Hộp đen trên máy bay Jeju Air ngừng ghi dữ liệu trước vụ tai nạn: Điều gì đã xảy ra?

Hộp đen trên máy bay Jeju Air ngừng ghi dữ liệu trước vụ tai nạn: Điều gì đã xảy ra?
3 giờ trướcBài gốc
Xác của chiếc máy bay Jeju Air bị rơi ở sân bay quốc tế Muan, Hàn Quốc vào tháng trước. Ảnh: Reuters.
Bộ ghi dữ liệu chuyến bay và ghi âm buồng lái trên chiếc máy bay của hãng Jeju Air, gặp nạn vào ngày 29/12/2024 khiến 179 người thiệt mạng, đã dừng hoạt động chỉ 4 phút trước khi xảy ra tai nạn, Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc công bố hôm thứ Bảy tuần trước.
Hộp đen là gì?
Trái ngược với tên gọi, hộp đen không có màu đen mà được sơn màu cam rực rỡ để dễ dàng nhận diện. Mặc dù không rõ nguồn gốc chính xác của tên gọi này, nó đã trở thành biểu tượng của nỗ lực điều tra nguyên nhân sau mỗi vụ tai nạn máy bay.
Nhiều chuyên gia cho rằng hộp đen được nhà khoa học người Australia David Warren phát minh vào những năm 1950. Từ những thiết bị sử dụng dây, giấy bạc hay băng từ, công nghệ này đã tiến hóa thành các chip kỹ thuật số nằm bên trong lớp vỏ kim loại sáng màu.
Hộp đen là thiết bị bắt buộc phải có trên máy bay, có nhiệm vụ ghi lại âm thanh trong buồng lái và dữ liệu vận hành để hỗ trợ điều tra, ngăn ngừa các tai nạn trong tương lai, chứ không nhằm xác định trách nhiệm pháp lý.
Bộ ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) mà các nhà điều tra thu được từ chuyến bay 2216 của hãng hàng không Jeju Air. Ảnh: AFP.
Một hệ thống hộp đen gồm hai thiết bị: Bộ ghi âm buồng lái (Cockpit Voice Recorder - CVR) lưu lại âm thanh và giọng nói trong buồng lái, và bộ ghi dữ liệu chuyến bay (Flight Data Recorder - FDR) ghi lại các thông số vận hành.
Theo các chuyên gia, FDR giúp phân tích diễn biến tai nạn, còn CVR có thể – nhưng không phải luôn luôn – cung cấp manh mối về nguyên nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng không có hai quá trình điều tra nào giống nhau và hầu hết các vụ tai nạn đều do nhiều yếu tố tác động.
Hộp đen có trọng lượng khoảng 4,5 kg và bao gồm 4 thành phần chính. Đầu tiên là khung hoặc giao diện, có nhiệm vụ cố định thiết bị và hỗ trợ việc ghi và phát lại dữ liệu. Tiếp theo là thiết bị định vị dưới nước, giúp xác định vị trí của hộp đen khi chìm trong nước. Một phần quan trọng khác là bộ vỏ bảo vệ, hay còn gọi là "Bộ lưu trữ dữ liệu chịu va đập" (Crash Survivable Memory Unit), được làm từ thép không gỉ hoặc titan, có khả năng chịu được lực tác động lên tới 3.400 lần trọng lực. Cuối cùng, bộ phận lưu trữ dữ liệu là các chip nhỏ, có kích thước tương đương với móng tay, được gắn trên bảng mạch để lưu trữ thông tin.
Xử lý dữ liệu từ hộp đen
Các kỹ thuật viên phải tháo bỏ lớp bảo vệ và làm sạch cẩn thận các điểm kết nối, đảm bảo rằng không có gì có thể gây sai sót hoặc làm mất dữ liệu. Sau khi hoàn tất, dữ liệu sẽ được tải xuống, sao chép và giải mã trước khi chuyển thành đồ thị để phục vụ cho quá trình phân tích.
Những dòng chữ viết tay để lại cho các nạn nhân của vụ tai nạn hàng không Jeju được dán trên một tấm bảng ở Seoul. Ảnh: AFP.
Vì sao hộp đen ngừng ghi dữ liệu?
Vấn đề dung lượng của hộp đen đã được thảo luận trong nhiều năm. Các cơ quan chức năng phải cân nhắc giữa việc tăng cường tính năng và chi phí, cũng như nguy cơ làm ảnh hưởng đến các hệ thống khác trong trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, việc giám sát buồng lái cũng vấn đề gây tranh cãi với các công đoàn phi công.
FDR bắt buộc phải ghi lại ít nhất 88 thông số quan trọng, như tốc độ bay, độ cao và các chỉ số vận hành khác của máy bay. Tuy nhiên, các hệ thống hiện đại ngày nay có thể theo dõi và ghi lại hơn 1.000 tín hiệu khác nhau, cung cấp nhiều thông tin chi tiết hơn về tình trạng của máy bay trong suốt chuyến bay.
Còn CVR, vốn thường chỉ ghi lại 2 giờ âm thanh liên tục trong một vòng lặp (mỗi hai giờ dữ liệu sẽ bị ghi đè), hiện đang được đề xuất cải tiến để ghi âm lên đến 25 giờ.
Việc thực hiện các thay đổi quy định này có thể mất hàng năm.
Những vụ việc dẫn đến thay đổi
Một số vụ tai nạn, trong đó hộp đen ngừng ghi do mất điện, đã thúc đẩy các cải tiến về công nghệ này.
Chẳng hạn, sau vụ tai nạn của chuyến bay EgyptAir từ New York (Mỹ) đến Cairo (Ai Cập) năm 1999, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) đã khuyến nghị bổ sung năng lượng dự phòng để ghi lại thêm 10 phút dữ liệu.
Vào năm 2005, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã đề xuất yêu cầu này và chính thức thực thi vào năm 2010. Tuy nhiên, quy định này được áp dụng sau khi chiếc 737-800 của Jeju Air đã xuất xưởng từ Boeing được khoảng 8 tháng, theo dữ liệu từ FlightRadar24.
Sau vụ tai nạn của chuyến bay Air France 447 năm 2009, Pháp đã khuyến nghị kéo dài thời gian ghi âm lên 25 giờ để phục vụ cho các chuyến bay xuyên đại dương, và điều này càng được đẩy mạnh sau sự mất tích của chuyến bay MH370 của Malaysia năm 2014.
Mới đây, Đạo luật Tái ủy quyền Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã yêu cầu CVR ghi âm trong 25 giờ, phản ánh các quy định tương tự tại châu Âu.
Nhật Anh
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/hop-den-tren-may-bay-jeju-air-ngung-ghi-du-lieu-truoc-vu-tai-nan-dieu-gi-da-xay-ra-post181866.html