1. Mới tháng 5 vừa rồi, bạn bè thân hữu và giới văn nghệ vẫn còn gặp Lê Thiết Cương tại cuộc ra mắt cuốn sách "Trò chuyện với hội họa". Vẫn cái giọng hào sảng, vẫn tinh thần nồng nhiệt và tận hiến ấy, Lê Thiết Cương dẫn dắt cuộc ra mắt sách của chính mình như cách anh vẫn làm việc và sống trong đời. Cuốn sách dày dặn, do con trai anh trình bày, tập hợp những bài phê bình nghệ thuật của anh về những họa sĩ tài năng. Anh viết phê bình nghệ thuật tinh tế và sắc nét, chỉ vài chấm phá đã lột tả được chân dung của họ.
Họa sĩ Lê Thiết Cương trong buổi ra mắt sách tháng 5/2025. Ảnh: congluan.vn.
Cuốn sách cũng thể hiện tinh thần sống của họa sĩ Lê Thiết Cương là người trọng tài, nể trọng tài năng. Lê Thiết Cương trọng thị những người tài, sẵn sàng bỏ tiền ra mua tranh của họ. Anh có "con mắt xanh" trong hội họa, phát hiện ra những tài năng trẻ và nâng đỡ họ. Anh đã biến căn nhà 39 Lý Quốc Sư (Hà Nội) trở thành một địa chỉ quen thuộc với văn nghệ sĩ cả nước. Bạn bè thân thiết của Lê Thiết Cương không chỉ là các họa sĩ, mà còn có các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, diễn viên, hoa hậu.
Họa sĩ Lê Thiết Cương từng thích thú bày tỏ: "Niềm vui lớn nhất của tôi là sự chia sẻ. Tôi luôn có những người bạn hiểu mình, cùng nhau chia sẻ về nghề nghiệp, những quan niệm sống. Khi môi trường sống bị ô nhiễm quá nhiều cả về vật chất và tinh thần như hiện nay, nghệ sĩ rất dễ bị tổn thương". Vì thế, anh để lại dấu ấn cũng như sự ảnh hưởng tích cực đến tất cả những người xung quanh anh, được gần như tất cả những người từng tiếp xúc yêu quý, nể trọng... và tiếc thương khi phải xa anh.
Lê Thiết Cương còn say mê làm sách cho những người anh kính trọng. Anh đã làm rất nhiều cuốn sách ý nghĩa cho bạn bè tài năng là những nghệ sĩ lớn như: Tuyển tập thơ họa "Một bến lạ" của Đặng Đình Hưng; "Hoàng Cầm - 100 bài thơ"; tập di cảo "Album Trắng" của Lê Đạt; tuyển tập thơ Phan Đan; cuốn chân dung văn học "Thôi ta còn bạn bè" của Nguyễn Thụy Kha... Hai năm gần đây, khi biết mình mang trọng bệnh, anh mới làm sách cho mình… Những cuốn sách giá trị về văn hóa, về những di sản đã biến mất, về chân dung bạn bè, về những ân tình trong đời… "Trò chuyện với hội họa", "Nếp nhà" là những cuốn sách thú vị, mang đến những góc nhìn sắc nét về văn hóa, truyền thống - điều mà Lê Thiết Cương luôn đau đáu trăn trở.
Anh nói: "Tôi có nhu cầu xem và đọc của đồng nghiệp, nhu cầu đó là tự nhiên, là tự thân. Nhưng, nghệ sĩ ngoài nhu cầu tự thân mà không yêu thương, tôn trọng tài năng, tác phẩm của nhau thì đừng trách phim này không ai xem, kịch kia không ai mua vé, tranh, sách này bán ra không ai mua... Nghệ sĩ không đọc, không xem của nhau thì còn nói chuyện gì. Tôi giúp người này vì tự thân tôi muốn làm chứ không phải vì Đức Phật dạy phải làm điều tốt để một ngày được lên Niết Bàn".
Anh có tình bạn thân thiết với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và nhà thơ Nguyễn Thụy Kha. Hơn cả bạn bè văn chương, họ là những tri kỷ của nhau trong đời sống. Khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ốm, anh luôn ở bên cạnh, cưu mang giúp đỡ gia đình và hai con của nhà văn. Mới đây, anh còn cùng con trai nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tổ chức triển lãm "Gốm Thiệp" tại Hà Nội. Có thể nói, ở Lê Thiết Cương có một khả năng đặc biệt là quy tụ được văn nghệ sĩ nhiều thế hệ ở quanh mình. Từ sau thế hệ của những Văn Cao, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Nguyễn Tuân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng… văn nghệ sĩ ít quan hệ mật thiết giữa các giới như tiền bối. Sức hút ấy đến từ tài năng lẫn tấm lòng trân quý tài năng của anh. Nó làm nên văn hóa, không khí văn nghệ của Hà Nội một thời.
2. Họa sĩ Lê Thiết Cương sinh năm 1962 tại Hà Nội. Anh theo học hội họa từ nhỏ, sau đó được mẹ gửi đến thầy Phạm Viết Song. Trong một bài viết, mẹ anh, bà Đỗ Phương Thảo chia sẻ về người thầy của họa sĩ Lê Thiết Cương rằng chính họa sĩ Phạm Viết Song đã phát hiện ra cá tính hội họa của Lê Thiết Cương nên từ chối không nhận dạy vẽ nữa, vì "Thầy không nên dạy sẽ tốt cho Cương hơn". Sau đó, anh tự vẽ ở nhà, rồi nhập ngũ. Sau khi rời quân ngũ, từ 1985, anh theo học thiết kế mỹ thuật tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
Họa sĩ Lê Thiết Cương.
