Hội thảo 'Khám phá những liên kết lịch sử, tâm linh, văn hóa của Phật giáo giữa Ấn Độ và Việt Nam'

Hội thảo 'Khám phá những liên kết lịch sử, tâm linh, văn hóa của Phật giáo giữa Ấn Độ và Việt Nam'
40 phút trướcBài gốc
Hòa thượng Thích Giác Toàn phát biểu khai mạc
Hiện diện chứng minh phiên khai mạc hội thảo có Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Giới, Phó Thư ký Hội đồng Chứng minh; Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN; Hòa thượng Thích Khế Chơn, Hòa thượng Thích Gia Quang đồng Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự; chư vị Ủy viên Thường trực, Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN; chư tôn đức lãnh đạo các Ban, Viện T.Ư, lãnh đạo các Phân viện, các Trung tâm trực thuộc Viện Nghiên cứu Phật học VN; chư Tăng Ni các nơi tham dự.
Ông Mahesh Chand Giri, Quyền Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM; đại diện các tổ chức giáo dục, các nhà nghiên cứu, học giả các giới, nhân sĩ trí thức, giảng viên các trường đại học trong và ngoài nước cùng Tăng Ni sinh, Phật tử tham dự.
Đại biểu tham dự
Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Giác Toàn cho biết Hội thảo quốc tế với chủ đề “Khám phá mối liên hệ lịch sử, tâm linh và văn hóa của Phật giáo giữa Ấn Độ và Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Phật học VN và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam phối hợp tổ chức để cùng nhau chia sẻ và đào sâu những giá trị cốt lõi đã kết nối hai nền văn hóa cổ kính và vĩ đại của phương Đông, đó là Ấn Độ và Việt Nam, thông qua di sản quý báu của Phật giáo.
Hòa thượng cũng chia sẻ thêm Viện Nghiên cứu Phật học VN đang hướng tới việc mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường giao lưu giữa các nền văn hóa, không chỉ trong phạm vi Phật học mà còn trong các lĩnh vực tri thức xã hội và nhân văn. Theo đó, nội dung hội thảo hôm nay là dịp để nhìn lại và đánh giá sâu sắc về mối quan hệ lịch sử, tâm linh đặc biệt giữa Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Việt Nam.
"Nhìn lại những gì Phật giáo đã mang lại, chúng ta có thể khẳng định rằng Phật giáo không chỉ là tôn giáo, mà còn là nhịp cầu kết nối văn hóa, tâm linh và trí tuệ giữa Ấn Độ và Việt Nam. Các giá trị nhân văn của Phật giáo: từ bi, trí tuệ và giải thoát đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng xã hội hài hòa, nhân ái và văn minh.", Hòa thượng Thích Giác Toàn nhấn mạnh.
Thượng tọa Thích Nhật Từ phát biểu đề dẫn
Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng, Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu Phật học VN, Trưởng ban Tổ chức hội thảo phát biểu đề dẫn cho biết Ban Tổ chức đã xây dựng nội dung vừa có tính khái quát, nhưng đồng thời cũng rất chi tiết, làm rõ quá trình tương tác, tiếp biến và những mục tiêu chung trong kho tàng văn hóa phong phú của 2 đất nước Việt Nam và Ấn Độ từ quá khứ đến hiện tại.
Mục đích hội thảo nhằm sáng tỏ những đóng góp của Phật giáo trong việc nối kết văn hóa, tâm linh giữa 2 quốc gia và vai trò của Phật giáo trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, xã hội... Hội thảo có 4 chuyên đề chính: "Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu: Cuộc đời và đạo nghiệp"; "Di sản Phật giáo chung: Sự phát triển Phật giáo từ Ấn Độ đến Việt Nam"; "Nghệ thuật, kiến trúc và đời sống thường nhật"; "Hành hương Phật giáo: Kết nối các di tích thiêng liêng".
Ông Mahesh Chand Giri, Quyền Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM phát biểu chúc mừng
Ông Mahesh Chand Giri, Quyền Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM thay mặt Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam phát biểu chúc mừng Viện Nghiên cứu Phật học VN 35 năm hình thành và phát triển đã có những cống hiến quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu và tâm linh.
