Không ít người vẫn cho rằng giữ lại vài điều riêng tư là quyền tự do cá nhân, thậm chí là cách để giữ hòa khí gia đình. Một số bí mật ban đầu thực sự chẳng có gì lớn lao, một khoản nợ tiêu dùng, một lần gặp lại người cũ, một tin nhắn vô thưởng vô phạt. Nhưng theo thời gian, chính những điều chưa nói ấy có thể trở thành kẽ nứt dẫn lối cho nghi ngờ, thất vọng và oán giận.
Một số cặp đôi khi ngồi trước chuyên gia trị liệu hôn nhân mới cay đắng nhận ra, những bí mật nhỏ nhặt, lẽ ra có thể nói ra từ lâu, lại trở thành quả bom chờ phát nổ, cuốn trôi cả tình yêu và sự tôn trọng.
Ảnh minh họa/ Nguồn internet
Những bí mật thường bị coi nhẹ nhưng để lại hậu quả nặng nề
Bí mật tài chính
Tiền bạc là một trong những nguyên nhân xung đột lớn nhất trong hôn nhân. Một số người chồng hay vợ có thói quen lập “quỹ đen”, lý do ban đầu có thể rất chính đáng như để phòng thân, mua quà bất ngờ, hay gửi cho cha mẹ mà ngại giải thích. Nhưng khi người kia phát hiện khoản tiền giấu giếm, cảm giác bị phản bội, bị coi thường thường nặng nề hơn giá trị đồng tiền.
Mối liên lạc với người cũ
Giữ lại số điện thoại, tin nhắn chúc mừng sinh nhật, hay đôi ba lần hẹn cà phê với người cũ là điều không hiếm. Nhiều người cho rằng: “Tôi chỉ xem như bạn, có gì đâu mà nói ra làm gì cho phức tạp”. Nhưng sự im lặng ấy dễ bị hiểu thành che giấu, đặc biệt khi người bạn đời phát hiện một cách tình cờ. Vết thương lòng khi ấy thường sâu hơn gấp nhiều lần so với chuyện tình cờ gặp gỡ.
Che giấu cảm xúc thật
Trong nhiều gia đình Á Đông, vợ chồng thường ngại nói về những bất mãn hay mong muốn sâu kín. Người vợ giấu nỗi tủi thân khi chồng vô tâm. Người chồng giấu ấm ức khi thấy mình không được tôn trọng. Dần dần, những cảm xúc bị đè nén tích tụ, biến thành bực dọc, im lặng và xa cách. Một ngày, chỉ cần một chuyện nhỏ cũng đủ làm mồi lửa đốt cháy mọi kiên nhẫn.
Che giấu bệnh tật
Không ít người che giấu tình trạng sức khỏe vì sợ làm phiền, sợ bạn đời lo lắng. Nhưng việc giấu nhẹm bệnh tật, nhất là các bệnh liên quan đến sức khỏe sinh sản, tâm thần hoặc tài chính (bệnh viện, chi phí điều trị) có thể biến hôn nhân thành gánh nặng bất ngờ mà người kia không kịp chuẩn bị tinh thần, tài chính hay kế hoạch hỗ trợ.
Vì sao ta cứ thích “giấu cho yên chuyện”?
Tâm lý sợ làm tổn thương đối phương, sợ rắc rối, sợ bị giận, bị đánh giá là nguyên nhân phổ biến khiến vợ chồng ngại nói thật. Một số người tin rằng giấu đi là tốt hơn. Nhưng sự thật là giấu giếm chỉ làm tổn thương kéo dài và nghi ngờ thêm sâu. Khi mọi thứ bị phát hiện qua một kênh khác, tin nhắn, mạng xã hội, người ngoài niềm tin sụp đổ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc đối diện thẳng thắn từ đầu.
Chia sẻ là liều thuốc chữa lành duy nhất
Nhiều chuyên gia tâm lý hôn nhân cho rằng, không có cuộc hôn nhân nào tránh được sai lầm hay mâu thuẫn, nhưng có những đôi vẫn bền vững vì họ không để bí mật lớn lên. Họ hiểu sức mạnh của việc nói ra, nói đúng lúc, đúng cách, để người kia hiểu, đồng cảm và cùng tháo gỡ.
Một cuộc hôn nhân lành mạnh không có nghĩa là không có không gian riêng. Ai cũng cần có vùng riêng tư của mình. Nhưng ranh giới giữa quyền riêng tư và bí mật nguy hiểm là ở chỗ: Nếu điều bạn giấu đi có thể ảnh hưởng đến cảm xúc, niềm tin, tài chính, mối quan hệ của cả hai thì đó không còn là riêng tư nữa.
Làm sao để dũng cảm nói ra?
Chọn thời điểm: Đừng thú nhận khi đang cãi nhau. Hãy nói khi cả hai bình tĩnh, sẵn sàng lắng nghe.
Chọn cách diễn đạt: Đừng đổ lỗi, đừng nói để trút bỏ gánh nặng. Hãy chia sẻ như một cách xin lỗi, cầu mong sự thấu hiểu.
Học cách lắng nghe phản ứng: Có thể người kia sẽ tức giận, tổn thương – điều đó bình thường. Hãy cho họ thời gian.
Cam kết thay đổi: Nếu đó là bí mật lặp lại, hãy chứng minh bạn sẵn sàng thay đổi để giữ lòng tin.
Hôn nhân không bền nhờ những thứ đẹp đẽ, mà bền vì hai người đủ dũng cảm gỡ bỏ lớp vỏ bọc, sẵn sàng đối diện sự thật và chấp nhận cả những điều không hoàn hảo của nhau. Những bí mật tưởng chừng vô hại sẽ chẳng còn quyền lực nếu bạn đủ yêu thương để không cần giấu đi điều gì.
Trương Hiền