Hồi ức của một cựu binh

Hồi ức của một cựu binh
8 giờ trướcBài gốc
Dù đã lớn tuổi nhưng Đại tá Nguyễn Hồng Vĩnh (xã Bình Tâm, TP.Tân An) vẫn thường xuyên viết bài cộng tác cho Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh
Ký ức tuổi đôi mươi
Ở tuổi ngoài 70, Đại tá Nguyễn Hồng Vĩnh (SN 1954, ngụ xã Bình Tâm, TP.Tân An, tỉnh Long An) vẫn còn nhớ như in những ngày tháng không thể nào quên của một thời hoa lửa. Mái tóc đã bạc theo năm tháng nhưng giọng kể của ông vẫn hào sảng, ánh mắt sáng lên mỗi khi nhắc đến những người đồng đội, những ký ức đã trở thành một phần máu thịt trong cuộc đời người lính Cụ Hồ.
Ông Vĩnh sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Thế hệ trước của ông có người bác, chú ruột hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, cha ông cũng tham gia chống Pháp và là thương binh. Ông Vĩnh nói: “Đến thế hệ tôi, nhà có hai anh em trai cũng tham gia cách mạng, rồi nó hy sinh vào cuối năm 1974,… Lúc đó, nó mới 18 tuổi thôi. Đau lắm… nhưng cũng nén đau thương”.
Tuổi thiếu niên của ông học ở Trường THPT Tân An, thời bấy giờ, lực lượng công an, mật thám của chính quyền Sài Gòn luôn chú trọng theo dõi giới học sinh. Nhưng với truyền thống gia đình và được các chú, các anh giáo dục, anh học sinh cấp 3 (bấy giờ gọi là Trung học đệ nhị cấp) đã được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Hồ Chí Minh.
“Hồi đó, dù đã có ý thức về đấu tranh cách mạng nhưng tuổi trẻ nên còn hồn nhiên lắm, có lần chụp ảnh lưu niệm với nhóm bạn học cùng chi đoàn, rồi có một đứa thoát ly đi bộ đội. Sau này, nó bị địch bắn chết, chúng phát hiện trong túi áo nó có tấm ảnh,... Biết tin, tụi tôi trốn không dám đi học nữa. Đến giờ, tôi cũng không biết tấm ảnh có mình trong đó hay không…” - ông Vĩnh kể lại.
“Năm 1972, tôi cùng em trai “tự dưng mất tiêu”, chính quyền xã Bình Lập lúc bấy giờ bắt cha mẹ tôi lên xã truy hỏi, hỏi tới hỏi lui hoài, ông bà báo là anh em tôi đã đi tu nhưng chúng không tin, cứ hoạnh hẹ mãi” - ông kể với giọng trầm lặng.
Ông Vĩnh nói, có những khoảnh khắc trong đời người mà đến chết cũng không quên được. Đối với ông, đó chính là sáng ngày 30/4/1975, ngày giải phóng thị xã Tân An, giải phóng tỉnh Long An và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông Vĩnh kể: “8 giờ sáng, anh em đoàn viên chúng tôi được phát cho một khẩu súng rồi cùng lực lượng biệt động tiến vào thị xã tiếp quản. Mấy bạn học cũ hồi trước ở nội ô thị xã khi thấy tôi đi giữa đoàn bộ đội, súng đeo vai, bọn nó bất ngờ lắm!”.
“Ngày đó, người dân vui dữ lắm, nô nức cả đường phố nhưng cũng có người còn dè chừng vì mấy chục năm bị tuyên truyền là “cộng sản tàn ác” mà! Khi thấy bộ đội mình vào, không hề có chuyện gì hết, thân thiện, kỷ luật, nên người dân dần tin tưởng, rồi cùng nhau hòa vào không khí vui chung mừng chiến thắng” - ông Vĩnh nói thêm.
