chiến đấu hơn. Ở Mỹ và châu Âu, dường như đã bắt đầu có sự thay đổi nhận thức rằng, lực lượng vũ trang Ukraine rõ ràng sẽ không thể giành chiến thắng trên chiến trường. Mặt khác, nếu nhìn vào cục diện chiến sự hiện nay, thì việc Mỹ và Anh tiếp tục trì hoãn, không cho phép quân đội Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của các nước này tấn công sâu vào lãnh thổ Nga là một động thái đáng chú ý.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác giải thích cho quyết định của Tổng thống Biden có lẽ liên quan đến chạy đua vào Nhà Trắng đang bước vào giai đoạn nước rút nhạy cảm. Giới quan sát cho rằng, hai cơn bão Helen và Milton được cho là đòn giáng mạnh vào uy tín của đảng Dân chủ. Người dân Mỹ không hài lòng khi đảng Dân chủ chú ý quá nhiều đến chính sách đối ngoại và ít quan tâm đến những gì đang diễn ra trong nước. So với các đợt viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ USD đang được gửi đến Ukraine và Trung Đông, 45 triệu USD được phân bổ cho công tác cứu hộ khắc phục hậu quả sau bão có vẻ là một số tiền rất khiêm tốn. Do đó, nếu Tổng thống Biden tới thăm Đức, tham dự hội nghị Ramstein cùng các cam kết tăng cường viện trợ cho Ukraine sẽ càng làm gia tăng sự phản ứng tiêu cực từ cử tri trong nước, và điều này hoàn toàn bất lợi cho ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Kịch bản cho cuộc xung đột Nga - Ukraine
Tờ Izvestia dẫn nhận định của Andrei Kortunov, Giám đốc khoa học của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga cho rằng, hội nghị thượng đỉnh Ramstein bị hoãn là bước lùi của Ukraine vào thời điểm then chốt. Các quyết định chiến lược-quân sự đối với Ukraine có thể không được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Ramstein, nhưng cuộc họp này vẫn có tầm quan trọng rất lớn đối với quân đội Ukraine và cá nhân Tổng thống Zelensky. Ông Zelensky cần tận dụng những cuộc gặp như thế này để nâng cao vị trí, cố gắng kêu gọi sự hỗ trợ của phương Tây để kéo dài xung đột; bởi lẽ, nhiều ý kiến cho rằng sự nghiệp chính trị của ông Zelensky gắn liền với tình hình chiến sự ở miền Đông Ukraine.
Có cùng quan điểm trên, ông Dmitry Kochegurov cho rằng, đã đến lúc chính quyền Tổng thống Ukraine Zelensky tính tới phương án đàm phán với Nga nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay. Có thể khẳng định, kể từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai đến nay, chưa một bên tham chiến nào trong các cuộc xung đột trên toàn thế giới nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ như những gì mà Ukraine đã nhận được từ các nước phương Tây. Không chỉ hỗ trợ tài chính, nhân đạo, phương Tây còn cung cấp cho quân đội Ukraine đủ mọi chủng loại vũ khí hiện đại cần thiết, từ các loại vũ khí cá nhân cho đến khí tài hạng nặng, bao gồm cả những loại vũ khí tấn công tầm xa. Sẽ không quá khi nói rằng, sự hậu thuẫn của phương Tây giúp chính quyền Ukraine gần như chỉ phải tập trung duy nhất vào việc chiến đấu chống lại Nga, trong khi một phần nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của bộ máy chính quyền Ukraine cũng được cung cấp bởi các nước phương Tây. Tuy nhiên, trong bối cảnh quân đội Ukraine tiếp tục ở thế bất lợi trên nhiều mặt trận, các vấn đề khó khăn trong nước đã khiến Mỹ và các nước phương Tây dần cảm thấy áp lực từ gánh nặng tài chính trong việc viện trợ tài chính, quân sự cho Ukraine.
Hiện nay, truyền thông giới phân tích chính trị nói nhiều về hai kịch bản có thể kết thúc cuộc xung đột Nga - Ukraine. Kịch bản thứ nhất là các bên nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán, chấm dứt chiến sự, thành lập khu phi quân sự, bảo đảm chủ quyền và độc lập cho Ukraine, đồng thời Ukraine từ bỏ các yêu sách lãnh thổ và bảo đảm tình trạng trung lập của đất nước. Điều này đồng nghĩa với việc Ukraine quay về trạng thái trước khi xung đột xảy ra, từ bỏ giấc mơ gia nhập NATO và EU, và tất nhiên điều này sẽ khó được chấp nhận từ phía chính quyền Tổng thống Zelensky. Tuy nhiên, một số phương tiện truyền thông Mỹ đã đánh giá công thức hòa bình này là thực tế, đầy hứa hẹn và chính ứng viên Phó Tổng thống của đảng Cộng hòa J.D. Vance cũng đã từng đưa ra công thức này tại một cuộc vận động tranh cử.
Kịch bản thứ hai là việc Ukraine chấp nhận nhượng bộ một phần lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của Nga và Ukraine gia nhập NATO. Thực tế trong giới chính trị Ukraine hiện nay, mặc dù không triệt để, song quan điểm, nhận thức có vẻ như đang thay đổi. Tân Ngoại trưởng Andrei Sibiga được cho là cởi mở hơn nhiều với những thỏa hiệp về lãnh thổ so với người tiền nhiệm Dmitry Kuleba. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông phương Tây đang ngày càng nói nhiều về một “thỏa thuận lớn”, trong đó có “sự đồng ý của Ukraine với thực tế hiện tại trên chiến trường”. Họ cũng viết rằng các mục tiêu của Ukraine trong cuộc xung đột đang thay đổi do các đối tác phương Tây không hỗ trợ đầy đủ cho lực lượng vũ trang Ukraine. Theo báo chí đưa tin, vào tháng 9/2024, quân đội Ukraine chỉ nhận được 10 triệu Euro hỗ trợ từ các đối tác quốc tế - đây là con số thấp nhất kể từ khi xung đột quân sự Nga - Ukraine nổ ra. Chính Tổng thống Zelensky, người năm 2023 đã dứt khoát từ chối đối thoại với Nga, nhưng hiện nay đã thừa nhận khả năng này. Được biết, Ukraine dự định tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình mới vào cuối năm 2024, thể hiện mong muốn có sự tham gia của đại diện từ phía Nga.
Hùng Anh (CTV)
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/hoi-nghi-thuong-dinh-ramstein-bi-hoan-phuong-tay-thay-doi-quan-diem-ve-ukraine-227401.htm