Hôm nay 24/10, Quốc hội nghe, thảo luận 3 dự án Luật sửa đổi: Bảo hiểm y tế, Công đoàn và án Luật Dữ liệu

Hôm nay 24/10, Quốc hội nghe, thảo luận 3 dự án Luật sửa đổi: Bảo hiểm y tế, Công đoàn và án Luật Dữ liệu
7 giờ trướcBài gốc
Các đại biểu Quốc hội dự họp tại hội trường chiều ngày 23/10.
Dự kiến, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi);
Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Dự án Luật Dữ liệu.
* Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Bảo hiểm y tế đã thực sự đi vào cuộc sống với 93,3 triệu người tương ứng 93,35% dân số tham gia bảo hiểm y tế, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách bảo hiểm y tế theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh đã được nêu rõ trong Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Luật về các nội dung: đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế; đa dạng hóa các gói bảo hiểm tế và quy định liên kết với bảo hiểm y tế thương mại; đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến; hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; giám định bảo hiểm y tế; quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy còn nhiều bất cập trong quy định của luật hiện hành liên quan đến trách nhiệm các bên liên quan thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm y tế; chưa có cơ chế giải quyết tranh chấp, vướng mắc về bảo hiểm y tế, các chế tài còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh để bảo đảm tính tuân thủ và hiệu lực thực thi pháp luật; một số khái niệm và thuật ngữ chưa có hoặc chưa rõ nghĩa trong Luật Bảo hiểm y tế…
Đại diện cơ quan soạn thảo nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế là cần thiết để giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt sự đồng thuận cao nhằm thực hiện tốt chính sách, pháp Luật Bảo hiểm y tế, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế; bảo đảm thống nhất với Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các luật, các quy định có liên quan để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
* Ngày 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự án luật được xây dựng nhằm bảo đảm người dân được tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng phù hợp, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn, cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh và khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, dự án Luật sẽ tạo thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần quản lý toàn diện sức khỏe người dân. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật; được bố cục gồm 2 điều về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và hiệu lực thi hành của Luật. Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến bảo hiểm y tế.
Thể hiện đầy đủ theo 04 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận, trong đó có các quy định về chuyển từ 4 tuyến khám bệnh, chữa bệnh sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 đồng bộ với Luật khám bệnh, chữa bệnh.
Dự án Luật quy định một số giải pháp thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh, giảm hồ sơ giấy tờ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phân cấp, phân quyền tối đa, tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức (phân cấp phân quyền 3 nội dung, cải cách 8 thủ tục), bảo đảm bình đẳng giới, phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Anh Sơn
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/hom-nay-2410-quoc-hoi-nghe-thao-luan-3-du-an-luat-sua-doi-bao-hiem-y-te-cong-doan-va-an-luat-du-lieu-291142.html