Hồi ức của người cắm cờ giải phóng tại Trại Davis mùa Xuân năm 1975

Hồi ức của người cắm cờ giải phóng tại Trại Davis mùa Xuân năm 1975
một giờ trướcBài gốc
Trong những ngày cả nước đang tưng bừng khí thế đón Xuân Ất Tỵ 2025, Đại úy, Cựu chiến binh Phạm Văn Lãi (sinh năm 1952, ở xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) lại bồi hồi khi nhớ về những ngày tháng lịch sử Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Trong âm vang chiến thắng đó, mùa xuân đấu trí với kẻ địch sau hàng rào thép gai tại Trại Davis đã góp phần tạo ra bước ngoặt lịch sử. Và trong giờ phút “hấp hối” của chế độ Việt Nam Cộng hòa, ông đã vinh dự được cắm lá cờ đỏ sao vàng lên đỉnh tháp nước Trại Davis đầy ngạo nghễ và hiên ngang.
“Ốc đảo” Davis
Ở tuổi 73, Cựu chiến binh Phạm Văn Lãi vẫn còn minh mẫn, bằng chất giọng hào sảng, ông kể lại cho chúng tôi nghe những ngày tháng thiêng liêng nhất trong cuộc đời người chiến sĩ cách mạng của mình.
Năm 1971, khi đang học tại Trường Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn, ông Phạm Văn Lãi xung phong nhập ngũ.
“Lúc đấy khí thế lắm, tất cả đều hướng về một mục tiêu duy nhất là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hàng nghìn thanh niên sẵn sàng xung phong ra trận” – ông Lãi kể.
Cựu chiến binh Phạm Văn Lãi kể vể những mùa Xuân trong Trại Davis
Năm 1973, ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết giữa 4 bên gồm: Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa, Đảng ta chủ trương tiếp tục đấu tranh trên ba mặt trận: chính trị, quân sự, ngoại giao, để đảm bảo các bên thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris.
Trại Davis bấy giờ nguyên là một trại lính của quân đội Mỹ, nằm gần sát phía Tây Nam sân bay Tân Sơn Nhất (nay thuộc phường 4, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) được chính phủ Việt Nam Cộng hòa lựa chọn là nơi làm việc của phái đoàn đại biểu quân sự 4 bên và là chỗ ở cho hai phái đoàn đại biểu quân sự của ta (Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam).
Thời điểm đó, từ Cục Chính trị Miền (B2), ông Phạm Văn Lãi là Thượng sĩ, được điều về Ban Chính trị, Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trực tiếp tham gia hoạt động tại Trại Davis, âm thầm đấu tranh cách mạng ngay tại hang ổ của địch.
“Trại Davis bấy giờ như một ốc đảo. Đây là nơi đối mặt với quân thù nhưng không có vũ khí, đạn dược mà phải đấu tranh trực tiếp bằng chính trị và trên mặt trận ngoại giao quân sự” – ông Lãi nói.
Nhằm phá hoại và cản trở việc thực thi Hiệp định Paris, chính quyền Sài Gòn đã cô lập Trại Davis bằng cách bao quanh nhiều tầng dây thép gai. Không chỉ thế, địch còn triển khai nhiều hoạt động vũ trang để đe dọa, khủng bố tinh thần các thành viên phái đoàn, ngăn chặn Ban Liên hợp quân sự tiếp xúc với người dân miền Nam.
Hình ảnh những người chiến sĩ chụp ảnh kỷ niệm tại Trại Davis. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nằm sát sân bay Tân Sơn Nhất, Trại Davis được xây dựng theo kiểu dã chiến, với cường độ cứ 5 phút lại có một chuyến máy bay cất hoặc hạ cánh.
Dưới cái nắng gay gắt, chiến sĩ của chúng ta ở trong những ngôi nhà lợp fibro xi măng khiến môi trường sống ở đây càng trở nên ngột ngạt và căng thẳng.
“Việc chọn căn cứ không quân của địch là nơi đấu trí giữa các bên, đã thể hiện rõ ý đồ chúng muốn giam lỏng ta, cách li khỏi nhân dân” - ông Lãi nhớ lại.
Trong tình thế bức bách, chiến sĩ của chúng ta bên ngoài vẫn giữ nếp sống bình thường, làm việc, tăng gia sản xuất, tập luyện thể thao. Nhưng sâu bên trong, ta âm thầm lợi dụng tiếng động cơ máy bay cất hạ cánh để cắt sàn nhà, sử dụng cọc màn đào hầm trú ẩn, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tổng tiến công khi thời cơ đến.
Ăn Tết trong lòng địch
Mùa xuân năm 1973 và 1974, ông Lãi cùng đồng đội đón xuân tại Trại Davis, ăn Tết trong lòng địch.
Theo ông Lãi, Tết năm ấy, có cờ, có hoa, bánh chưng, kẹo Hải Châu, thuốc lá Tam Đảo, trà thanh hương, hồng đào và rượu. Thế nhưng, các chiến sĩ của chúng ta không vui.
