Hội nghị trực tuyến khắc phục hậu quả thiên tai do hoàn lưu bão số 3

Hội nghị trực tuyến khắc phục hậu quả thiên tai do hoàn lưu bão số 3
2 giờ trướcBài gốc
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở UBND tỉnh với các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Thạch; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Thạch phát biểu về biện pháp hỗ trợ thiên tai.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng thủ Dân sự, Phòng Chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão bão số 3 (Yagi), trên địa bàn tỉnh mưa lớn diện rộng, kéo dài từ ngày 8 - 10/9, xuất hiện lũ lớn trên các sông, suối, gây ngập lụt khu vực ven sông, vùng trũng thấp; kèm theo mưa lớn, sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng tại một số huyện gây thiệt hại về người, tài sản, hoa màu, công trình hạ tầng giao thông bị hư hỏng nặng nề…, ước thiệt hại trên 917 tỷ 642 triệu đồng.
Theo thống kê, thiên tai khiến 55 người chết, 18 người bị thương, 2 mất tích; 2.290 ngôi nhà bị thiệt hại; trên 2.237 ha lúa, hoa màu bị ngập; 40,14 ha cây trồng lâu năm (quế, hồi, keo, trúc...) bị sạt lở đồ, gãy; 17,45 ha diện tích nuôi cá; 1,75 ha diện tích nuôi cá ruộng; 26 lồng, bè nuôi cá các loại bị trôi, hư hỏng; 3.219 con gia súc, gia cầm bị chết do sạt lở, cuốn trôi; nhiều khu vực dân cư chia cắt, cô lập; nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi, hệ thống điện nước, thông tin liên lạc... bị hư hỏng. Có 49 điểm trường bị hư hỏng do sạt lở đất, ngập nước, tốc mái; 67 công trình thủy lợi bị hư hỏng, sạt lở vùi lấp, đổ gãy; 20 cầu dân sinh, 5 trạm y tế, 6 công trình nhà văn hóa xóm và 24 công trình khác bị sạt lở, hư hỏng, ngập nước...
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, tỉnh thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai công tác ứng phó, huy động trên 15.560 lượt người và các phương tiện tham gia khắc phục hậu quả thiên tai.
Đồng thời, tổ chức công tác hỗ trợ, cứu trợ đảm bảo ổn định sinh hoạt, đời sống người dân vùng bị thiên tai, sạt lở được các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương tích cực thực hiện với nhiều hình thức như: Kêu gọi, tổ chức tiếp nhận, cấp phát hàng cứu trợ của các tổ chức, nhà hảo tâm đến người dân các địa phương bị ảnh hưởng, đảm bảo ổn định đời sống, sinh hoạt cho các hộ dân bị thiệt hại.
Tại hội nghị, các địa phương kiến nghị: Tỉnh khẩn trương bố trí nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai; quan tâm, hỗ trợ con giống khôi phục sản xuất, xây mới nhà ở cho người dân ổn định đời sống; xem xét hỗ trợ thiệt hại về hoa màu cho nhân dân, hạ tầng về giao thông; đường giao thông ổn định dân cư xóm Nà Chào, xã Mỹ Hưng (Quảng Hòa) nguy cơ bị sạt trượt cao; khó khăn về kinh phí di dời các hộ dân trong vùng nguy cơ bị sạt lở, nâng mức hỗ trợ thiệt hại về hoa màu không khắc phục được; hỗ trợ huyện Bảo Lạc trang thiết bị y tế phun khử trùng tiêu độc môi trường, để nhân dân tái thiết, khôi phục phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Hội nghị thảo luận, bàn biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai các địa phương, cần nỗ lực và chủ động hơn nữa trong công tác lãnh, chỉ đạo tác khắc phục hậu quả thiên tai sau mưa lũ; có biện pháp khôi phục hệ thống giao thông, cần có phương án và huy động lực lượng tham gia; đối với khôi phục sản xuất diện tích canh tác, cần rà soát hỗ trợ kịp thời cho nhân dân bị ảnh hưởng hoa màu, các địa phương cần chủ động sát sao trong mọi tình huống, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ"…
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu kết luận.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh yêu cầu: Các địa phương cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy trong công tác phòng, chống thiên tai, nhất là việc bố trí nhà ở cho người dân, cần phân loại cụ thể cho các đối tượng thiệt hại tại các xã: Vũ Nông, Ca Thành (Nguyên Bình), nhà ở bị sập đổ hoàn toàn cần huy động bằng nhiều nguồn lực; nhà ở nguy hiểm phải di dời khẩn cấp theo từng mức độ; khu tái định cư, công trình hạ tầng về y tế, văn hóa, giáo dục cần thực hiện khẩn trương. Đối với việc khôi phục sản xuất nông nghiệp và ổn định đời sống, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu cơ chế chính sách, nâng mức hỗ trợ để đảm bảo sinh kế cho người dân và một số chính sách liên quan đến thuế, ngân hàng hỗ trợ khôi phục sản xuất kinh doanh…; các địa phương cần xây dựng phương án chi tiết tình hình thiệt hại cũng như nhu cầu khắc phục.
Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, xây dựng phương án đánh giá chi tiết theo ngành, lĩnh vực, kê khai chính xác minh bạch việc đề xuất hỗ trợ đầu tư khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là việc xác định nhu cầu hỗ trợ, kinh phí, huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn khác để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người dân ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Đề nghị các địa phương phát động các phong trào thi đua nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, đảng viên đầu tầu gương mẫu, phát huy tinh thần "tương thân, tương ái", tự lực, tự cường trong công tác phòng, chống thiên tai. Các sở, ngành liên quan sớm ban hành kế hoạch, phương án hỗ trợ, nguồn lực đầu tư công khai, minh bạch… để khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời, hiệu quả.
Tiến Mạnh
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/hoi-nghi-truc-tuyen-khac-phuc-hau-qua-thien-tai-do-hoan-luu-bao-so-3-3172375.html