Những tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống miền Bắc Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Theo WHO và COGAT, cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Israel phụ trách các vấn đề dân sự tại các vùng lãnh thổ của Palestine, tổng cộng có khoảng 230 người đã được sơ tán.
Trong một tuyên bố, COGAT nhấn mạnh đây là số lượng bệnh nhân và người chăm sóc lớn nhất đã rời qua cửa khẩu Kerem Shalom trong những tháng gần đây. Hoạt động này được thực hiện với sự hợp tác của UAE, Liên minh châu Âu (EU) và WHO.
Trong khi đó, WHO cho biết các bệnh nhân trên bao gồm những người mắc bệnh về máu, ung thư, thận và chấn thương. Những bệnh nhân này được chuyển từ Gaza qua cửa khẩu Kerem Shalom vào Israel, sau đó đến sân bay Ramon gần Eilat ở miền Nam Israel.
Trước đó, ngày 5/11, đại diện của WHO tại các vùng lãnh thổ Palestine, ông Rik Peeperkorn cho biết các trường hợp trên nằm trong số 14.000 người đang chờ ở Gaza để được sơ tán vì lý do y tế.
Tuy nhiên, chưa đến 5.000 người được cấp phép sơ tán y tế khỏi vùng lãnh thổ này kể từ khi bùng phát xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel vào tháng 10 năm ngoái.
Theo số liệu của Cơ quan y tế tại Gaza, gần 43.400 người Palestine đã thiệt mạng và hàng chục nghìn người bị thương trong hơn 1 năm xung đột nói trên. Bên phía Isarel ghi nhận 1.206 người thiệt mạng và hơn 200 người bị Hamas bắt giữ.
Cùng ngày, người đứng đầu Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của LHQ dành cho Người tị nạn Palestine (UNRWA), ông Philippe Lazzarini cho biết cơ quan này đang đối mặt với “tình cảnh bi đát nhất” và cần sự hỗ trợ từ các thành viên LHQ sau khi Israel quyết định cắt đứt quan hệ với tổ chức này.
Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, ông Lazzarini nhấn mạnh nếu không có sự can thiệp của các quốc gia thành viên, UNRWA sẽ phải giải thể, từ đó làm sụp đổ hoạt động ứng phó nhân đạo của LHQ, vốn phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở hạ tầng của cơ quan này, đồng thời đẩy hàng triệu người Palestine vào cảnh hỗn loạn.
Ông cho rằng việc thực thi lệnh cấm đối với tổ chức này tại Israel và Đông Jerusalem bị chiếm đóng - sắc lệnh vốn đã được Quốc hội Israel thông qua vào tháng trước - sẽ gây ra hậu quả thảm khốc.
Trong trường hợp không có một chính quyền hoặc nhà nước có năng lực, chỉ có UNRWA mới có thể cung cấp giáo dục cho hơn 650.000 trẻ em gái và trẻ em trai ở Gaza. Nếu UNRWA giải thể, cả một thế hệ sẽ bị từ chối quyền được giáo dục.
Liên quan vấn đề này, trong phản hồi chính thức, LHQ cho biết tổ chức đa phương này không thể và không có đủ nguồn lực để đảm nhận trách nhiệm thay thế UNRWA. Trước đó, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế, trong đó có đồng minh Mỹ cũng như Anh và Đức, Quốc hội Israel vẫn thông qua quyết định đóng cửa hoạt động của UNRWA. Nước này sẽ chấm dứt thỏa thuận hợp tác năm 1967 với UNRWA bao gồm bảo vệ, di chuyển và quyền miễn trừ ngoại giao của tổ chức này. Các hoạt động của UNRWA tại Israel cũng sẽ chấm dứt kể từ cuối tháng 1/2025.
LHQ coi Gaza và Bờ Tây là vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng. Luật nhân đạo quốc tế yêu cầu bên chiếm đóng phải đồng ý với các chương trình cứu trợ cho những người đang gặp khó khăn và tạo điều kiện cho họ "bằng mọi phương tiện có thể," đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn về thực phẩm, chăm sóc y tế, vệ sinh và sức khỏe cộng đồng.
Trong diễn biến khác, truyền thông quốc tế đưa tin rạng sáng 7/11, các cuộc không kích đã xảy ra ở khu vực phía Nam thủ đô Beirut của Libăng. Động thái này diễn ra khoảng 1 giờ sau khi quân đội Israel kêu gọi sơ tán đối với cư dân sinh sống tại khu vực mà họ cho là thành trì của lực lượng Hezbollah, trong đó có cả một địa điểm gần sân bay quốc tế của Libăng.