“Mùng 1 Tết năm 1973, bên ta treo lá cờ Tổ quốc lên trụ sở Trại Davis để hưởng ứng không khí Tết. Ngay lập tức, Chính quyền Sài Gòn xuất hiện bao vây, tạo sức ép buộc ta phải gỡ xuống. Mùa xuân năm ấy căng thẳng lắm” – ông Lãi nhớ lại.
Mọi điều kiện ăn ở, sinh hoạt của ta bấy giờ đều phụ thuộc vào chính quyền Sài Gòn nên các chiến sĩ đã nuôi chó, gà, chim bồ câu. Một mặt để thư giãn, tăng gia sản xuất, mặt khác sử dụng những con vật này để thử thức ăn, đề phòng bị đầu độc. Các chiến sĩ quân y hằng ngày cũng đều phải kiểm tra kỹ lưỡng đồ ăn, nước uống.
Ông Phạm Văn Lãi ở hàng phía trên, thứ 2 từ trái qua. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Không chỉ thế, khu vực xung quanh trại đều trang bị các thiết bị nghe lén, phá sóng và gây nhiễu thông tin liên lạc. “Chúng kìm kẹp chúng tôi nào là cắt điện, cắt nước, cắt cả các hoạt động bình thường và chúng đe dọa khủng bố” – ông Lãi kể.
Chính quyền Sài Gòn còn cho các cái đoàn lính thị uy bên ngoài hô những khẩu hiệu như “bao giờ bánh đúc có xương/Bấy giờ cộng sản mới thương lính dù” để làm giảm ý chí của cán bộ, chiến sĩ.
“Thế nhưng cán bộ, chiến sĩ của chúng ta kiên trung lắm, tất cả âm mưu của chúng đều thất bại” – ông Lãi tự hào kể.
Bước sang mùa xuân năm 1975, cục diện chiến trường đã có những chuyển biến mạnh mẽ.
Đây là thời điểm mà niềm tin của Đảng, của nhân dân Việt Nam và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế dành cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đạt đến đỉnh cao. Thời cơ lịch sử đã chín muồi.
Xác định đây là thời điểm vàng để giành thắng lợi, những người lính của ta trong phái đoàn tại Trại Davis đã chuẩn bị tinh thần và cơ sở vật chất một cách chu đáo.
“Không khí đón xuân năm ấy tràn đầy hy vọng và phấn khởi” – ông Lãi hào hứng nói.
Đúng mùng 1 Tết năm 1975, trên loa phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự 2 bên Trung ương đã phát biểu chúc mừng năm mới, khích lệ tinh thần của toàn bộ cán bộ, chiến sĩ, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho mùa xuân lịch sử này.
“Trong trại Davis, chúng tôi tổ chức Tết đầy đủ như khi còn ở miền Bắc, với bánh chưng, gạo nếp, rượu lúa mới, chè Thanh Hương và Hồng Đào,… tất cả đều được gửi từ hậu phương vào qua những chuyến bay đặc biệt.” – cựu chiến binh Phạm Văn Lãi bồi hồi nói.
Mùa xuân năm 1975 không chỉ là mùa xuân đón Tết, mà còn là mùa xuân của chiến thắng. “Chúng tôi đón xuân với quyết tâm, niềm tin rằng thời khắc giải phóng dân tộc đã đến.” – ông Lãi tự hào nói.
Lá cờ giải phóng giương cao lúc 9h30 phút
Trước thắng lợi vang dội của chiến dịch Tây Nguyên vào tháng 3/1975, tình hình tại Trại Davis trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Ông Phạm Văn Lãi kể lại, trước sức ép từ địch ngày càng gia tăng với nhiều biện pháp uy hiếp, cấp trên đã tính đến phương án đưa các chiến sĩ trong trại ra ngoài để đảm bảo an toàn.
Dẫu vậy, ông Lãi và đồng đội vẫn kiên quyết ở lại, kiên trì đấu tranh trên mặt trận ngoại giao. Để bảo vệ mình trước nguy cơ tấn công, các chiến sĩ đã bí mật đào hệ thống hầm trú ẩn và xây dựng công sự ngay trong lòng địch bằng những dụng cụ thô sơ như lưỡi lê, dao găm, và thanh sắt cũ.
“Toàn thể anh em cán bộ, chiến sĩ vào đây đều xác định, giữa cái sống và cái chết không có gì nặng nề cả. Dù có hi sinh cũng quyết tâm bám trụ để giành chiến thắng trên mặt trận ngoại giao”– ông Lãi phấn khởi kể.
Trong điều kiện bị chòi gác của quân đội Sài Gòn giám sát chặt chẽ, xung quanh trống trải, việc đào hầm chỉ được thực hiện nhẹ nhàng vào ban đêm. Đất đào lên được giấu kín dưới các nhà sàn.
