Sáng 14/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 2 điều. Trong đó, Điều 1 gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương. Điều 2 gồm ba khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
Đây là công việc hết sức hệ trọng, khối lượng công việc cần triển khai cũng rất lớn nhằm thể chế hóa kịp thời kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Công tác này phải được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả, thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định.
Liên quan đến tổ chức đơn vị hành chính (ĐVHC, điều 110), báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ cho thấy một số ý kiến tán thành việc không quy định cụ thể ĐVHC dưới tỉnh, TP trực thuộc trung ương để bảo đảm linh hoạt khi có thay đổi, điều chỉnh ĐVHC thì không phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Có ý kiến cho rằng ĐVHC dưới tỉnh, TP trực thuộc trung ương nên quy định theo hướng đa dạng. Đối với các TP lớn như Hà Nội thì không nhất thiết phân chia thành các phường trực thuộc mà có thể cân nhắc chia thành khu vực đô thị và khu vực ngoại thị theo đặc điểm dân cư. Điều này sẽ giúp bố trí nguồn lực hợp lý thay vì cào bằng giữa đô thị lõi với các khu vực nông thôn.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị làm rõ hơn nội dung “ĐVHC dưới tỉnh, TP trực thuộc trung ương” là có ĐVHC cấp xã và tương đương hay còn cấp ĐVHC nào khác.
Có ý kiến đề nghị làm rõ ĐVHC - kinh tế đặc biệt có phải là ĐVHC của Việt Nam hay không và đơn vị này thuộc trung ương, cấp tỉnh hay cấp xã.
Cũng có ý kiến đề nghị bỏ bỏ cụm từ “ĐVHC” và chỉnh lý quy định tại khoản 2 Điều 111 theo hướng: “Chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. Quốc hội quy định chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, ĐVHC - kinh tế đặc biệt.
“Trên cơ sở tính chất đặc thù của mỗi địa phương mà có thể tổ chức hoặc không tổ chức HĐND, UBND hay Ủy ban hành chính...”, theo báo cáo.
Thiên Tuấn