Với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", những khó khăn trở ngại do thời tiết, thiếu vật liệu, vướng giải phóng mặt bằng… dần được tháo gỡ và triển khai thi công thần tốc, nhiều dự án vượt xa tiến độ.
Công nhân đội nắng thảm cấp phối đá dăm trên công trường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Chắt chiu từng ngày thời tiết thuận lợi
Đầu tháng 7/2025 trên công trường cao tốc Bắc - Nam đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn, nhà thầu vẫn đang chắt chiu từng ngày thời tiết thuận lợi, dồn lực chạy đua bù sản lượng.
Đảm nhận thi công đoạn tuyến từ Km 57+460 - Km 62+390, ông Nguyễn Thành Luân, Chỉ huy trưởng Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8) cho biết, đến cuối tháng 5/2025, đơn vị đã thảm bê tông nhựa lớp 1 và dự kiến thảm lớp 2 vào giữa tháng 6.
Thế nhưng, do ảnh hưởng của bão số 1 vào giữa tháng 6, kế hoạch đã không diễn ra như dự kiến. Nhà thầu lập tức xoay chuyển phương án, tổ chức lại các mũi thi công những hạng mục khác như lắp hộ lan, thi công dải phân cách giữa, lắp rào bảo vệ…
"Khi thời tiết tốt trở lại, chúng tôi sẽ dồn lực ngày đêm thảm mặt đường, đảm bảo hoàn thành đồng bộ các hạng mục, không để lỡ hẹn ngày thông xe", ông Luân chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Phó giám đốc Ban điều hành dự án Hoài Nhơn - Quy Nhơn, công trường dự án ghi nhận sự chuyển biến rõ rệt. Nếu thời điểm tháng 7/2024, toàn công trường có 103 mũi thi công với 637 đầu máy, thiết bị, hơn 1.300 nhân sự. Sản lượng thực hiện đạt hơn 39% giá trị hợp đồng thì sau lễ phát động (tháng 8/2024), các nhà thầu đã huy động thêm 20 mũi thi công cùng hơn 200 nhân lực.
Đến cuối tháng 8/2024, chỉ sau gần một tháng phát động, lũy kế sản lượng thực hiện đạt gần 50% hợp đồng dù khu vực dự án đã bước vào mùa mưa. Đến 27/9, sản lượng đạt 53% hợp đồng, nhanh 0,3% so với tiến độ được duyệt.
Đáp ứng tiến độ, Ban QLDA 85 cũng sát sao theo dõi tiến độ của từng nhà thầu, sẵn sàng cắt chuyển khối lượng nhà thầu yếu. Đến nay, sản lượng dự án đạt 77% giá trị hợp đồng, vượt kế hoạch được duyệt 0,32%.
Từ bị nhắc nhở đến vượt tiến độ
Những ngày này, dọc tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua địa bàn Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ (nay thuộc TP.HCM) đâu đâu cũng bắt gặp không khí thi công khẩn trương, rộn rã suốt ngày đêm. Xe lu, máy ủi, xe cuốc, xe ben chở đất đá nối đuôi nhau hoạt động không ngơi nghỉ.
Một số đoạn tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: Minh Tuệ.
Gần một năm kể từ đợt phát động cao điểm 500 ngày đêm, diện mạo tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu thay đổi thấy rõ. Đoạn qua địa phận Bà Rịa - Vũng Tàu dài hơn 19,5km đang bước vào giai đoạn hoàn thiện, các cây cầu, nút giao đã hiện lên dáng dấp, công nhân hối hả sơn vạch kẻ đường, dựng biển báo, lắp hàng rào an toàn.
Cách đó không xa, công trường dự án thành phần 2 qua Đồng Nai cũng hối hả từng ngày nắng. "Mùa này mưa nắng thất thường, chỉ cần một trận mưa lớn là nền đường mềm nhão, phương tiện thi công không vào được. Chúng tôi phải tính toán kỹ lịch đổ vật liệu, lu lèn, luôn sẵn sàng máy bơm, máy xúc để thoát nước khẩn cấp", một kỹ sư chia sẻ.
Theo ông Trần Đình Việt, Phó giám đốc quản lý dự án thành phần 2, tính đến nay, sản lượng đạt khoảng 55%. Trong khi đó, tại dự án thành phần 1 dài hơn 16km do Ban QLDA đầu tư xây dựng Đồng Nai quản lý, tổng sản lượng đã vượt mốc 36% giá trị hợp đồng.
Hưởng ứng phong trào thi đua 500 ngày đêm, nhiều nhà thầu còn tăng cường xe lu rung, lu bánh sắt, máy san, xe ben… Đội ngũ kỹ sư, công nhân được bổ sung 10 -30%, chia 3 ca 4 kíp làm xuyên trưa, xuyên đêm. Sản lượng nhích lên đều đặn từng tuần, từng tháng.