Sau khoảng 10 ngày, toàn bộ hệ thống hầm, hào giao thông khép kín đã hoàn thiện, bao gồm hầm chỉ huy chính, hầm chỉ huy dự phòng, hầm cứu thương, dự trữ lương thực và nước uống, ụ chiến đấu, cùng mạng điện thoại liên lạc thông suốt,…
Bức ảnh các chiến sỹ cắm cờ tại Trại Davis sáng 30/4/1975. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Toàn Trại Davis được chia thành 7 khu chiến đấu liên hoàn, các giao thông hào được đậy nắp kín và lấp đất bên trên như địa đạo. Lính canh của địch hoàn toàn không hay biết.
Đến cuối tháng 4/1975, các cánh quân của ta đồng loạt tiến vào Sài Gòn. Trong đêm 28 và ngày 29, pháo binh của ta liên tục nã vào sân bay Tân Sơn Nhất nhằm chặn đứng tuyến hàng không của địch.
Sáng 30/4/1975, khi quân ta tổng tiến công trên mọi hướng, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn đã giao nhiệm vụ cho ông Phạm Văn Lãi vào kho lấy cờ trao cho vệ binh cắm ở điểm cao nhất ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Khi ông Lãi đem cờ xuống nhưng không thấy vệ binh ở đó để giao nhiệm vụ của cấp trên. Xác định vệ binh có thể đang bận nhiều việc khác. Trong tình huống gấp gáp, ông Lãi đã quyết định đem lá cờ chạy đến tháp nước cao nhất trong Trại Davis.
Trên đường đi, ông Lãi gặp người đồng đội Nguyễn Văn Cẩn và đề nghị hỗ trợ cùng làm nhiệm vụ.
Ông Lãi và người đồng đội Nguyễn Văn Cẩn vừa chạy vừa quan sát. Hai người nhặt được một đoạn ống nước bằng sắt làm cán cờ và hai sợi dây thép. Đến chân tháp nước, ông Lãi chui vào lồng bảo vệ trèo lên trước, ông Cẩn đeo súng ngắn K-54 theo sau.
Lên đến đỉnh, ông Lãi buộc phía trên, ông Cẩn buộc phía dưới. Kiểm tra mối buộc xong, thấy chắc chắn rồi, ông Phạm Văn Lãi buông tay, lá cờ mở ra "phật" một tiếng, bay phấp phới hòa cùng tiếng súng, tiếng đạn rền vang trên điểm cao của thành phố Sài Gòn.
Lá cờ sao vàng nửa đỏ, nửa xanh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được cắm lên với mục đích làm kẻ địch hoang mang, suy sụp tinh thần mà phải buông súng đầu hàng. Không chỉ thế, lá cờ còn có nhiệm vụ định hướng để lực lượng của ta chỉnh làn, hướng pháo nhắm trúng mục tiêu, khiến các mũi tấn công của ta tiến vào thành phố phối hợp nhịp nhàng hơn, nhanh hơn.
Treo cờ xong, ông Lãi nhìn xuống phía dưới, thấy Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn lấy khăn ra lau nước mắt, anh em ai cũng phấn khởi, ôm nhau khóc.
“Sau bao nhiêu năm, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã ngạo nghễ tung bay trên bầu trời Sài Gòn. Tự hào lắm, xúc động lắm” – ông Lãi nghẹn ngào.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Phái đoàn quân sự chấm dứt hoạt động, anh em mỗi người về một đơn vị mới theo chức năng, nhiệm vụ của mình, lo tiếp quản thành phố, trấn áp tàn quân địch, tổ chức tiếp nhận sĩ quan, binh lính ngụy ra trình diện, tham gia ổn định cuộc sống cho nhân dân và bảo đảm hoạt động bình thường của thành phố.
Đến năm 1977, ông Lãi được chuyển ngành về Phủ Thủ tướng (nay là Văn phòng Chính phủ) làm việc. Ông hay nói vui rằng, trong lúc chiến đấu đã rất may mắn được cắm lá cờ ở sân bay Tân Sơn Nhất, khi hòa bình lại một lần nữa may mắn vì được gần gũi, phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đến năm 2012, khi nghỉ hưu, ông về sống tại quê nhà huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình trong căn nhà nhỏ, giản dị bên bạn bè, làng xóm.
Mỗi dịp mùa xuân về, ông Lãi lại bồi hồi nhớ lại mùa xuân lịch sử năm 1975. Mùa xuân nằm trong lòng địch nhưng không hề run sợ mà khao khát chiến thắng mãnh liệt.
“Có những mùa xuân, tuy không ở lại với tôi mãi mãi nhưng mãi mãi trong tâm trí của tôi. Mùa xuân năm 1975 với tôi đáng nhớ và đẹp lắm!” – ông Lãi bùi ngùi nói.
Quỳnh Trang/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/hoi-uc-cua-nguoi-cam-co-giai-phong-tai-trai-davis-mua-xuan-nam-1975-post1150899.vov