Hơn 100 quốc gia tham gia Hội nghị thượng đỉnh về AI tại Paris

Hơn 100 quốc gia tham gia Hội nghị thượng đỉnh về AI tại Paris
3 giờ trướcBài gốc
Hội nghị tại Paris là lần thứ ba thế giới tổ chức một hội nghị cấp cao về trí tuệ nhân tạo
Các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới đã tụ họp tại Paris để tham dự hội nghị thượng đỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI), nơi dự kiến sẽ diễn ra các cuộc đàm phán ngoại giao căng thẳng khi các tập đoàn công nghệ lớn tranh giành quyền thống trị trong lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh chóng.
THỜI ĐIỂM MANG TÍNH ĐỊNH HƯỚNG VỚI AI
Nguyên thủ quốc gia, quan chức cấp cao, CEO và các nhà khoa học từ khoảng 100 quốc gia sẽ tham gia hội nghị quốc tế này. Những nhân vật đáng chú ý tham dự hội nghị bao gồm Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, và Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh (Zhang Guoqing).
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia France 2 hôm 9/2: "Chúng ta đang sống trong một cuộc cách mạng công nghệ và khoa học hiếm thấy".
Ông nhấn mạnh Pháp và châu Âu phải nắm bắt cơ hội này, bởi AI sẽ giúp chúng ta sống tốt hơn, học tốt hơn, làm việc tốt hơn, chăm sóc sức khỏe tốt hơn, và nhiệm vụ của chúng ta là đặt AI phục vụ con người.
Hội nghị thượng đỉnh tại Paris quy tụ các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Microsoft và OpenAI, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của AI trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, môi trường và văn hóa.
Một đối tác công-tư toàn cầu mang tên "Current AI" sẽ được ra mắt nhằm hỗ trợ các sáng kiến quy mô lớn phục vụ lợi ích chung.
Bà Linda Griffin, Phó chủ tịch chính sách công của Mozilla, nhận định: "Đây là lần đầu tiên thế giới có một cuộc thảo luận quốc tế quy mô lớn như vậy về tương lai của AI. Tôi xem đây là một thời điểm mang tính định hướng".
Ông Nick Reiners, nhà phân tích cấp cao về công nghệ địa chính trị tại Eurasia Group, cũng cho rằng hội nghị mang lại cơ hội định hình cách quản trị AI theo một hướng mới, tránh tập trung quyền lực vào một số ít tập đoàn tư nhân và hướng đến AI phục vụ lợi ích công cộng.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Mỹ có ủng hộ các sáng kiến này hay không.
Nhà khoa học đạt giải Nobel Demis Hassabis, người sáng lập Google DeepMind, nhận xét: "Có rất nhiều câu hỏi phức tạp cần giải quyết, như khả năng kiểm soát các hệ thống AI. Nhưng thậm chí còn phức tạp hơn là những vấn đề địa chính trị liên quan đến quy định về AI".
Các nhà tổ chức Pháp cũng kỳ vọng hội nghị sẽ giúp thu hút các khoản đầu tư lớn vào AI tại châu Âu, để khu vực này có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh thực sự trong bối cảnh cuộc đua AI đang bị chi phối bởi Mỹ và Trung Quốc.
Tổng thống Macron thông báo rằng Pháp sẽ công bố các khoản đầu tư tư nhân vào AI trị giá 109 tỷ euro (113 tỷ USD) trong những năm tới, coi đây là tương đương với dự án trung tâm dữ liệu Stargate AI của Trump.
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Khôn (Guo Jiakun) tuyên bố phản đối bất kỳ động thái nào nhằm hạn chế quyền tiếp cận các công cụ AI.
Việc Trung Quốc ra mắt DeepSeek, một mô hình AI tiên tiến, đã khiến Quốc hội Mỹ kêu gọi hạn chế công nghệ này vì lo ngại an ninh.
