Trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025, kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích vực. Toàn cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025. (Ảnh: Gia Thành)
Trình Quốc hội 13 dự án luật để triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW
Thông tin về kinh tế-xã hội tháng Tư và 4 tháng đầu năm 2025, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, tình hình tiếp tục chuyển biến tích cực. Tính chung kết quả 4 tháng đầu năm 2025 tốt hơn cùng kỳ năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực.
Cụ thể như: Kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích vực. Nông nghiệp phát triển ổn định: Trồng trọt, chăn nuôi, khai thác thủy sản đều đạt kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 1,4% so tháng 3; tính chung 4 tháng tăng 8,4%, so cùng kỳ tăng 6,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 10%. Thu hút gần 7,7 triệu lượt khách quốc tế, tăng 23,8%, cao nhất từ trước đến nay.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, 4 tháng qua, đất nước tập trung đẩy nhanh các dự án kết cấu hạ tầng; nhất là bảo đảm hoàn thành trên 3.000 km đường bộ cao tốc và 1.000 km đường ven biển trong năm nay.
Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký 4 tháng đạt trên 13,8 tỷ USD, tăng 40%; vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ giai đoạn 2020-2025.
Đồng thời, trình Quốc hội 13 dự án luật để triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Công tác phòng, chống lãng phí được đặc biệt quan tâm. Hoàn thành rà soát, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 6 triệu tỷ đồng và quy mô sử dụng đất khoảng 347.000 ha.
Bên cạnh đó, an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được trên 201.000 căn, trong đó khánh thành 106.000 căn và khởi công trên 95.000 căn. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2025 xếp hạng 46/143, tăng 8 bậc so với năm 2024. Thu nhập bình quân tháng của lao động quý I/2025 tăng 10,7% so với cùng kỳ 2024.
Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước được nâng lên. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông tin, Chính phủ nhìn nhận còn một số tồn tại, hạn chế như: Khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 8% khó khăn hơn do chính sách thuế quan mới của Mỹ và sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn. Hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực còn khó khăn, tiếp cận vốn tín dụng còn hạn chế.
Song song với đó, các động lực tăng trưởng truyền thống chưa đạt kỳ vọng, trong khi các động lực tăng trưởng mới vẫn cần thời gian để phát huy hiệu quả. Phân cấp, phân quyền chưa triệt để; thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Tình hình tội phạm ma túy, công nghệ cao, lừa đảo qua mạng, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái… diễn biến phức tạp.
Trong tháng Tư, đất nước tổ chức trọng thể, thành công chuỗi các sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Tập trung thực hiện 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Trước những khó khăn trên, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng nhấn mạnh 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Một là, các Bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo địa phương chủ động rà soát lại công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công để khắc phục các hạn chế, bất cập đã chỉ ra.
Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là 4 Nghị quyết chiến lược của Bộ Chính trị. Chuẩn bị kỹ, chu đáo tài liệu phục vụ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Ba là, tập trung thực hiện hiệu quả việc sắp xếp địa giới hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, nâng cao tính tự lực, tự cường; rà soát, sửa đổi các văn bản hướng dẫn sáp nhập; rà soát lại toàn bộ việc phân cấp, phân quyền của ngành mình và đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết về phân cấp, phân quyền.
Bốn là, ứng phó hiệu quả chính sách thuế đối ứng của Mỹ.
Năm là, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Sáu là, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, đẩy mạnh xuất khẩu và đàm phán, mở rộng các thị trường mới; kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam. Tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển thị trường bất động sản.
Bảy là, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch; xử lý nghiêm các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đến 15/3/2025; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao.
Tám là, thực hiện tốt chính sách ưu đãi thị thực, mở rộng diện miễn thị thực nhập cảnh cho một số đối tượng, quốc gia để tăng cường thu hút du khách quốc tế và phù hợp với việc sửa đổi Luật Quốc tịch.
Chín là, tiếp tục xử lý có kết quả các vấn đề tồn đọng, kéo dài; đặc biệt sớm đưa vào triển khai hơn 2.200 dự án đầu tư với tổng số vốn gần 6 triệu tỷ đồng.
Mười là, chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xây dựng Đề án phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí.
Mười một là, chuẩn bị tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, trong đó có lễ diễu binh, diễu hành; khánh thành, khởi công 80 công trình, dự án lớn; triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội…
Mười hai là, tiếp tục triển khai quyết liệt phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong 2025. Đẩy mạnh thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Mười ba là, bảo đảm các chính sách an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
Mười bốn là, củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Mười lăm là, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, chú trọng truyền thông chính sách, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo, tạo khí thế mới, động lực mới, phong trào thi đua thực chất, hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Gia Thành