Theo Bộ Công an, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề được các tổ chức và nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm và đi trước nước ta trong thời gian khá dài, có nhiều kinh nghiệm pháp lý và thực tiễn triển khai thi hành để tiếp thu. Hiện nay, đã có hơn 140 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhiều văn bản có quy định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam. Do hệ thống pháp luật, trình độ nhận thức, kinh tế, xã hội khác nhau nên việc tiếp thu các quy định, tiền lệ về bảo vệ dữ liệu cá nhân cần bảo đảm yếu tố hài hòa, trên cơ sở phù hợp với thực tiễn của nước ta, nhưng cũng bảo đảm sự tương thích về mặt pháp lý cho doanh nghiệp trong và ngoài nước thuận lợi triển khai. Một số công ước, khuyến nghị và tiêu chuẩn khu vực về quyền riêng tư và bảo vệ thông tin và dữ liệu cá nhân mặc dù nước ta chưa phải thành viên nhưng có thể được nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc.
Bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề được các tổ chức và nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm.
Về cơ bản, quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân trong dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được tiếp cận và phát triển từ quyền riêng tư - với tư cách là quyền cơ bản của con người. Dự thảo Luật đảm bảo tương thích với các điều ước quốc tế về quyền con người như: Các điều ước về quyền con người như Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 (Điều 12), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR, Điều 17), Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (Điều 16), Công ước về quyền của người khuyết tật (Điều 22). Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định về lưu chuyển dữ liệu qua biên giới phù hợp với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) như Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương...
Sự phát triển một số công nghệ mới đặt ra yêu cầu phải bảo vệ dữ liệu cá nhân như: Xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, blockchain, vũ trụ ảo. Blockchain đặt ra một số rủi ro mới với dữ liệu cá nhân, như: Dữ liệu cá nhân không thể thay đổi hay xóa; Blockchain công khai cho phép mọi người truy cập tất cả dữ liệu dẫn đến khả năng lộ thông tin nhạy cảm; cơ chế bán ẩn danh vẫn có thể bị truy vết thông qua việc suy luận hành vi người dùng; tính phi tập trung khiến việc thực thi các quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân trở nên khó khăn. AI tạo sinh có thể tạo ra những nội dung giả mạo độc hại, vô tình tiết lộ dữ liệu cá nhân trong khi huấn luyện AI, mất quyền kiểm soát của người dùng đối với việc sử dụng dữ liệu. Trong Vũ trụ ảo có lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ, chi tiết và được thu thập trong quá trình trải nghiệm đa giác quan (bao gồm hành vi, cảm xúc, cuộc trò chuyện, thói quen), tổng hợp và tạo hồ sơ cá nhân chi tiết (bằng cách kết hợp với dữ liệu cá nhân hiện hữu), ranh giới mờ nhạt giữa danh tính trong môi trường thực ảo. Với quan điểm bảo vệ để phát triển, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ quy định cụ thể các hoạt động kinh doanh liên quan tới sử dụng dữ liệu cá nhân phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Nguyễn Hương