Ông Quách nhấn mạnh rằng Trung Quốc ủng hộ AI mã nguồn mở và mong muốn đảm bảo tất cả các quốc gia có thể tiếp cận AI để chia sẻ lợi ích từ công nghệ này.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang đồng tổ chức hội nghị với Tổng thống Macron, nhằm thu hút thêm nhiều quốc gia tham gia vào sự phát triển AI và tránh để lĩnh vực này trở thành cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngoại trưởng Ấn Độ Vikram Misri nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo AI tiếp cận công bằng trên toàn cầu, tránh làm trầm trọng thêm khoảng cách số giữa các quốc gia.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thứ hai từ bên phải, gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Khánh, thứ hai từ bên trái, tại Điện Elysee trong các sự kiện bên lề Hội nghị thượng đỉnh về hành động trí tuệ nhân tạo tại Paris. Ảnh: AP
Nhà lãnh đạo nước Pháp Macron và Thủ tướng Modi của Ấn Độ cũng sẽ cùng nhau đến thành phố cảng Marseille, nơi họ sẽ khánh thành Lãnh sự quán Ấn Độ và thăm trung tâm nghiên cứu hạt nhân ITER.
5 CHỦ ĐỀ QUAN TRỌNG ĐỊNH HÌNH CHÍNH SÁCH AI TOÀN CẦU
Theo trang Forbes, Hội nghị AI Action Summit tại Paris tập trung vào năm chủ đề quan trọng: AI vì lợi ích công cộng, việc làm, đầu tư, đạo đức và quy định. Với hàng loạt thông báo đầu tư vào AI được công bố, hội nghị năm nay đánh dấu một bước chuyển từ các cuộc thảo luận về an toàn sang các hành động cụ thể.
Hội nghị tại Paris là lần thứ ba thế giới tổ chức một hội nghị cấp cao về trí tuệ nhân tạo, sau hội nghị tại Bletchley Park (Anh Quốc) và Seoul (Hàn Quốc). Điều đáng chú ý là sự thay đổi trong cách tiếp cận: từ "AI Safety Summit" (Hội nghị An toàn AI) thành "AI Summit" (Hội nghị AI), và nay là "AI Action Summit" (Hội nghị Hành động về AI).
Sự thay đổi này cho thấy các cuộc thảo luận đang dần mang tính thực tiễn hơn, không chỉ tập trung vào rủi ro tiềm tàng mà còn hướng đến triển khai AI trong thực tế. Năm chủ đề chính của hội nghị nhiều khả năng sẽ tiếp tục định hình các cuộc thảo luận toàn cầu về AI trong những năm tới.
AI vì lợi ích công cộng – Cạnh tranh và Đầu tư
Theo bài phát biểu của Tổng thống Cộng hòa Séc Peter Pavel, AI có tiềm năng mang lại đột phá trong y học, tối ưu hóa sử dụng năng lượng và cách mạng hóa quyền tiếp cận giáo dục và tri thức.
Hiện nay, lĩnh vực AI đang bị chi phối bởi khu vực tư nhân, làm dấy lên lo ngại về việc ai thực sự hưởng lợi từ công nghệ này. Nếu không có sự can thiệp của chính phủ, AI có nguy cơ nới rộng khoảng cách giữa những người kiểm soát công nghệ và những người chỉ là người dùng.
Tờ Le Monde cảnh báo rằng nếu AI tiếp tục tập trung vào tay một số ít tập đoàn, điều này có thể đe dọa chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực công nghệ. Để giải quyết vấn đề này, Pháp đang đề xuất một nền tảng toàn cầu nhằm ươm tạo các dự án AI vì lợi ích công cộng, với các giải pháp AI độc lập, mở và có chủ quyền.
