Hội thảo khoa học 'Bàn về danh xưng Bắc Giang qua các thời kỳ lịch sử'

Hội thảo khoa học 'Bàn về danh xưng Bắc Giang qua các thời kỳ lịch sử'
2 giờ trướcBài gốc
Tham dự hội thảo có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thị xã, TP.
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học, Nhà giáo Nhân dân (GS.TSKH. NGND) Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; đồng chí Giáp Ngọc Giang, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và đồng chí Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang chủ trì hội thảo.
Ban chủ trì hội thảo.
Đề dẫn do đồng chí Đỗ Tuấn Khoa trình bày tại hội thảo nhấn mạnh: Bắc Giang là vùng đất cổ nằm ở khu vực phía Đông Bắc của Việt Nam. Từ xưa vùng đất này thuộc đất Châu Lạng sau thuộc đất Kinh Bắc - một trong “tứ trấn” của Thăng Long (Hà Nội ) ngàn năm văn hiến.
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, vùng đất Bắc Giang luôn được coi là "phên giậu", “cửa ngõ” phía Bắc của Kinh thành Thăng Long, là vùng đất trọng yếu đóng vai trò quan trọng về chính trị, quân sự và kinh tế đối với các triều đại phong kiến, nhất là thời đại Lý - Trần.
Trong lịch sử, việc phân chia các đơn vị hành chính và tên gọi là việc rất quan trọng của mỗi quốc gia, dân tộc. Tổ chức phân chia các đơn vị hành chính và danh xưng (tên gọi) luôn có sự thay đổi cho phù hợp với từng thời kỳ, bảo đảm tính kế thừa và phát triển bền vững. Trải qua lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, vùng đất Bắc Giang ngày nay đã có nhiều tên gọi và địa giới hành chính khác nhau.
Quang cảnh hội thảo.
Qua nghiên cứu các sử liệu cho thấy: Lịch sử Bắc Giang trong tiến trình lịch sử dân tộc đã được nghiên cứu cơ bản đầy đủ, toàn diện và sáng tỏ. Tuy nhiên, thời điểm ra đời của danh xưng Bắc Giang với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc T.Ư từ khi nào vẫn là trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi của rất nhiều thế hệ lãnh đạo cùng người dân Bắc Giang.
Hội thảo nhằm tìm hiểu, nghiên cứu, trao đổi làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến danh xưng Bắc Giang qua các thời kỳ lịch sử; đồng thời, tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò và những đóng góp của tỉnh Bắc Giang trong tiến trình lịch sử dân tộc. Từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa để phát triển KT-XH tỉnh Bắc Giang trong thời kỳ mới.
Các nhà khoa học phát biểu ý kiến.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa đã phân tích về nguồn gốc lịch sử, các vấn đề liên quan đến danh xưng Bắc Giang trong lịch sử căn cứ từ nhiều nguồn tư liệu như: Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí, Địa lý hành chính Kinh Bắc, Đại Nam nhất thống chí, Quốc sử quán triều Nguyễn…
Theo TS. Lê Quang Chắn,Viện Sử học, danh xưng Bắc Giang xuất hiện đầu tiên gắn với sự kiện Triệu Đà xâm phạm lãnh thổ của vua Thục Phán An Dương Vương và gắn với truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy của nước ta. GS.TS Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán - Nôm; TS Nguyễn Văn Phong, Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, tên gọi Bắc Giang đã xuất hiện từ triều vua Đinh (968-980) là mở đầu thời kỳ độc lập, tự chủ, cả nước chia làm 10 đạo, trong đó có đạo Bắc Giang. Một số ý kiến khác cho rằng tên gọi Bắc Giang lần đầu tiên xuất hiện vào thời Tiền Lê… Các ý kiến phát biểu tại hội thảo cũng khẳng định vị thế, vai trò và những đóng góp của tỉnh Bắc Giang trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Thay mặt ban chủ trì hội thảo, GS.TSKH. NGND Vũ Minh Giang đánh giá các ý kiến đã bám sát chủ đề hội thảo, có nhiều thông tin, tư liệu và đề xuất mới có giá trị khoa học, thực tiễn sâu sắc. Qua đó cho thấy, danh xưng Bắc Giang đã xuất hiện từ rất sớm, trong đó tập trung vào 3 mốc thời gian là thời nhà: Đinh, Trần, Lê sơ. Căn cứ vào các tiêu chí và trong bối cảnh nhận thức khoa học hiện nay, các nhà khoa học thiên về đề xuất danh xưng Bắc Giang xuất hiện sớm nhất vào triều Đinh song để xác định thời gian cụ thể hơn cần tiếp tục nghiên cứu sâu kỹ.
Từ ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, GS.TSKH. NGND Vũ Minh Giang cũng khẳng định, Bắc Giang là vùng đất giàu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; là nguồn tài nguyên văn hóa vô giá, vô tận. Các cơ quan quản lý địa phương cần phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu lượng giá chính xác để đầu tư sáng tạo những sản phẩm văn hóa đặc sắc, đưa vào khai thác hiệu quả, phục vụ phát triển KT-XH, trong đó có du lịch.
Tin, ảnh: Lệ Thanh
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/hoi-thao-khoa-hoc-ban-ve-danh-xung-bac-giang-qua-cac-thoi-ky-lich-su-110836.bbg