Ngày 26/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi cho biết, số ca bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh sởi tăng đột biến so với năm 2024.
Phần lớn các trường hợp mắc nhập viện điều trị cho thấy việc tiêm vaccine không đầy đủ hoặc không tiêm chủng.
Số ca bệnh nhi mắc bệnh sởi tăng đột biến tại Quảng Ngãi.
Theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2025, các cơ sở y tế tại tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận 174 ca bệnh nhập viện điều trị nghi mắc bệnh sởi. Trong đó, 113 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với virus sởi.
Qua khảo sát, hơn 93% ca bệnh không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi cho hay, so với cùng kỳ năm 2024, tổng số ca bệnh các trung tâm y tế tiếp nhận điều trị là 2 trường hợp. Trong khi 3 tháng đầu năm, số ca bệnh tăng đột biến.
Để phòng bệnh sởi trong cộng đồng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi đã cấp 4.800 liều vaccine sởi, hơn 22,5 nghìn liều vaccine sởi - rubella triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi cho trẻ em.
Bác sĩ Nguyễn Mậu Thạch, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi) cho biết, bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng... Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban.
Trẻ mắc bệnh đa phần tự khỏi, nhưng các bệnh nhi bị suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong.
Đồng thời, người bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác như: Viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng…
Trong các biến chứng thì viêm phổi nặng là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất khi mắc sởi.
Ngoài ra, trẻ mắc sởi còn có thể gặp biến chứng xảy ra muộn là viêm não bán cấp gây rối loạn hành vi, tâm thần…
Lê Đức