Ra trường, không đầu quân vào nhà nước như cách mà ngày đó mọi người thường lựa chọn, Lê Thiết Cương tự do vẽ. Những lúc rảnh, anh thường sang nhà hàng xóm là nhà thơ Đặng Đình Hưng làm "chân điếu đóm" cho các văn nhân tài hoa thời bấy giờ là: Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Dương Bích Liên, Trần Lưu Hậu, Phan Đan, Nguyễn Thụy Kha... Anh đã học được rất nhiều từ "trường học hàng xóm" ấy. Chính nhà thơ Đặng Đình Hưng phát hiện chất tối giản trong Lê Thiết Cương và "đẩy anh ngã vào tối giản" và hình thành một lối đi riêng, duy nhất trong suốt hành trình nghệ thuật của mình.
Nhưng để đi dài và thành danh với con đường của mình, Lê Thiết Cương còn được nuôi dưỡng trong một gia đình có nền tảng và bề dày văn hóa. Anh lớn lên giữa thế giới của sách và nhạc, nhà thơ Đặng Đình Hưng hướng dẫn và gửi tài liệu cho anh nghe nhạc cổ điển… Rồi tủ sách gia đình, những cuốn sách của ông nội về Phật giáo và kinh Phật, về Trang Tử, Lão tử, Kinh dịch, anh đã đọc từ thời trẻ ấy.
Tháng 5/1991, họa sĩ Lê Thiết Cương có triển lãm cá nhân đầu tiên trong đời. Để rồi từ đó, anh bắt đầu một hành trình rực rỡ của mình. Lê Thiết Cương là một trong những nghệ sĩ tiên phong đưa nghệ thuật trừu tượng và tối giản đến với hội họa Việt Nam từ đầu những năm 1990. Anh mạnh dạn phá vỡ những khuôn mẫu cũ, tạo ra một ngôn ngữ tạo hình mới, giàu bản sắc và hàm chứa chiều sâu triết lý phương Đông. Sự kết hợp giữa hình khối đơn giản, màu sắc tối giản - chủ yếu là đen trắng và các đề tài truyền thống như bát đũa, đèn dầu, hoa sen, con trâu... đã giúp anh định hình phong cách riêng, độc đáo và đầy thiền tính.
Với Lê Thiết Cương, tối giản không chỉ là kỹ thuật hay xu hướng mà là "căn cước", là cách anh hiện diện trong nghệ thuật và đời sống. "Tối giản là tôi, tôi là tối giản. Tối giản là cá tính cốt tử của tôi, là ADN, là vân tay", họa sĩ từng khẳng định. Lối sáng tác của anh cũng chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng của Phật giáo. Với anh, vẽ cũng là một hành trình của thiền định. Những điều tưởng như bé nhỏ, giản dị trong tranh của anh đều hám chứa thông điệp sâu sắc về con người, về thời gian và không gian và sự tĩnh lặng, như anh từng chia sẻ: "Nói bằng im lặng, im lặng sấm sét". Phải "tối đa", phải đọc rất nhiều, thông tuệ đông tây kim cổ rồi mới “tối giản”. Đó cũng là điều mà lúc còn sống anh trăn trở về khoảng trống kiến thức, chiều sâu văn hóa của các nghệ sĩ.
3. Trên trang cá nhân của anh, trong những ngày cuối cùng, anh đã viết lại câu của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, thời Lý: "Có thì có tự mảy may/ Không thì cả thế gian này cũng không". Đó cũng là tinh thần sống của anh trong cuộc đời. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: "Cho dù đoạn đường đời Cương đi chưa phải dài, nhưng Cương đã đi một cách trọn vẹn đoạn đường ấy: sống đúng con người Cương ở nhiều nghĩa và không sợ hãi. Người bị bệnh ung thư thường tỉnh táo đến giây phút cuối cùng. Khi nhìn Cương tôi biết thời gian của Cương không còn nhiều nữa. Trong đôi mắt Cương nhìn bạn bè, tôi nhận ra ánh sáng của sự sống đang dần tắt nhưng tôi không nhìn thấy bất cứ một tia sợ hãi nào trong đó".
Đó là điều anh khiến mọi người cảm động, không sợ hãi, cam chịu, cũng không bi lụy hay tự thương thân mà chiến đấu với nó cho tới phút chót, và vẫn giữ được sự minh mẫn và tỉnh táo cho tới cuối cùng. Cuộc chiến đấu đó là bởi những khao khát rất chân thực của người nghệ sĩ đối với cuộc sống. Và cuối cùng, anh ra đi thanh thản trong chính ngôi nhà của mình, ngôi nhà mà anh đã sống một cuộc đời rực rỡ. Ra đi trong tình yêu thương của bạn bè, người thân… như chiếc lá rụng về cội. Thanh thản, bình an, như quy luật cuộc đời vẫn thế.
Lê Thiết Cương đã sống trọn vẹn một cuộc đời dù chưa phải là dài nhưng đáng ao ước và để lại nhiều suy ngẫm cho mọi người. Đó là sự tử tế, lòng tốt và tình yêu hết lòng cho cái đẹp vẫn là những thứ làm lay động con người một cách sâu sắc nhất. Một người bạn thân của anh đã viết: "Rồi đây Hà Nội sẽ vắng vẻ nhiều lắm, tinh thần của Hà Nội - với người yêu văn chương, âm nhạc, hội họa, phố cổ, quà phố, nếp người nếp nhà - bị mất mát ít nhiều sau chuyến rong chơi "bất phục phàn" này của anh. Người ta có thể ngưỡng mộ tài năng nhưng chỉ có thể yêu thương và kính trọng sự tử tế". Khoảng trống Lê Thiết Cương có lẽ còn lâu mới được lấp đầy.
Trần Mỹ Hiền