Đoạn phim được truyền thông đăng tải cho thấy một số cột khói bốc lên từ phía Nam Beirut kèm những tiếng nổ lớn. Trước đó, người phát ngôn quân đội Israel Avichay Adraee đã kêu gọi cư dân của 4 khu phố phía Nam Beirut sơ tán, đăng bản đồ lên mạng xã hội trong đó có một khu vực gần sân bay Beirut.
Theo truyền thông nhà nước Libăng, chỉ tính riêng trong ngày 6/11, có tới 9 cuộc không kích của Israel nhằm vào phía Nam Beirut. Quân đội Israel cho rằng mục tiêu của các hành động quân sự này là cơ sở hạ tầng của Hezbollah, bao gồm các trung tâm chỉ huy và kho vũ khí.
Trong khi đó, Hãng thông tấn quốc gia Libăng NNA đưa tin ít nhất 57 người đã thiệt mạng và hơn 50 người bị thương trong 33 cuộc tấn công của Israel tại Libăng vào ngày 6/11. Các mục tiêu bao gồm nhiều thị trấn, làng mạc ở vùng Bekaa và Baalbek-Hermel, miền Đông Libăng.
Israel và lực lượng Hezbollah tại Libăng đã giao tranh trong hơn 1 năm qua, song căng thẳng leo thang kể từ giữa tháng 9 năm nay khi Hezbollah bắt đầu các cuộc tấn công xuyên biên giới vào Israel để ủng hộ Phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza.
Theo số liệu của Bộ Y tế Libăng, ít nhất 3.050 người đã thiệt mạng và gần 13.660 người bị thương tại Libăng trong hơn 1 năm giao tranh.
Trong diễn biến liên quan, ngày 6/11, Tổng tham mưu trưởng Israel Herzi Halevi cho rằng quân đội nước này cần chuẩn bị sẵn sàng cho các hành động quân sự tiếp theo tại Libăng, trong đó có cả việc có thể mở rộng các hoạt động trên bộ.
Theo một tuyên bố chính thức, ông Halevi nhấn mạnh trong khi các nỗ lực ngoại giao đang được tiến hành để đạt được các thỏa thuận tại Libăng, quân đội Israel phải kiên trì chuẩn bị các kế hoạch cho cuộc giao tranh đang diễn ra, “có khả năng mở rộng và tăng cường các cuộc hoạt động trên bộ…” và phía Israel "sẽ thực hiện các kế hoạch này khi cần thiết".
Ông Halevi cũng lưu ý rằng theo kế hoạch, Israel đã tấn công nhiều mục tiêu liên quan tới Hezbollah trên khắp miền Nam Libăng, Thung lũng Bekaa, Beirut và Syria.
Cũng trong ngày 6/11, các tổ chức phi chính phủ đã yêu cầu Hội đồng Nhân quyền LHQ tổ chức phiên họp khẩn cấp để tiến hành điều tra những hành vi vi phạm của các bên trong cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah tại Libăng.
Trong bức thư gửi các phái đoàn ngoại giao, 12 tổ chức phi chính phủ, trong đó có Tổ chức Giám sát Nhân quyền và Tổ chức Ân xá Quốc tế, đã kêu gọi các quốc gia hành động quyết đoán trước tình hình "đang vượt khỏi tầm kiểm soát".
Trong thư, Giám đốc Viện nghiên cứu nhân quyền Cairo tại Geneva, ông Jeremie Smith cho rằng tiềm ẩn nguy cơ rất lớn những hành động quân sự gây thương vong tương tự ở Dải Gaza có thể tái diễn ở Libăng. Tại Gaza, nhiều thị trấn đã bị san phẳng, hàng nghìn người thiệt mạng và bị thương song không có một cuộc điều tra nào được tiến hành. Ông nhấn mạnh rằng không thể để điều đó xảy ra tại Libăng.
Một cuộc họp khẩn tại Hội đồng Nhân quyền ở Geneva gần như chắc chắn nhận được 1/3 số phiếu cần thiết nhưng điều quan trọng khác là cần sự ủng hộ của Libăng. Đại sứ Salim Baddoura, Trưởng phái đoàn Libăng tại Geneva đã để ngỏ khả năng diễn ra một cuộc họp khẩn nhưng Beirut chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)