Nhiều kỳ lân chấp nhận giảm đáng kể mức định giá để huy động vốn mới, giúp duy trì hoạt động. Ảnh: KNN India
Kỳ lân bế tắc IPO
Cách đây ít năm, Thung lũng Silicon (Mỹ) vẫn hừng hực làn sóng đầu tư vào các startup trước khi thế giới công nghệ chỉ tập trung vào trí tuệ nhân tạo. Vào thời điểm cơn bùng nổ công nghệ lên đỉnh điểm trong năm 2021, có tổng cộng hơn 1.000 startup trên toàn cầu đạt danh hiệu kỳ lân. Trong số này, có công ty sản xuất “thịt giả” dựa vào các thành phần thực vật Impossible Foods, nền tảng dịch vụ gia đình Thumbtack và nền tảng lớp học trực tuyến MasterClass.
Thế nhưng sau đó, môi trường khởi nghiệp trở nên u ám do lãi suất tăng, thị trường chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đình trệ và nguồn vốn mạo hiểm chỉ tập trung vào lĩnh vực AI.
Những cảnh báo trong nhiều năm về sự sụp đổ do mức định giá quá cao của startup đã trở nên rõ ràng một cách đau đớn.
Vào năm 2021, hơn 354 startup đạt trạng thái kỳ lân. Chỉ có 6 trong số đó tiến hành IPO thành công, theo Ilya Strebulaev, giáo sư tại Trường Kinh doanh sau đại học Stanford. Ngoài ra có 4 kỳ lân niêm yết cổ phiếu thông qua các công ty "mua lại có mục đích đặc biệt" (SPAC).
Có 10 kỳ lân khác bị thâu tóm, trong số đó, có những kỳ lân bán được bán với giá dưới 1 tỉ đô la. Những kỳ lân còn lại, chẳng hạn như công ty nông nghiệp trong nhà Bowery Farming và công ty chăm sóc sức khỏe AI Forward Health, đã phá sản. Convoy, startup kết nối tài xế xe tải và chủ hàng, được định giá 3,8 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022, cũng sụp đổ.
Sam Angus, đối tác của hãng luật Fenwick & West cho biết, một số startup cảm thấy chới với khi môi trường gọi vốn thay đổi quá nhanh.
Theo dữ liệu của công ty theo dõi đầu tư mạo hiểm CB Insights, hiện có khoảng 1.200 kỳ lân trên toàn cầu vẫn chưa niêm yết cổ phiếu hoặc được mua lại. Điều đó có nghĩa là có hơn 1.000 tỉ đô la giá trị cổ phần đang bị mắc kẹt ở các kỳ lân này.
Nhiều kỳ lân, từng huy động được số tiền lớn, giờ đây đang chật vật tìm thêm vốn để duy trì hoạt động. Các startup ở giai đoạn sau đang ở trong tình thế đặc biệt khó khăn vì thường cần nhiều tiền hơn để hoạt động. Những nhà đầu tư viết séc cho các kỳ lân đã trở nên kén chọn hơn. Đối với một số kỳ lân, việc chấp nhận các điều khoản gọi vốn bất lợi hoặc bán lại tài sản với mức chiết khấu lớn là cách duy nhất để tránh sụp đổ hoàn toàn.
Thị trường vốn cho các startup bắt đầu thắt chặt vào năm 2022 khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 7 đợt sau một thập niên tiền rẻ. Động thái thắt chặt tiền tệ này dẫn đến làn sóng cắt giảm chi phí và sa thải trên toàn hệ sinh thái khởi nghiệp, một xu hướng đạt đỉnh vào quí đầu tiên của năm 2023, theo nhà cung cấp dữ liệu Statista.
Một số startup gác lại mục tiêu tăng trưởng thị phần để tập trung vào lợi nhuận trong ngắn hạn, giúp giảm sự phụ thuộc vào vốn đầu tư mạo hiểm.
