Lấy cảm hứng từ chiếc bánh đúc mềm, mịn, dẻo, nhóm Space Design Archgroup đã chọn sự tối giản làm kim chỉ nam trong từng nét phác thảo. Trên nền diện tích 129m², công trình không phô trương bằng những đường nét cầu kỳ mà tập trung vào kết cấu tinh giản, đơn sắc, lược bỏ vẻ ngoài hào nhoáng để giữ lại những hình thức nguyên bản, thô mộc – điều gia chủ thực sự mong muốn tìm thấy trong tổ ấm của mình.
Giếng trời được bố trí tinh tế để gia tăng kết nối giữa ngôi nhà với các yếu tố tự nhiên
Ý tưởng chính trong kiến trúc của “Bánh Đúc House” là xếp chồng các khối nhỏ, tạo nên những lớp không gian liên kết tự nhiên với gió, nắng, mưa. Những “khối rỗng” được xếp chồng tinh tế trở thành “bẫy gió”, đưa luồng không khí len lỏi khắp ngôi nhà, giúp làm mát vào những ngày nắng nóng của Sài Gòn. Vào mùa mưa, nước mưa sẽ thông qua giếng trời rơi xuống hồ nước nhỏ đặt trong nhà, tạo nên sự giao thoa giữa thiên nhiên và không gian sống, ngay cả khi cửa đóng kín.
Vật liệu sử dụng trong ngôi nhà rất tối giản. Những bức tường trắng kết hợp cùng các tấm kính lớn giúp không gian mở rộng một cách tự nhiên. Ngôi nhà có thể khép kín để giữ sự riêng tư, nhưng khi mở hết các lớp cửa, không gian lập tức trở thành khối kiến trúc “hướng ngoại”, đón nhận trọn vẹn ánh sáng, gió trời, hơi thở thiên nhiên và cả nhịp sống xung quanh.
Các không gian như những "lớp bánh" xếp chồng lên nhau, đơn giản nhưng tạo nên một chỉnh thể giàu tính thẩm mỹ và tối ưu công năng
Khéo léo điểm xuyết cây xanh ở những vị trí đắt giá, “Bánh Đúc House” vẫn giữ được sự mộc mạc nhưng không hề đơn điệu. Chính những mảng xanh ấy trở thành điểm nhấn dịu mắt, đem đến cảm giác dễ chịu, cân bằng với nét thô mộc của tường trắng và kính, khơi gợi cảm hứng sống xanh cho bất kỳ ai đặt chân tới không gian này.
Một điểm đặc biệt khác trong thiết kế của ngôi nhà là sự kết hợp giữa “khối đặc” và “khối rỗng”. Các không gian sinh hoạt được đẩy vào bên trong, giảm bớt tác động của ánh nắng hướng Tây Nam, trở thành “khối đặc”. Phần diện tích dành cho sân vườn, mặt nước, ánh sáng và gió chính là “khối rỗng”, nơi các thành viên có thể tận hưởng sự thoáng đãng, giao hòa với thiên nhiên, thay vì tối đa hóa diện tích để rồi thừa thãi không gian.
Hành lang trong nhà được thiết kế khoa học, tối ưu, đảm bảo thuận tiện nhất cho sinh hoạt trong nhà
Kiến trúc sư đã tập trung nghiên cứu các giải pháp không gian để khơi gợi và duy trì những “điểm chạm” giữa con người với nhau, giữa con người với không gian sống, đồng thời kết nối họ với cộng đồng bên ngoài. Không gian làm việc hay khu vực ăn uống trong nhà có thể dễ dàng “hô biến” thành nơi sinh hoạt chung, vừa trong nhà vừa ngoài trời, mang lại sự linh hoạt trong sinh hoạt hằng ngày.
Thiết kế hành lang chung trong nhà được bố trí theo chiều dọc, phòng bếp và phòng vệ sinh dồn sang một bên, giúp tối ưu hóa không gian sử dụng còn lại. Điều này không chỉ mang tới sự thuận tiện trong bảo trì mà còn giảm lãng phí trong quá trình xây dựng, góp phần tạo nên tính bền vững cho công trình.
Các lớp cửa đóng mở linh hoạt tạo ra các chiều không gian riêng tư và kết nối trong ngôi nhà
“Bánh Đúc House” không phô diễn sự xa hoa, mà lặng lẽ khẳng định một phong cách sống khiêm tốn và tối giản, nơi từng mét vuông không chỉ để ở mà còn trở thành chất xúc tác cho sự kết nối và yêu thương giữa các thành viên.
Với kiến trúc “xếp lớp” mộc mạc nhưng tinh tế, không gian nơi đây thực sự là tổ ấm đáng sống, để bất cứ ai một lần ghé qua cũng cảm nhận được sự bình yên, dễ chịu và đầy cảm hứng.
Lâm Thùy Dương