Hơn 500 bị hại sập 'bẫy lừa' trên không gian mạng với số tiền khoảng 10 tỷ đồng

Hơn 500 bị hại sập 'bẫy lừa' trên không gian mạng với số tiền khoảng 10 tỷ đồng
4 giờ trướcBài gốc
Hai kẻ lừa đảo Cao Văn Hiếu và Mai Thanh Quốc tại cơ quan Công an. Ảnh: CQCA
Thủ đoạn lừa đảo hết sức tinh vi
Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Đà Nẵng phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự và Công an huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị bắt khẩn cấp đối với Cao Văn Hiếu (SN 1996) và Mai Thanh Quốc (SN 1998, cùng trú huyện Triệu Phong, Quảng Trị) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, ngày 13/9, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Đà Nẵng tiếp nhận tin báo của nhiều nạn nhân về việc bị các đối tượng mạo danh người thân ở nước ngoài nhắn tin, gọi điện dụ dỗ góp tiền làm ăn, sau đó lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự đã chỉ đạo trinh sát tiến hành xác minh, truy xét. Nhận thấy thủ đoạn lừa đảo này là hết sức tinh vi, nếu không kịp thời có biện pháp ngăn chặn, các đối tượng sẽ tẩu tán số tiền chiếm đoạt được và gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra. Vì vậy, các trinh sát đã phải liên tục nhiều ngày đêm áp dụng các biện pháp nghiệp vụ lần tìm manh mối.
Khoảng 0h ngày 17/9, các tổ công tác của Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng được phân công phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự và Công an huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị bất ngờ ập vào “tụ điểm” mà các đối tượng trong đường dây tội phạm lừa đảo ẩn náu tại huyện Triệu Phong; qua đó khống chế, bắt giữ đối với Cao Văn Hiếu và Mai Thanh Quốc, thu nhiều vật chứng là phương tiện phạm tội.
Ngay sau khi hoàn tất các thủ tục, 2 đối tượng được di lý về Đà Nẵng để đấu tranh. Tại cơ quan Công an, bước đầu Hiếu và Quốc đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Theo đó, để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng đã dùng thủ thuật hack facebook của những người Việt sinh sống ở nước ngoài, sau đó dùng những facebook này nhắn cho người thân của họ ở trong nước dụ dỗ góp tiền làm ăn… rồi chiếm đoạt. Để che mắt lực lượng chức năng, các đối tượng sử dụng tài khoản game để rửa tiền, tránh việc truy vết theo dòng tiền đã chiếm đoạt được...
Căn cứ kết quả phân tích dữ liệu và chứng cứ thu thập được, Phòng Cảnh sát hình sự xác định, từ đầu năm 2024 đến nay, nhóm đối tượng này đã hack 1.000 tài khoản facebook và chiếm đoạt tài sản của hơn 500 bị hại trên cả nước với số tiền khoảng 10 tỷ đồng. Đáng chú ý, đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự đã liên hệ được 3 bị hại ở các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang và Thừa Thiên Huế với tổng số tiền bị chiếm đoạt là 440 triệu đồng; 1 bị hại ở Đà Nẵng bị chiếm đoạt 600 triệu đồng.
Hiện Phòng Cảnh sát hình sự đang tiếp tục tổ chức truy xét các đối tượng có liên quan, phong tỏa các tài khoản ngân hàng, làm rõ nguồn tiền đối tượng chiếm đoạt để phục vụ công tác điều tra.
Chế tài xử phạt đối với các đối tượng
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, mức phạt cao nhất đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 là phạt tù 12 - 20 năm tù giam hoặc tù chung thân, tùy vào số tiền chiếm đoạt và các tình tiết khác liên quan đến hành vi.
Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì người có hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác có thể bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP. “Chỉ riêng hành vi “bẻ khóa, trộm cắp”, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng thì người vi phạm có thể bị phạt tiền 10 - 20 triệu đồng, theo Điều 80, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP” - luật sư Đinh Thị Nguyên cho hay.
Ngoài ra, luật sư Đinh Thị Nguyên cũng cho biết, trường hợp lợi dụng Facebook để thông tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ - CP với mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Nếu cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50 – 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm theo Điều 289, Bộ luật Hình sự về tội “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”.
Còn sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vu khống” theo Điều 156, Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù.
Theo luật sư Đinh Thị Nguyên, trong vụ án trên, hành vi hack 1.000 tài khoản facebook để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn, các đối tượng có thể bị phạt tù với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra, xác minh nếu cơ quan điều tra phát hiện các đối tượng trên có hành vi rửa tiền thì các đối tượng này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Rửa tiền”, quy định tại Điều 324, Bộ luật Hình sự năm 2015, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, phạm tội có thể chịu mức phạt tù lên đến 15 năm.
Thái An
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/hon-500-bi-hai-sap-bay-lua-tren-khong-gian-mang-voi-so-tien-khoang-10-ty-dong-395514.html