"Ấn Độ vinh dự là quê hương của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và là nơi lưu giữ di sản to lớn về cuộc đời, giáo pháp, tư tưởng của Ngài, cùng với ảnh hưởng bất hủ của Ngài đối với nhân loại. Có thể nói, Đức Phật đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần, triết học, xã hội và công chúng ở Ấn Độ.", ông Mahesh Chand Giri nhận định.
Ông Mahesh Chand Giri cho biết hiện nay có hàng trăm Tăng Ni, học giả và sinh viên Phật giáo từ Việt Nam đã tham gia các chương trình cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ về Phật giáo, triết học, ngôn ngữ Pali và các lĩnh vực liên quan tại các trường đại học uy tín ở Ấn Độ. Qua đó cho thấy Phật giáo là cầu nối quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Hòa thượng Thích Gia Quang phát biểu
Thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Hòa thượng Thích Gia Quang phát biểu cho biết Hội thảo liên quan chủ đề Phật giáo 2 nước Việt Nam và Ấn Độ được tổ chức đúng dịp Kỷ niệm 35 năm thành lập Viện Nghiên cứu Phật học VN, là một vinh dự to lớn cho Viện được phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ.
Hòa thượng Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kỳ vọng các học giả, nhà nghiên cứu công bố các bài báo khoa học, các tham luận nghiên cứu làm sáng rõ hơn quá trình khám phá các liên kết lịch sử Phật giáo Ấn Độ và Việt Nam. Qua đó ngày càng vun bồi tình hữu nghị, mối quan hệ đặc biệt giữa 2 quốc gia Ấn Độ và Việt Nam trong quá khứ, giai đoạn hiện tại và hướng tới tương lai.
Hòa thượng cũng nhắc lại lời chia sẻ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi: “Thế gian cần hòa bình. Đi trên con đường hòa bình sẽ mang đến hạnh phúc cho muôn loài. Chiến tranh chỉ mang lại tàn phá, độc ác, chết chóc. Đạo Phật mang lại niềm hy vọng, ánh sáng niềm tin, hòa bình”. Qua hội thảo này, "Cộng đồng Tăng Ni, Phật tử Việt Nam sẽ góp phần trong việc phát huy di sản văn hóa Phật giáo, di sản văn hóa tâm linh tôn giáo trong thực tiễn, củng cố và xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc, mang lại hy vọng, ánh sáng và niềm tin vào sự thịnh vượng của Việt Nam và Ấn Độ trong kỷ nguyên mới.", Hòa thượng kỳ vọng.
Lễ khai mạc Hội thảo "Khám phá những liên kết lịch sử, tâm linh, văn hóa của Phật giáo giữa Ấn Độ và Việt Nam" diễn ra tại thiền đường thuộc pháp viện Minh Đăng Quang
Dịp này, bà Stuti Narain Kacker, Hiệu trưởng Đại học Swami Vivekanand Subharti cũng đã có tham luận gửi đến hội thảo. GS.Rajesh Ranjan, Hiệu trưởng Trường Đại học Nalanda Mahavihara, bang Bihar, Ấn Độ có lời chúc mừng thông qua video trực tiếp tại Ấn Độ.
Hội thảo nhận được 52 bài tham luận từ các học giả, nhà nghiên cứu tại Ấn Độ và Việt Nam xoay quanh 4 chủ đề; phiên chuyên đề của hội thảo sẽ tiếp tục sau phiên khai mạc, chiều cuối ngày hội thảo sẽ bế mạc.
Một số hình ảnh ghi nhận được:
Hội thảo "Khám phá những liên kết lịch sử, tâm linh và văn hóa của Phật giáo giữa Ấn Độ và Việt Nam" được tổ chức tại pháp viện Minh Đăng Quang (TP.Thủ Đức, TP.HCM)
Nguyện Truyền - Ảnh: Đồng Phát/Báo Giác Ngộ
Nguồn Giác ngộ : https://giacngo.vn/hoi-thao-kham-pha-nhung-lien-ket-lich-su-tam-linh-van-hoa-cua-phat-giao-giua-an-do-va-viet-nam-post73520.html