Tương lai của việc làm trong thời đại AI
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), AI sẽ ảnh hưởng đến gần 40% số việc làm trên toàn cầu. Một số công việc sẽ bị thay thế, trong khi một số khác sẽ được AI hỗ trợ và nâng cao. Tác động này sẽ phụ thuộc vào việc AI tăng cường năng suất của những người lao động có thu nhập cao hay loại bỏ những công việc có kỹ năng thấp.
Bà Nabiha Syed, Giám đốc điều hành của Mozilla Foundation, cảnh báo rằng các chương trình đào tạo lại kỹ năng và nâng cao trình độ vẫn còn thiếu sự đồng bộ, khiến nhiều người lao động trở thành những đối tượng bị động thay vì chủ động thích nghi với sự phát triển của AI.
Ngay cả những nghề nghiệp từng được xem là "an toàn" cũng đang chịu áp lực từ AI tạo sinh (generative AI). Chính phủ cần có các chính sách thúc đẩy khả năng thích ứng của lực lượng lao động, đồng thời tạo động lực cho các chương trình giáo dục về AI.
Những vấn đề cần giải quyết được các đại biểu đặt ra là người lao động trong các ngành nghề dễ bị ảnh hưởng bởi AI có thể được đào tạo lại như thế nào để thích nghi; các chính phủ có thể thực hiện chính sách gì để giảm thiểu tác động tiêu cực của AI đối với việc làm; doanh nghiệp có thể tận dụng AI để nâng cao năng suất mà không làm gia tăng tình trạng thất nghiệp không?
Cuộc chạy đua đầu tư AI toàn cầu
Cạnh tranh trong lĩnh vực AI đang nóng lên khi hội nghị diễn ra. DeepSeek, một startup AI của Trung Quốc, vừa ra mắt mô hình ngôn ngữ lớn DeepSeek R1, có thể cạnh tranh với OpenAI và Google với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ.
Mỹ vẫn dẫn đầu trong đầu tư AI, trong khi châu Âu tụt hậu với tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào AI chỉ đạt 15,8 tỷ USD trong năm 2024, so với gần 100 tỷ USD tại Bắc Mỹ, theo PitchBook.
Trước hội nghị, Pháp cam kết đầu tư 109 tỷ euro vào AI, nhằm định vị mình như một đối thủ AI độc lập. Đồng thời, một liên minh các nhà đầu tư toàn cầu đã công bố 150 tỷ euro đầu tư vào AI tại châu Âu, nhưng với điều kiện khu vực này phải minh bạch hơn và tạo môi trường cạnh tranh tốt hơn.
Vào ngày 6/2, UAE tuyên bố đầu tư từ 30 tỷ đến 50 tỷ euro vào một khu tổ hợp trung tâm dữ liệu lớn nhất châu Âu, như một phần của thỏa thuận hợp tác AI với Pháp.
Đạo đức và tính tin cậy của AI
Các hội nghị AI trước đây đã dẫn đến việc ký kết "Cam kết An toàn AI" – một tiêu chuẩn tối thiểu không ràng buộc dành cho các nhà phát triển AI, nhằm đặt ra giới hạn rủi ro đối với các hệ thống AI.
Tuy nhiên, các câu hỏi lớn vẫn còn bỏ ngỏ.
Thiết lập tiêu chuẩn quốc tế cho quản lý AI
Hiện nay, chưa có một khung pháp lý toàn cầu thống nhất về AI. EU đang đi đầu trong lĩnh vực này với Đạo luật AI (AI Act) – cấm các hệ thống chấm điểm xã hội (social scoring) và thao túng người dùng.
Hội nghị Paris kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác đa phương, đặc biệt là về tác động của AI đối với môi trường. Khi các điều khoản đầu tiên của Đạo luật AI của EU có hiệu lực vào ngày 2/2, các cuộc thảo luận tập trung vào đồng bộ hóa các quy định giữa các khu vực.
Thanh Minh
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/hon-100-quoc-gia-tham-gia-hoi-nghi-thuong-dinh-ve-ai-tai-paris.htm