Tiếp tục cống hiến
Sau ngày giải phóng, ông Vĩnh được chọn ra Thủ đô Hà Nội học tập, sau đó được bổ sung vào một đơn vị chủ lực bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Ông được phân công về Sư đoàn Bộ binh 325 - Quân đoàn 2 (nay là Quân đoàn 12), huấn luyện trước khi hành quân vào Nam.
Đầu tháng 12/1978, ông vào địa bàn Hà Tiên - Kiên Giang trở thành quân tình nguyện Việt Nam giúp bạn đánh bọn Pol Pot-Iengxary. Cuộc chiến khốc liệt, nhiều đồng đội của ông bị thương, hy sinh, thậm chí có trường hợp đến giờ hài cốt chưa được mang về quê hương.
Cứ thế, người lính năm xưa đã đi qua năm tháng với nỗi niềm khát khao là giành được độc lập. Khi trở về với đời thường, ông mang theo những kỷ niệm không thể nào quên bởi không những vết thương về thể xác mà mang cả những đau thương vì mất mát người thân. Để có được hòa bình như hôm nay, cả dân tộc ta phải trả một cái giá rất đắt, trong đó có niềm đau riêng bản thân và gia đình ông.
Trước khi nghỉ hưu, ông mang quân hàm Đại tá, giữ chức Trưởng Ban Quân lực, thuộc Phòng Tham mưu (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Đó là kết quả của cả một đời binh nghiệp, không chỉ bằng máu và nước mắt mà bằng cả một tinh thần kiên cường, bền bỉ không lùi bước. Gác lại những năm tháng bom đạn, hôm nay, trong căn nhà nhỏ tại xã Bình Tâm, Đại tá Vĩnh cười tươi trước câu hỏi ông có cảm nhận như thế nào khi thấy đất nước đổi thay từng ngày.
Hàng ngày, ông Nguyễn Hồng Vĩnh vui vầy bên con cháu, chăm sóc vườn kiểng nhỏ trước sân nhà
“Sau 50 năm giành độc lập, tôi vô cùng mừng vui khi thấy quê hương mình phát triển, cuộc sống ấm no, trẻ em ngày ngày cắp sách đến trường. Điều tôi tâm đắc nhất là nước mình giữ được môi trường hòa bình, ổn định chính trị. Đây là điều quan trọng nhất đối với tất cả mọi người dân. Khi xem tin tức thời sự tình hình thế giới triền miên xảy ra xung đột, chiến tranh, người dân đau khổ, tôi càng thấm thía hai chữ hòa bình. Cái hay của Đảng, Nhà nước ta là kiên quyết về chiến lược độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ nhưng mềm mỏng đối phó với mọi tình huống" - ông Vĩnh nói với ánh mắt tự hào.
Khi được hỏi ông kỳ vọng gì ở thế hệ trẻ, ông Vĩnh trải lòng: “Mong thế hệ sau này không quên lịch sử, đừng quên xương máu mà cha ông đã đổ xuống. Hãy biết ơn, trân trọng hòa bình! Và hãy sống có trách nhiệm, học giỏi, làm việc tốt, sống tử tế,... vì đất nước, vì chính tương lai của các em”.
Về hưu nhưng tinh thần cống hiến trong ông Nguyễn Hồng Vĩnh chưa bao giờ ngơi nghỉ. Từ năm 2009-2022, ông là Bí thư Chi bộ ấp. Chỉ đến khi gần 70 tuổi, sức khỏe yếu đi, ông mới lui về nghỉ ngơi. Dẫu vậy, hiện nay, ông vẫn tiếp tục tham gia sinh hoạt tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí xã Bình Tâm.
Nhìn lại chặng đường đã qua, mỗi ký ức chiến tranh đều là một mảnh ghép thiêng liêng trong hành trình giữ nước vĩ đại của dân tộc. Đau thương là thế nhưng cũng thật tự hào. Những hy sinh lặng thầm đã làm nên ngày thống nhất, làm nên một Việt Nam độc lập, hòa bình và đang vươn mình phát triển./.
Minh An
Nguồn Long An : https://baolongan.vn/hoi-uc-cua-mot-cuu-binh-a193961.html