Trước đó, dự án không ít lần bị nhắc nhở tiến độ do vướng mắc về nguồn vật liệu, giải phóng mặt bằng.
Hòa vào khí thế thi đua 500 ngày thần tốc, trải qua khoảng thời gian dài vượt khó, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ cũng đang bước vào chặng đường cuối, sẵn sàng thông xe vào 19/8.
Đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh thông tin, tổng sản lượng dự án Vạn Ninh - Cam Lộ đã đạt hơn 97,5%. Các hạng mục xây lắp chính cơ bản đã hoàn thành, chỉ còn một số vị trí các hạng mục hoàn thiện ATGT, gia cố lề.
Trên công trường cao tốc Vũng Áng - Bùng, tại cầu số 1 - một trong những cây cầu lớn nhất tuyến do Công ty CP 479 Hòa Bình thi công, khối lượng công việc cũng đang dần gói gọn để đáp ứng thời gian đưa vào khai thác dịp 19/8.
"Công trình hiện chỉ còn một nhịp cuối với 7 phiến dầm đang chờ lao lắp. Với lực lượng và thiết bị tăng gấp đôi, mục tiêu hoàn thành cầu trong tháng 7 hoàn toàn khả thi", ông Hoàng Minh Sơn, Chỉ huy trưởng cầu số 1 chia sẻ.
Tìm hiểu của PV, áp dụng công nghệ và giải pháp thi công linh hoạt là một trong những điểm sáng tại dự án. Tập đoàn Sơn Hải đã sử dụng máy trộn bê tông tự động để thi công dải phân cách, chấp nhận tự bỏ chi phí chuyển từ láng nhựa sang thảm bê tông nhựa C12.5 ở một số đoạn đường gom dân sinh.
Tập trung gỡ mặt bằng, vật liệu
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng), hưởng ứng đợt thi đua cao điểm được Thủ tướng Chính phủ phát động, các bộ, ngành, địa phương liên quan đã triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Thi công lưới chắn, lắp đặt hộ lan trên công trường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Quá trình triển khai dự án, các đơn vị tham mưu thuộc Bộ Xây dựng đã chủ động nắm bắt các vướng mắc phát sinh của từng dự án, kịp thời tham mưu lãnh đạo báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các chủ thể liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, cấp mỏ vật liệu.
Đồng thời, yêu cầu các ban quản lý dự án/chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu huy động tối đa máy móc, phương tiện, tổ chức thi công khoa học, đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật và chất lượng công trình.
Sau lễ phát động, nhiều dự án đã bứt tốc về đích vượt tiến độ yêu cầu. Trong đó, 70/83km cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang, cao tốc đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng vượt tiến độ 6 - 8 tháng để đưa vào khai thác tuyến chính dịp 30/4/2025, sớm phát huy hiệu quả đầu tư.
Nhiều dự án đã có sự chuyển biến rõ rệt về sản lượng ngay sau khi các vướng mắc, đặc biệt là nút thắt mặt bằng, vật liệu được địa phương tháo gỡ. Điển hình như dự án thành phần 1 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, nếu thời điểm tháng 4/2025, tỷ lệ bàn giao mặt bằng mới đạt hơn 91% thì đến tháng 5/2025, con số này được nâng lên hơn 99%. Sản lượng thi công tính đến hết tháng 6/2025 đạt hơn 60% giá trị hợp đồng so với hơn 41% ở tháng trước đó.
Tại dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, tháng 4/2025 tỷ lệ bàn giao mặt bằng mới đạt 50%, bước sang tháng 5, con số này tăng gần gấp đôi, diện tích mặt bằng được bàn giao đạt hơn 94%. Đến hết tháng 6, sản lượng thi công đạt 31% giá trị hợp đồng so với con số hơn 24% ở tháng trước đó.
Với các dự án thành phần 2, 3, mặt bằng được bàn giao sớm hơn, kết quả thực hiện cũng chuyển biến đáng kể, đáp ứng mục tiêu hoàn thành trong năm 2025.
"Nhiều chủ đầu tư, nhà thầu đã chủ động bỏ thêm kinh phí, tính toán giải pháp kỹ thuật để rút ngắn thời gian thi công", ông Nguyễn Thế Minh nói và dẫn chứng, như tại dự án cao tốc đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, nhà thầu đã áp dụng giải pháp đào từng phần của mặt gương hầm để tăng mũi thi công, rút ngắn thời gian thi công hầm từ 6 - 9 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Tại dự án đoạn Hậu Giang - Cà Mau khi nguồn vật liệu cát khan hiếm, nhà thầu đã sử dụng giải pháp tăng tải bằng cấp phối đá dăm, hút chân không để giảm thời gian chờ lún nhằm đưa dự án về đích đúng tiến độ.
