Ngày 8/5, Hiệp hội thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) công bố Báo cáo thị trường trái phiếu tháng 4/2025 với nhiều con số đáng chú ý.
Theo đó, trong tháng 4, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 20 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ tại các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 30 năm với tổng giá trị gọi thầu là 64.000 tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu là 66,3% và không có phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ bảo lãnh nào.
Theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 30/4, có 19 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 30.067 tỷ đồng và 2 đợt phát hành ra công chúng trị giá 4.000 tỷ đồng trong tháng 4.
Giá trị phát hành theo nhóm ngành 2025. Nguồn: VBMA
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp đã mua lại 10.318 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2024. Trong 8 tháng còn lại của năm 2025, ước tính sẽ có khoảng 163.212 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 86.444 tỷ đồng, tương đương 53%.
Về tình hình công bố thông tin bất thường, có 2 mã trái phiếu chậm trả lãi 10,3 tỷ đồng trong tháng 4.
Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 4 đạt 100.469 tỷ đồng, bình quân đạt 5.023 tỷ đồng/phiên, giảm 13% so với bình quân tháng 3.
Về kế hoạch phát hành sắp tới, HĐQT CTCP Tập đoàn Vingroup đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ được chia làm 5 đợt trong năm 2025 với tổng giá trị tối đa 10.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu.
Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 2 năm và lãi suất cố định.
Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ được chia làm 50 đợt trong năm 2025 với tổng giá trị tối đa 23.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và mệnh giá dự kiến 100 triệu đồng/trái phiếu.
Trái phiếu có kỳ hạn tối thiểu 5 năm, lãi suất kết hợp giữa cố định và thả nổi.
Văn Thanh