Hơn 1 tuần sau bão Yagi, giá rau xanh vẫn 'nhảy múa'

Hơn 1 tuần sau bão Yagi, giá rau xanh vẫn 'nhảy múa'
3 giờ trướcBài gốc
Ảnh hưởng từ bão Yagi khiến người tiêu dùng tại Thủ đô đổ xô mua thực phẩm tích trữ khiến cho hàng hóa trở nên khan hiếm, cháy hàng, giá bán vì thế cũng tăng vùn vụt.
Hậu bão số 3, tại nhiều hệ thống siêu thị và chợ truyền thống, người dân không còn tâm lý tích trữ hàng hóa. Tại hệ thống các siêu thị, quầy hàng đầy ắp thực phẩm, nhân viên liên tục bổ sung hàng hóa. Giá bán tại đây cơ bản ổn định.
Ghi nhận của phóng viên sáng ngày 20/9 tại một số chợ truyền thống ở Hà Nội như: Thành Công (Ba Đình), Kim Liên (Đống Đa), Nghĩa Tân (Cầu Giấy)... cho thấy hàng hóa, thực phẩm dồi dào, đa dạng, không còn tình trạng chen lấn để mua hàng.
Giá rau xanh vẫn duy trì ở mức đắt đỏ.
Tuy nhiên, giá cả của một số mặt hàng thiết yếu như rau xanh, củ quả vẫn giữ nguyên mức giá cao ngang thời điểm trước và trong bão. Thậm chí, tại nhiều khu chợ, thực phẩm loạn giá, mỗi quầy hàng lại có một giá khác nhau khiến người tiêu dùng hoang mang.
Cụ thể, rau muống có giá 20.000 đồng/mớ; rau ngót, rau dền có giá từ 15.000-20.000 đồng/mớ; rau mồng tơi 20.000 đồng/mớ; cải xanh từ 28.000-30.000đồng/kg; bắp cải 40.000 đồng/kg; ngọn bầu, ngọn bí 40.000 đồng/kg ...
Giá các loại củ, quả như cà rốt, bí xanh, bí đỏ... cũng tăng thêm từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, hiện cà rốt có giá 30.000 đồng/kg, khoai tây 35.000 đồng/kg, bầu 25.000 đồng/kg; bí xanh 60.000-70.000 đồng/kg, cà chua 40.000 đồng/kg.
Đặc biệt là các loại rau gia vị vẫn rất đắt, từ 10.000-15.000 đồng/mớ, giá hành hoa 70.000-80.000 đồng/kg.
Cầm trên tay một bó rau muống nhỏ, khi nghe người bán tính giá 25.000 đồng, chị Nguyễn Thùy Dương (Hà Nội) phải hỏi lại xem có tính nhầm không.
Giá quá cao so với mức chi trả, chị Dương đành bỏ sang hàng khác hỏi giá. Tại quầy hàng này, người bán tính giá 20.000 đồng/bó rau muống. Thấy chị Dương vẫn còn băn khoăn, người bán chốt hạ: “Đi hết cả chợ này, không có bó rau nào rẻ hơn ở đây đâu".
Rau muống 25.000 đồng/bó, cà chua 20.000 đồng/3 quả.
“Bão hết từ lâu nhưng rau củ vẫn còn quá đắt, nhiều loại phải đắt gấp 2-3 lần so với trước đây. Tôi đi cả chợ, nhưng mỗi nơi lại một giá, chỉ có đắt và đắt hơn chứ không thấy hàng nào bán giá hợp lý" - chị Dương bày tỏ.
Theo khảo sát của phóng viên tại chợ Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội), giá thực phẩm không đồng nhất.
Đơn cử, một mớ rau mồng tơi ở khu chợ này có hàng thì bán 15.000 đồng/bó, ngay hàng bên cạnh lại bán 20.000 đồng/bó dù trọng lượng ngang nhau.
Chưa kể, giá bán còn chênh lệch theo ngày. Bà Hiệp - tiểu thương kinh doanh rau củ tại chợ Thanh Xuân Bắc cho biết, lượng rau và chi phí nhập vào mỗi ngày khác nhau. Đôi khi, vẫn có ngày nhà vườn khan hiếm nguồn cung, bà chỉ lấy được vài bó rau ăn lá, giá thành vì thế cũng thay đổi.
Giá rau củ ở mức cao, bà Hiệp lại bày tỏ sự không vui. Bà cho biết, dù giá bán tới tay người tiêu dùng cao nhưng chi phí đầu vào cũng tăng mạnh đáng kể. Rau xanh đắt đỏ, người dân tạm thời đổi sang thực phẩm khác để thay thế như đậu phụ, trứng,...; vì vậy tại quầy của bà, dù có những ngày lấy ít hàng nhưng vẫn ế.
“Giá nhập vào đã cao rồi nhưng rau lại dễ dập nát, hư hỏng do nước mưa, nước ngập nên hao hụt rất nhiều. Vì thế tùy từng quầy, từng ngày mà người bán sẽ thay đổi giá cho phù hợp. Tôi cũng không mong muốn giá rau quá cao vì bán sẽ rất chậm nhưng nếu không tăng thì không đủ để bù lỗ" - bà Hiệp chia sẻ.
Giá thịt lợn sớm ổn định trở lại sau bão số 3.
Lý giải nguyên nhân khiến giá rau xanh tăng mạnh, các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này cho rằng, những vựa rau cung cấp cho thị trường Hà Nội ở Bắc Giang, Hà Nam, Hưng Yên... đều bị ngập lụt sau bão, ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng.
Còn tại một số vựa rau khác tại ngoại thành Hà Nội gần như đã thu hoạch ngay sau khi nghe thông tin bão đổ bộ. Vì vậy, sau bão các nhà vườn đã hết rau, nông dân phải chờ nước lũ rút, cải tạo đất để trồng lại lứa tiếp theo.
Ngoài rau xanh, một số mặt hàng khác như thịt lợn, thịt gia cầm, gạo, mì tôm,... đã dần ổn định giá sau một thời gian ngắn tăng do ảnh hưởng từ bão.
Trước tình trạng găm hàng, tăng giá đột biến sau bão, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã gửi công điện đề nghị các bộ, ngành, địa phương, tiếp tục tăng cường sự phối hợp với Bộ Tài chính cũng như chủ động trong việc nghiên cứu, nắm bắt tình hình giá cả thị trường của những mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có những giải pháp xử lý trong các tình huống liên quan tới hoạt động về quản lý, điều hành giá.
Các địa phương cần nắm bắt sát diễn biến giá cả thị trường, cung cầu hàng hóa trên địa bàn nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu của người dân, giám sát thị trường hàng hóa tại các chợ đầu mối, trung tâm mua sắm, siêu thị không để xảy ra tình trạng tạo khan hiếm, đầu cơ nâng giá, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý nhằm trục lợi.
Bài và ảnh: Nguyễn Linh
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/hon-1-tuan-sau-bao-yagi-gia-rau-xanh-van-nhay-mua-post313158.html