Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 550 tỉ đồng từ nguồn ngân sách TP Hà Nội cam kết hoàn thành dự án trước tháng 9-2025 và đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xử lý đạt 50% lượng nước thải, tiến tới đạt 100% vào năm 2030.
Mới chỉ là giải pháp tình thế
Theo phương án được TP Hà Nội lựa chọn, tuyến ống dẫn nước sông Hồng từ cống qua đê đi hướng đường Võ Chí Công đưa nước vào đầu sông Tô Lịch tại vị trí cống qua đường Hoàng Quốc Việt. Trên tuyến Võ Chí Công có bố trí đầu chờ chia nước để theo tuyến ống dẫn nước đi theo ngõ 685 Lạc Long Quân (khu vực Lotte Mall Tây Hồ) và ngõ 612 Lạc Long Quân vào hồ Đầm Bảy xử lý trước khi vào hồ Tây.
Góp ý với đề xuất của Hà Nội, Bộ TN-MT cho rằng đây là việc làm cấp bách. Tuy nhiên, phương án này mới chỉ bổ cập bằng lượng nước thải được thu gom đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung, chưa giải quyết được vấn đề phục hồi dòng chảy, làm sống lại dòng sông Tô Lịch, tạo cảnh quan, duy trì dòng chảy. Vì vậy, đây mới chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt, chưa giải quyết một cách tổng thể, dài hạn để phục hồi dòng sông, tạo cảnh quan ven sông.
Phương án Hà Nội đề xuất để hồi sinh sông Tô Lịch. Ảnh: SỞ XÂY DỰNG HÀ NỘI
Trường hợp Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng theo phương án Hà Nội trình, Bộ TN-MT cho rằng cần rà soát bổ sung một số nội dung. Trong đó, bổ sung đánh giá đến nguy cơ gây sạt lở, bồi lắng khu vực sông Hồng khu vực cửa lấy nước của trạm bơm đầu mối đảm bảo công trình ổn định lâu dài và lấy nước liên tục trong điều kiện mực nước sông Hồng ngày càng hạ thấp. Đồng thời cần xem xét, bổ sung giải pháp sơ lắng nước sông Hồng trước khi bổ cập vào sông Tô Lịch.
Theo Bộ TN-MT, Viện khoa học thủy lợi Việt Nam đang nghiên cứu phương án phục hồi, kết nối sông Tô Lịch, hồ Tây và sông Hồng thông qua hệ thống trạm bơm và kênh dẫn không áp lực. Theo đó, phương án đề xuất phục hồi sông Tô Lịch cũng bằng cách bổ cập nước từ sông Hồng để tạo dòng chảy, cảnh quan và giao thông thủy nội địa quy mô cấp V. Phương án này cùng khoảng tổng mức đầu tư, vận hành và thời gian thi công (như phương án đề xuất của Hà Nội) nhưng lượng nước bổ cập có thể tối đa là 18 m3/giây (tương đương 1,5 triệu m3/ngày), với vận tốc trung bình 0,3 m duy trì mực nước trên sông từ trên 3,3 m đến trên 3,8 m. Phương án này có thể đáp ứng mục tiêu phục hồi nguồn nước, tạo cảnh quan, duy trì dòng chảy và bảo đảm phù hợp với các quy định.
Bộ Xây dựng đề nghị trong trường hợp phương án của Hà Nội được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện, đề nghị làm rõ việc thực hiện dự án đầu tư trạm bơm khu vực Cổ Nhuế theo quy hoạch; làm rõ cơ sở lựa chọn vị trí đặt trạm bơm dưới chân cầu Nhật Tân và việc vận hành trạm bơm bổ cập nước chủ yếu thực hiện vào mùa nước kiệt thì có ảnh hưởng như thế nào đến các công trình lân cận, đặc biệt là cầu Nhật Tân.
Nên lấy nước sông Đà để làm sạch sông?
Khác với phương án mà TP Hà Nội đưa ra, các nhà khoa học của Hội Cơ học Hà Nội đề xuất dẫn nước từ dòng chảy sông Đà vào sông Tô Lịch để cải thiện môi trường, chất lượng nước và giảm chi phí.
PGS-TS Khổng Doãn Điền, Chủ tịch Hội Cơ học Hà Nội, cho biết giải pháp của Hội Cơ học là lấy nguồn nước sông Đà qua cống Thuần Mỹ. Cống này nằm trên bờ hữu sông Đà tại huyện Ba Vì, có khả năng lấy khoảng 100 m3/giây nước từ sông Đà vào sông Tích, từ đó chảy tự nhiên về Sơn Tây. Nước sông Tích về Sơn Tây có dòng chảy hở tự do không áp nên tổn thất ít, sử dụng cống điều tiết để điều chỉnh mực nước ở Sơn Tây khoảng +10 m. Tại cống điều tiết Sơn Tây chuyển 40 m3/giây theo sông Tích về sông Bùi, còn 60 m3/giây theo đường trục quy hoạch Tây Thăng Long về đến sông Đáy xả 30 m3/giây, về đến sông Nhuệ xả 25 m3/giây, còn lại 5 m3/giây về sông Tô Lịch và Hồ Tây.
Sông Tô Lịch đang bị ô nhiễm trầm trọng. Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Theo phương án trên thì đoạn từ Sơn Tây về đến vành đai 4 (dài khoảng 20 km) là đất nông nghiệp, đã được cắm mốc chỉ giới, đoạn này làm kênh hở, dưới là kênh dẫn nước, trên là đường giao thông. Đoạn từ đường vành đai 4 đến đường Võ Chí Công ra sông Tô Lịch dài khoảng 10 km, làm kênh hộp hoặc xi phông đi ngầm dưới hè đường để tránh giải phóng mặt bằng và bảo đảm cảnh quan đô thị.
Ông Điền nhấn mạnh giải pháp này không chỉ tận dụng ưu thế tự nhiên mà vẫn bảo đảm chi phí vận hành thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế hiện tại. Sông Đà có cao trình nước cao hơn nhiều so với sông Hồng, cung cấp tới 40% lưu lượng dòng sông Hồng. Nguồn nước từ thủy điện Hòa Bình luôn bảo đảm ổn định và sạch sẽ, rất phù hợp cho việc cung cấp nước tự nhiên cho các dòng sông Hà Nội. "Ưu điểm của giải pháp này là chi phí thấp, hiệu quả cao khi sử dụng dòng chảy tự nhiên, không mất chi phí vận hành so với các trạm điện" - ông Điền nói.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Chiều 21-1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến về phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch. Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng nêu rõ việc xử lý ô nhiễm sông, hồ của Hà Nội là hết sức cấp bách, cần thiết, phải làm nhanh nhất có thể, nhưng phải bảo đảm mục tiêu môi trường, tính bền vững, hiệu quả kinh tế. Cùng với việc bổ cập nước sạch cho sông Tô Lịch, Hà Nội cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đi kèm như: nạo vét trầm tích đáy sông; thu gom, xử lý nguồn nước thải, nước mưa trước khi xả vào sông; cải tạo cảnh quan hai bên sông; rà soát, điều chỉnh, cập nhật các quy hoạch về cấp thoát nước...
Văn Duẩn