Hôm nay Quốc hội thảo luận lần thứ nhất về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp

Hôm nay Quốc hội thảo luận lần thứ nhất về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp
7 giờ trướcBài gốc
"Mở đầu cuộc cách mạng về xây dựng pháp luật"
Đây là lần thứ nhất Quốc hội thảo luận về Nghị quyết này. Dự kiến lần thứ hai Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 16/6.
Tại lần thảo luận thứ hai, đại diện Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 sẽ trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân, ý kiến thảo luận tại tổ và tại hội trường (lần thứ nhất) của ĐBQH và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.
Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường phòng Diên Hồng về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Ảnh minh họa. (Nguồn: Media Quốc hội).
Sau đó, đại diện Ủy ban phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Dự kiến, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 sẽ được biểu quyết thông qua vào ngày 24/6.
Tất cả các phiên thảo luận và biểu quyết thông qua đều được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, các ĐBQH kỳ vọng việc sửa Hiến pháp lần này sẽ giúp cơ chế, chính sách pháp luật trong thời gian tới tiếp tục được hoàn thiện, tháo gỡ những khó khăn và tạo ra một bộ máy thực sự tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.
ĐBQH Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) chia sẻ bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Trang Trần).
ĐBQH Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nhận định, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là mở đầu cho cuộc cách mạng về công tác xây dựng pháp luật.
Từ cơ sở sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, tới đây sẽ sửa các luật liên quan khác để đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ điểm nghẽn, xây dựng chính quyền hoạt động tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
"Việc sáp nhập một số xã, bỏ cấp huyện, sáp nhập tỉnh triển khai sau ngày 1/9 cần có một hành lang pháp lý chuẩn mực.
Tôi hy vọng với tinh thần trách nhiệm của từng ĐBQH, trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội, tinh thần của Nghị quyết 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ được triển khai thực tiễn và mang tính khả thi cao", ông Tạo nói.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) chia sẻ bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Trang Trần).
Còn theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), dù việc sửa Hiến pháp lần này chỉ tập trung vào 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nhưng có ý nghĩa rất quan trọng vì liên quan tới sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Khi người dân, Quốc hội đồng tình ủng hộ thông qua, từ luật gốc này sẽ sửa đổi tiếp các luật liên quan để sắp xếp, ổn định về mặt tổ chức bộ máy, địa giới hành chính.
Khi bộ máy tinh gọn, giảm bớt biên chế đồng nghĩa ngân sách Nhà nước chi cho quản lý Nhà nước cũng sẽ giảm từ đó có thêm ngân sách chi cho an sinh xã hội, đầu tư phát triển.
"Tôi hy vọng từ năm 2030, ngân sách Nhà nước sẽ dồi dào để chi cho an sinh xã hội. Hiện nay, chi cho an sinh xã hội tại Việt Nam so với các nước trên thế giới vẫn còn thấp.
Chúng ta bước đầu đã miễn học phí cho học sinh nhưng tới đây cần tiếp tục tăng cường xây dựng hạ tầng giao thông và cả hạ tầng giáo dục, nhà ở xã hội… để hạn chế tới mức thấp nhất cảnh người dân 'buôn gánh bán bưng', cảnh trẻ em bỏ học theo cha mẹ để mưu sinh", ĐBQH Hòa chia sẻ.
Một số nội dung chính trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp được công bố để lấy ý kiến toàn dân từ ngày 6/5 sau khi Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp được thành lập, họp và biểu quyết thông qua ngày 5/5.
Việc sửa đổi Hiến pháp lần này chỉ tập trung vào một số điều liên quan tới các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Đáng chú ý, theo dự thảo Nghị quyết, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Các tổ chức này được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Về việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương, dự thảo Nghị quyết đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 110 Hiến pháp năm 2013.
Cụ thể, các đơn vị hành chính gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.
Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định.
Dự thảo đề xuất nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước.
Trong thời gian kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong năm 2025 thì không tiến hành bầu các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, trưởng các ban của HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên UBND tại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.
Đồng thời cũng không bầu trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hình thành sau sắp xếp.
Trang Trần
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/hom-nay-quoc-hoi-thao-luan-lan-thu-nhat-ve-du-thao-nghi-quyet-sua-doi-hien-phap-192250513192621517.htm