Hay ở dự án cao tốc đoạn Vũng Áng - Bùng, việc cung ứng nguồn vật liệu cát thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, nhà thầu đã tự bố trí kinh phí đổi giải pháp xử lý đất yếu sang cọc xi măng đất để hoàn thành dự án vượt tiến độ.
Tiếp tục thông xe thêm nhiều dự án
Lãnh đạo Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, đến nay cả nước đã có 2.268km đường bộ cao tốc. Đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 3.000km cao tốc, Bộ Xây dựng và các địa phương đang triển khai thi công 25 dự án/dự án thành phần với tổng chiều dài 941km.
Cao tốc Vũng Áng - Bùng đang gấp rút hoàn thành các hạng mục cuối. Ảnh: Hà Vũ.
Trong đó, Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản 14 dự án/dự án thành phần dài 652km. Các dự án cơ bản bám sát tiến độ đề ra.
Dự kiến, đến ngày 19/8 tới đây, một số đoạn trên tuyến chính của 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 sẽ được hoàn thành với tổng chiều dài 208km gồm: Toàn tuyến đoạn Vũng Áng - Bùng, Vạn Ninh - Cam Lộ; 13km còn lại của đoạn Vân Phong - Nha Trang và một số đoạn của DATP Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (10/88km), Hoài Nhơn - Quy Nhơn (45/70km), Quy Nhơn - Chí Thạnh (20/62km).
Ngoài ra, dự án Hòa Liên - Túy Loan cũng sẽ được thông xe. Đến tháng 12/2025 sẽ phấn đấu hoàn thành toàn bộ các dự án còn lại.
Đối với 11 dự án/dự án thành phần do các địa phương làm cơ quan chủ quản (dài 289km), tính đến đầu tháng 7/2025, có 6 dự án đang bám sát kế hoạch đề ra.
Sáu dự án còn lại (tổng chiều dài 195km) còn chậm gồm dự án thành phần 3, 5 vành đai 3 TP.HCM; dự án thành phần 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Tuyên Quang - Hà Giang, dự án thành phần 1 An Hữu - Cao Lãnh. Nguyên nhân là còn vướng mặt bằng, cấp mỏ vật liệu thời gian đầu còn chậm, nhiều khu vực có địa chất đất yếu phải chờ lún với thời gian gia tải kéo dài...
Ngoài ra, hai dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh có kế hoạch hoàn thành năm 2026, tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng đang nỗ lực triển khai để bảo đảm thông tuyến vào cuối năm 2025.
Riêng cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau, đến nay đã bắt đầu dỡ tải một số đoạn và dự kiến kết thúc thời gian gia tải các đoạn cuối cùng vào tháng 10/2025. Hiện, công tác thi công móng mặt đường trùng với thời điểm mùa mưa nên cần phải có các giải pháp khắc phục điều kiện thời tiết, bảo đảm hoàn thành trong năm nay.
Tổng kết phong trào thi đua trước ngày 19/12
Chiều 28/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, chủ trì Phiên họp thứ 12 của Hội đồng nhằm đánh giá kết quả công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm 2025 và đề ra nhiệm vụ trọng tâm cho 6 tháng cuối năm.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan tổ chức tổng kết thực hiện Đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc", hoàn thành trước 19/12/2025.
Trước đó, sáng 18/8/2024, từ điểm cầu chính tại dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã phát động thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc".
Thủ tướng yêu cầu ngay sau lễ phát động, các bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công, các cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành các tiêu chí thi đua phù hợp, tập trung vào những nhiệm vụ khó, nhiệm vụ trọng tâm và xác định rõ việc hoàn thành các công trình đường cao tốc là nhiệm vụ chính trị hàng đầu.
Tăng tốc trên công trường cao tốc miền Tây
Tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau), các nhà thầu đang tập trung nguồn lực tổ chức thi công tăng ca, tăng kíp, dự kiến hoàn thành trước ngày 19/12.
Các nhà thầu đã huy động gần 2.900 công nhân, kỹ sư và gần 930 thiết bị tổ chức 234 mũi thi công trải dài hơn 110km chiều dài tuyến chính. Đến nay, sản lượng thi công đạt gần 69%.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cho biết, quá trình thi công, công trình nhiều lần bị chậm tiến độ so với kế hoạch, một trong những nguyên nhân là do thiếu cát.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ Xây dựng cũng như sự nỗ lực của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, dự án hoàn thành toàn bộ công tác đắp cát gia tải chờ lún từ tháng 3/2025. Đến nay, có 21/78,9km đã tắt lún, các nhà thầu đang tổ chức dỡ tải và đã hoàn thành thảm nhựa 3,5km.
Nhóm PV