Họp báo Chính phủ: An toàn giao thông chuyển biến rất tích cực và rõ rệt

Họp báo Chính phủ: An toàn giao thông chuyển biến rất tích cực và rõ rệt
4 giờ trướcBài gốc
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, tình hình trật tự, an toàn giao thông đã có những chuyển biến rất tích cực, tai nạn giao thông giảm sâu trên cả 3 tiêu chí và đặc biệt lần đầu tiên ghi nhận giảm trên 2 con số. Trong đó, so với 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tai nạn giao thông giảm 258 vụ (tương đương 36,69%); giảm 128 người chết (37,61%); giảm 232 người bị thương (38,34%).
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chủ trì họp báo Chính phủ tháng 1-2025. Ảnh: VGP/NB
Sau hơn một tháng triển khai Nghị định số 168 của Chính phủ, ý thức và hành vi tham gia giao thông của người dân, những người lái xe dịch vụ, xe tải, xe khách... và của cả chủ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều đã chuyển biến rất tích cực và rõ rệt. Người dân đã chấp hành nghiêm túc hơn các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông ngay cả khi không có lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; đặc biệt là chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, chấp hành việc đi đúng phần đường, làn đường theo quy định; trên đường cao tốc các phương tiện không chạy ở làn dừng khẩn cấp...
Thời gian tới, Bộ Công an đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục tăng cường tuyên truyền về hiệu quả của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng như Nghị định số 168 và những chuyển biến của tình hình trật tự an toàn giao thông; qua đó, tiếp tục nâng cao ý thức của mọi người dân khi tham gia giao thông, góp phần bảo đảm tốt hơn an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông và xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn.
*Liên quan đến các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, vừa qua, Trung ương đã quyết nghị điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên, bù đắp lại tăng trưởng thấp của năm trước, đáp ứng yêu cầu về đích trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025). Hơn nữa, việc tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên sẽ tạo nền tảng để nước ta bước vào giai đoạn mới, đạt mục tiêu tăng trưởng liên tục trong nhiều năm ở mức cao 2 con số.
Đi vào các giải pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu Chính phủ yêu cầu, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, các giải pháp tổng thể đã được nêu trong Nghị quyết số 01, các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện ở mức độ cao hơn, “thậm chí là gấp đôi, có thể hiểu một cách đơn giản là mỗi người làm việc bằng hai thì mới có thể đạt được mục tiêu đã đề ra”.
Về tiêu dùng trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, nhấn mạnh việc thúc đẩy tổng cầu và nâng cao sức mua của thị trường nội địa. Các giải pháp được đề ra cũng đã tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, nhằm đảm bảo thị trường trong nước tiếp tục phát triển ổn định, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, các nhóm động lực chính cần tập trung thúc đẩy là sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngoài việc thu hút đầu tư vào các dự án mới, cần có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện để các dự án hiện hành mở rộng sản xuất – kinh doanh, qua đó gia tăng mức độ tăng trưởng của khu vực này. Đồng thời, khu vực nông nghiệp và xây dựng cũng cần được quan tâm đặc biệt để đảm bảo động lực tăng trưởng bền vững...
* Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, bám sát các mục tiêu đề ra. Đây là khẳng định của Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 5-2 tại Hà Nội.
Về các giải pháp cụ thể, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trước tiên phải đảm bảo thanh khoản của các ngân hàng thương mại, có chính sách lãi suất hợp lý, thu hút vốn từ người dân.
Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ điều hành phù hợp, điều hành lãi suất ổn định, đảm bảo phù hợp lãi suất chung của nền kinh tế, đảm bảo phù hợp các quan hệ vĩ mô khác. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Về hạn mức tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đổi mới, tạo thuận lợi, chủ động cho các ngân hàng thương mại tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chung.
Về thị trường ngoại tệ, trong thời điểm đầu năm, dù có tác động không tích cực nhưng Ngân hàng Nhà nước chủ động điều hành. Thị trường ngoại tệ từ giữa tháng 1-2025 đến nay đã trở lại tích cực. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục sử dụng biện pháp can thiệp khi cần thiết để đảm bảo tỷ giá hợp lý, tránh tâm lý găm giữ, đối phó.
Về các chính sách hỗ trợ, giãn hoãn nợ, Phó thống đốc khẳng định sẽ được áp dụng thích hợp; các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thấp sẽ được triển khai tích cực, đảm bảo nguồn vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.
Năm 2025, đồng hành để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 16%, cao hơn so với mức tăng trưởng đạt được trong năm 2024 là 15,08% và ở mức cao so với nhiều năm gần đây. Tính riêng trong năm 2024, đã có hơn 2,1 triệu tỷ đồng bơm ra nền kinh tế qua hệ thống ngân hàng. Với chỉ tiêu định hướng ở mức 16% năm 2025, ước tính khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được bơm ra nền kinh tế.
TTXVN
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/hop-bao-chinh-phu-an-toan-giao-thong-chuyen-bien-rat-tich-cuc-va-ro-ret-814484