Số kỳ lân niêm yết cổ phiếu thông qua IPO giảm mạnh kể từ sau năm 2021. Ảnh: Bloomberg
Chấp nhận giảm mức định giá để huy động vốn mới
Trong những năm đầu sau thành lập, nhiều startup xây dựng mô hình hoạt động để theo đuổi tăng trưởng mà không quan tâm nhiều đến lợi nhuận trong ngắn hạn, với giả định rằng, có thể tiếp tục huy động vốn với mức định giá ngày càng tăng. Trong nhiều trường hợp, công thức đó không còn hiệu quả nữa.
Theo dữ liệu của Carta, nền tảng quản lý cổ phần và phát triển doanh nghiệp, chỉ có chưa đến 30% trong số những startup đạt trạng thái kỳ lân từ năm 2021 huy động được vốn trong 3 năm qua. Trong số đó, gần một nửa thực hiện vòng gọi vốn với mức định giá thấp hơn so với trước đây.
Ví dụ, nền tảng kết nối người hâm mộ với nhân vật nổi tiếng Cameo (Mỹ) từng được định giá 1 tỉ đô la. Nhưng năm ngoái, công ty này huy động vốn với định giá giảm 90%.
Công ty công nghệ tài chính Ramp ở New Yok đã tiến hành hai vòng gọi vốn lớn kể từ đầu năm 2022 với mức định giá thấp hơn 8 tỉ đô la mà công ty này nhận được ba năm trước.
Nếu may mắn, các starup có thể sử dụng vốn từ các vòng gọi vốn với mức định giá giảm để phục hồi hoạt động. Ví dụ, công ty phần mềm dựa trên đám mây ServiceTitan huy động vốn với các điều khoản tài chính bất lợi vào năm 2022, nhưng phục hồi mức định giá khi niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán New York vào năm 2024. Hiện tại, vốn hóa thị trường ServiceTitan là 9,4 tỉ đô la Mỹ, sát với mức định giá cao nhất là 9,5 tỉ đô la vào năm 2021.
Tuy nhiên, cắt giảm việc làm và chấp nhận gọi vốn với mức định giá giảm có thể khởi động một vòng luẩn quẩn. Các startup thường thuyết phục nhà đầu tư góp vốn bằng câu chuyện về động lực tăng trưởng và sứ mệnh lớn lao. Điều này trở nên khó thực hiện hơn khi doanh nghiệp quyết định đánh đổi tham vọng để tuân thủ kỷ luật tài chính. Đối với nhân viên, làm việc cho các startup mang lại cơ hội được thưởng cổ phần. Vì vậy, nếu giá trị của công ty bắt đầu giảm, nhân viên sẽ nghỉ việc khi tìm thấy những lựa chọn việc làm khác.
Các công ty đầu tư dồi dào ngân sách có thể mua một số kỳ lân tiềm năng. Thế nhưng, các kỳ lân này “sẽ không đạt được mức định giá mà nhà đầu tư dành cho họ vào năm 2021”, theo nhận định của Chelsea Stoner, đối tác chung của Battery Ventures, công ty đầu tư và mua lại các startup.
Những người lạc quan có thể hy vọng rằng điều gì đó sẽ khơi dậy một làn sóng đầu tư mới vào startup công nghệ hoặc một chính quyền Donald Trump không có Lina Khan sẽ thúc đẩy thị trường mua lại và IPO. Lina Khan, cựu Chủ tịch Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC), người hết hạn nhiệm kỳ hồi tháng 9-2024, nổi tiếng với lập trường chống tình trạng độc quyền của các tập đoàn công nghệ.
Greg Martin, người sáng lập Archer Venture Capital cho biết, với nhiều kỳ lân, hy vọng duy nhất, dù ít khả năng xảy ra, là thị trường khởi nghiệp trở nên sôi động.
“Trừ khi chúng ta có một môi trường định giá cao phi lý khác được tạo ra bởi lãi suất bằng 0 giống như trong đại dịch Covid-19, nếu không thì nhiều kỳ lân "xác sống" hiện tại sẽ kết thúc trong nghĩa địa”, ông nói.
Theo Bloomberg
Chánh Tài