Hơn 28 tấn yến mạch ở Mỹ bị thu hồi

Hơn 28 tấn yến mạch ở Mỹ bị thu hồi
7 giờ trướcBài gốc
Theo VietQ.vn, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vừa phát thông báo về việc thu hồi 63.200 pound (tương đương hơn 28 tấn) yến mạch của Công ty Grain Millers có trụ sở tại Eden Prairie, bang Minnesota (Hoa Kỳ) do “có khả năng lẫn tạp chất là nhựa”.
Theo FDA, hai dòng sản phẩm bị ảnh hưởng là yến mạch cuộn thường (regular rolled oats) và yến mạch cuộn ăn liền (quick rolled oats). Cả hai loại đều đóng gói dạng bao lớn (supersacks) dùng cho mục đích sản xuất thực phẩm quy mô lớn, như bánh ngũ cốc, granola hay các sản phẩm nướng.
Cụ thể, hai dòng sản phẩm bị thu hồi gồm yến mạch cuộn thường mã số 810239153, lô hàng 250131N-1, đóng gói trong bao lớn 1.800 pound, với tổng cộng 20 túi xuất xứ từ nhà máy tại Yorkton, Saskatchewan (Canada) và yến mạch cuộn ăn liền mã số 811176, lô hàng 250202N-2, đóng gói 1.600 pound/túi, tổng cộng 17 túi, cũng từ cùng nhà máy.
FDA cho biết các sản phẩm này chủ yếu được phân phối tới hai bang California và Indiana, nhiều khả năng cho các cơ sở chế biến thực phẩm quy mô lớn. Hiện chưa rõ cụ thể cách thức phát hiện tạp chất và FDA vẫn chưa xếp loại mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Theo thông lệ, FDA sẽ phân loại thu hồi theo ba mức: Loại I (nguy hiểm nghiêm trọng), Loại II (nguy cơ trung bình), và Loại III (ít nghiêm trọng).
Grain Millers được giới thiệu là nhà chế biến yến mạch hữu cơ lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 25% thị phần Bắc Mỹ. Trên website chính thức, công ty mô tả yến mạch cuộn thường được sử dụng làm bột yến mạch nấu truyền thống hoặc nguyên liệu làm bánh, trong khi yến mạch cuộn ăn liền phù hợp hơn với ngũ cốc ăn sáng hoặc bánh thanh dinh dưỡng.
Dù sự cố lần này chủ yếu liên quan đến các đơn vị sản xuất quy mô lớn, người tiêu dùng cũng nên lưu ý, nhất là trong bối cảnh có những thông tin cho rằng FDA đang xem xét điều chỉnh quy trình thanh tra an toàn thực phẩm.
Yến mạch vốn được xem là thực phẩm tốt cho tim mạch nhờ hàm lượng chất xơ hòa tan cao, giúp giảm cholesterol xấu. Tuy nhiên, sự cố như trên cho thấy rủi ro mất an toàn thực phẩm có thể xảy ra ở bất kỳ khâu nào trong chuỗi sản xuất – đặc biệt khi sản phẩm được tiêu thụ ở quy mô lớn.
Bình Nguyên
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/doi-song/hon-28-tan-yen-mach-o-my-bi-thu-hoi-2099731.html