Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
5 giờ trướcBài gốc
Dự tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí: Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX; báo cáo viên Trung ương đơn vị tỉnh, báo cáo viên cấp tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội; một số doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học công nghệ KHCN và CĐS trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu dự tại điểm cầu Cao Bằng.
Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024, nhấn mạnh phát triển KHCN, ĐMST và CĐS đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo thống kê, cả nước có 423 tổ chức nghiên cứu và phát triển với quy mô khác nhau; gần 900 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ; khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp và sáng tạo; 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 24 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo… Năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và 71/193 quốc gia về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; công nghiệp công nghệ số đạt doanh thu 152 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử đạt 132 tỷ USD.
Tuy nhiên, tốc độ và sự bứt phá về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS còn chậm; quy mô, tiềm lực, trình độ còn khoảng cách xa so với nhóm các nước phát triển; nghiên cứu, ứng dụng KHCN, ĐMST chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi. Hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế; an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức...
Nghị quyết nêu 5 nhóm mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó, xác định 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, gồm: Nâng cao nhận thức, đột phá đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia. Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia. Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia. Đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KHCN, ĐMST trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh. Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, ĐMST và CĐS trong doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị: Các cấ ủy, chính quyền cần cụ thể hóa Nghị quyết bằng các kế hoạch sát thực tiễn; biến kết quả triển khai thành tiêu chí để đánh giá thi đua khen thưởng; tăng cường giám sát, đánh giá thường xuyên, làm tốt công tác khen thưởng, xử lý nghiêm những sai phạm, thiếu trách nhiệm, không để đất nước bỏ lỡ cơ hội phát triển. Ngay trong năm nay, phải phân công nhiệm vụ cụ thể, thời gian hoàn thành, lựa chọn giải quyết những vấn đề rất căn cơ, tạo nền tảng cho giai đoạn 2026 - 2030, tạo khuyến khích cho năng suất lao động mới, tạo niềm tin cho xã hội.
Khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách để hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách, tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản của pháp chế KHCN, ĐMST và CĐS, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Có chính ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ưu tiên bố trí ngân sách cho KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia; nghiên cứu cơ chế cho mô hình đầu tư công, quản trị tư, đảm bảo các nhà khoa học có quyền chủ động nghiên cứu và ứng dụng công nghệ; tối ưu hóa nguồn lực và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ. Nhanh chóng triển khai nguồn nhân lực chất lượng cao để ban hành cơ chế thu hút nhân tài, đặc biệt là nhân tài KHCN, nhân tài đang ở nước ngoài, các chuyên gia quốc tế với các chính sách hấp dẫn, khơi dậy tinh thần yêu nước, cống hiến của các nhà khoa học...
An Lê
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/hoi-nghi-toan-quoc-ve-dot-pha-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-quoc-g-3174839.html